(ĐSPL) - Theo các nhà khoa học, việc lấp, lấn sông Đồng Nai không chỉ là “Chuyện trong nhà” của địa phương này mà còn gây ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành “uống chung dòng nước” khác. Nói rộng ra thì lợi ích quốc gia đang bị xâm phạm…
Tiềm ẩn nguy hiểm
Xét trên nguyên tắc xây dựng, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thiết kế ở ven sông, biển, chính quyền bao giờ cũng dành đất để làm hành lang bảo vệ có khi đến 50m. Đây là điều bắt buộc phải có và không một dự án nào, nhất là dự án thương mại, có thể vi phạm.
Trớ trêu thay, trong khi chính quyền tỉnh Đồng Nai cấm tuyệt đối người dân không được xâm phạm hành lang bảo vệ sông Đồng Nai thì chính họ lại cho phép công ty Toàn Thịnh Phát “vi phạm”.
Video: Dự án lấn sông Đồng Nai: Dừng triển khai, làm rõ tác động.
Phát biểu với báo chí, TS. Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện sinh thái học Miền Nam, cũng cho rằng khi bê tông hóa dòng sông sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh vật và làm mất đi cơ chế tự bảo vệ, tự làm sạch của dòng sông. Điều đáng quan ngại nữa là khi làm thay đổi dòng chảy thì sẽ làm xói lở bờ bên kia, đặc biệt nguy hiểm khi đây là khu dân cư đông đúc…
Trong khi đó, TS. Phan Đức Tác, Chuyên gia nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp công nghệ kè bờ sông, biển, cho rằng: “Dự án lấn sông ở Đồng Nai nếu tiếp tục được thực hiện không chỉ phá vỡ kết cấu dòng chảy tự nhiên mà còn tạo ra nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực cho nền quản trị quốc gia. Bất kỳ hành động tác động đến con sông nào, cũng phải được nhìn nhận ở vấn đề thoát lũ và vệ sinh nguồn nước.
Sông Đồng Nai đoạn qua TP. Biên Hòa. (Ảnh: Báo Đồng Nai). |
|
Trong lịch sử, sông Đồng Nai có lũ rất lớn và chức năng điều tiết lũ có vai trò đặc biệt quan trọng. Dù hiện tại, phía thượng nguồn con sông đã có hồ chứa ngăn lũ nhưng nó vẫn có chức năng điều tiết, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân ven bờ. Thiên tai luôn tiềm ẩn yếu tố bất thường, nếu dòng sông bị thu hẹp lại, giả sử khi có tình huống vỡ đập, mưa lớn gây lũ lớn, khi ấy ai chịu trách nhiệm.
Nếu sông Đồng Nai khi chảy trong phạm vi tỉnh này thì địa phương mới có quyền tự ý can thiệp, còn đây là sông liên tỉnh thì mỗi hành động can thiệp đến dòng chảy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều địa phương dọc theo con sông, hiểu rộng ra thì lợi ích của quốc gia đang bị xâm phạm”.
Phạm luật?
Sau 6 tháng thực hiện dự án, hiện diện tích sông được lấp gần đạt 90\% theo thiết kế. Tuy nhiên, có lẽ trước một loạt áp lực từ dư luận, cơ quan chức năng, nhà khoa học, mới đây, chiều ngày 27/3, công ty cổ phần đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho tạm ngừng thi công dự án.
Lý do Công ty Toàn Thịnh Phát chủ động đề nghị tạm dừng là để tiếp thu và lắng nghe thêm ý kiến của các bộ ngành liên quan, đồng thời thẩm định, làm rõ hơn đánh giá tác động của dự án.
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận đề nghị nói trên của Công ty Toàn Thịnh Phát. UBND tỉnh cho biết, việc tạm dừng dự án là theo đề nghị của chủ đầu tư để làm sáng rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm, riêng địa phương vẫn bảo lưu quan điểm mọi thủ tục thực hiện dự án là đúng quy trình, quy định.
Sông Đồng Nai là con sông liên tỉnh, có Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Quản lý lưu vực sông là trách nhiệm chủ yếu của Bộ TNMT và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Chính vì là con sông chung nên các địa phương liên quan cùng nhau tham gia khai thác và bảo vệ theo hướng phát triển bền vững. Dựa trên nguyên tắc này, có thể nói dự án cải tạo cảnh quan bằng cách lấp sông được chính quyền Đồng Nai cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát gần đây khiến dư luận có thể đặt câu hỏi về tính hợp pháp cả về quy trình lẫn nội dung.
Có ý kiến cho rằng dự án này đã vi phạm quy định hành lang thoát lũ theo Luật Đê điều. Khách quan, nhận xét lý lẽ này không thuyết phục vì trong phạm vi dự án không có đê. Sai lầm lớn nhất, không thể biện minh của dự án chính là vi phạm Luật Tài nguyên nước.
Khoản 22 Điều 2 ghi rõ “Hành lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”. Khoản 5, Điều 9 – Các hành vi bị nghiêm cấm: “Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông suối, rạch, hồ chứa, khai thác khoáng sản, khoan đào, xây dựng nhà cửa và kiến trúc công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang bảo vệ nguồn nước, đến sự ổn định an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa”.
NGÔ NHƯ
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-lap-song-dong-nai-xam-pham-loi-ich-quoc-gia-a89650.html