(ĐSPL)- Bắt đầu từ 1/8, thí sinh trên cả nước bước vào cuộc đua tìm trường phù hợp với số điểm và nguyện vọng của mình. Tuy nhiên với những điểm mới trong quy chế xét tuyển năm nay, nhiều thí sinh vẫn tỏ ra lo lắng, e dè.
Điểm mới trong quy chế xét tuyển khiến nhiều thí sinh vẫn tỏ ra lo lắng dù được điểm cao
Tin tức từ Đại đoàn kết cho hay, những thí sinh “vùng trũng” rất lo vì phải liên tục cập nhật thông tin xét tuyển trong khi điều kiện tiếp cận với mạng intenet là cả vấn đề lớn. Rồi chuyện rút hồ sơ, một thí sinh tâm sự: “Em phải chạy từ Nghệ An ra tận Hà Nội để rút hồ sơ sẽ mất nhiều thời gian và công sức”.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm chất lượng đầu vào, nhiều trường THPT đã tổ chức trả giấy báo điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và học bạ THPT cho học sinh.
Bắt đầu từ 1/8, thí sinh trên cả nước bước vào cuộc đua tìm trường phù hợp với số điểm và nguyện vọng của mình. Tuy nhiên với những điểm mới trong quy chế xét tuyển năm nay, nhiều thí sinh vẫn tỏ ra lo lắng, e dè.
Dù nhiều em được điểm khá cao nhưng vẫn thấp thỏm lo không biết kết quả thế nào. |
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký vào 1 trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ, thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp.
Thí sinh Nguyễn Thi Nhâm (trường THPT Quế Võ 1, Bắc Ninh) chia sẻ: Năm nay em được 22 điểm nhưng chỉ dám nộp hồ sơ vào ngành Tài chính ngân hàng, trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp.
Nhâm bảo rằng: Nếu như mọi năm, với số điểm này thì em đã có thể yên tâm “ăn no ngủ kĩ”, nhưng với năm nay “em thật sự vẫn chưa thể biết thế nào”. Nhâm cho biết, bài toán “chắc ăn” như thế, nhưng riêng lớp em đã có tới hơn chục bạn đăng ký trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp. Có thể điểm chuẩn của trường cũng sẽ lại tăng cao...
Với ngưỡng điểm từ 18 - 22, để đỗ vào trường ĐH như ý muốn, thí sinh phải bám sát thông tin xét tuyển của các trường nếu không muốn rơi vào trường hợp may rủi.
Mỗi trường một kiểu xét tuyển
Theo thông tin từ báo Gia đình & xã hội, đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ đã đưa ra ngưỡng xét tuyển cũng như các điều kiện kèm theo.
PGS. TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đã đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển là 6 điểm/môn cho tất cả các nhóm ngành và tổ hợp xét tuyển, tương đương với tổng điểm 3 môn là 18 điểm đối với nhóm ngành không có môn chính và 24 điểm đối với nhóm ngành có tính hệ số môn chính. Bên cạnh đó, thí sinh phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 20.
Trong khi đó, ĐH Đà Nẵng cũng thông báo cho các thí sinh có thể đăng ký trực tuyến theo hình thức truy cập vào trang web http://ts.udn.vn chọn Đăng ký trực tuyến -> Đăng ký xét tuyển nguyện vọng I vào ĐH Đà Nẵng năm 2015.
Thí sinh chỉ cần điền đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn tại trang web và in phiếu đăng ký xét tuyển trực tuyến. Thí sinh vẫn phải nộp các giấy tờ còn lại qua đường bưu điện, hoặc trực tiếp tại trường.
Các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng như: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế... cũng có nhiều tổ hợp khối thi mới, kèm theo đó là một loạt các quy định trong xét tuyển như điểm học THPT, điểm môn chính thi THPT quốc gia...
Hiện tại, nhiều trường ĐH, CĐ cũng thông báo một loạt các điều kiện tuyển sinh khiến cho thí sinh không khỏi bối rối, cụ thể như:
ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm điều kiện thí sinh phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức; ĐH Ngoại thương cũng đề ra một loạt các tiêu chí để tuyển chọn thí sinh ngoài điểm nhận hồ sơ rất cao;
ĐH Y Hà Nội cũng bổ sung các quy định lấy thêm điểm trung bình môn của 6 học kỳ THPT, trường hợp thí sinh bằng điểm nhau sẽ lấy các môn ưu tiên là Toán, Hóa, Sinh.
Nhiều trường ĐH, CĐ còn xét tuyển dựa trên cả xếp loại hạnh kiểm.
So với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước, thí sinh tự nộp hồ sơ vào trường mình dự định thi, sau đó mới thi tuyển. Nhưng năm nay, mỗi thí sinh có thể được xét 4 ngành trong cùng một trường khiến việc này rắc rối hơn.
Trong khi đó, điểm thi không có sự phân hóa rõ ràng nên nhất định phải có biện pháp khác nữa để chọn lọc thí sinh với những chỉ tiêu phụ đi kèm.
Đây là những khó khăn của nhà trường đồng thời cũng gây phức tạp cho thí sinh, phụ huynh trong thu thập thông tin, phân loại và lựa chọn các trường đăng kí xét tuyển.
“Ăn ngủ” với máy tính để theo dõi tình hình xét tuyển
Tin tức từ Đại đoàn kết, Nguyễn Thị Oanh (học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng: “Tháng này em sẽ phải ăn ngủ với máy tính vì em sợ nếu không theo dõi thường xuyên bảng xếp hạng của mình trên website của trường, lỡ nhiều bạn cao điểm hơn mà mình không kịp rút hồ sơ sang trường khác, khả năng trượt ĐH là rất cao”.
Số điểm 26,75 vẫn chưa thể khiến Nguyễn Đắc Đạt (trường THPT Minh Khai, Hà Nội) yên tâm khi dự định nộp hồ sơ vào ngành Kinh tế đối ngoại của trường ĐH Ngoại thương, bởi theo Đạt thì: “phải mất 3 ngày để cập nhật xem mình đứng thứ bao nhiêu, sau độ chục ngày biết mình bị loại ra khỏi ngành Kinh tế đối ngoại, bắt đầu mình xét tiếp nguyện vọng khác là ngành Thương mại quốc tế liệu lúc ấy có được xét bình đẳng như những thí sinh đã nộp trước vào khoa Thương mại quốc tế”, nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” là điều có thể.".
Những thí sinh “vùng trũng” càng lo hơn vì phải liên tục cập nhật thông tin xét tuyển trong khi điều kiện tiếp cận với mạng intenet là cả vấn đề lớn. Năm nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT thí sinh có quyền rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển và thí sinh phải trực tiếp đến hoặc ủy quyền cho người thân bằng văn bản đến trường đã nộp hồ sơ để rút hồ sơ cũng là bất lợi đối với thí sinh tỉnh xa.
Nguyễn Văn Cường (học sinh trường THPT Đông Hiếu, tỉnh Nghệ An) tâm sự: Em dự định hồ sơ vào ĐH Bách Khoa Hà Nội nhưng với 22,5 điểm rất có thể em sẽ phải rút hồ sơ nhiều lần, “em phải chạy từ Nghệ An ra tận Hà Nội để rút hồ sơ sẽ mất nhiều thời gian và công sức”.
Nếu chọn sai thì có cơ hội sửa ngay bằng cách rút hồ sơ
Theo TS Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT): Năm nay quy định xét tuyển có lợi rất nhiều. Những năm trước các em phải chọn trường từ khi đăng ký dự thi, chọn theo suy đoán. Năm nay sau khi có kết quả mới chọn trường nên việc chọn có cơ sở hơn. Bộ công bố kết quả thi theo từng tổ hợp chính, khi biết được trên các em có bao nhiêu người có điểm cao hơn thì sẽ lựa chọn chính xác hơn.
Những năm trước nếu chọn sai, phải chờ hết xét tuyển đợt 1 thì mới sửa để xét tuyển đợt 2. Nhưng năm nay nếu chọn sai thì có cơ hội sửa ngay bằng cách rút hồ sơ chuyển trường khác, hoặc điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác.
Theo quy định, tất cả các trường THPT trên toàn quốc đều phải cập nhật dữ liệu bằng internet để truyền về trung ương, các trường phải có giải pháp để thí sinh cập nhật được thông tin.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đã lưu ý: “Các thí sinh cần phải theo dõi thường xuyên thông tin của các trường. Nên nhớ, NV1 các trường tuyển 70-75\% chỉ tiêu. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30\% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ ảo rất lớn. Vì vậy, phải tính toán để chọn đúng NV1, bảo đảm cơ hội để trúng tuyển cao nhất”.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]DsVGmefvuM[/mecloud]