Trung tâm Y tế huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, ổ dịch dại trên chó được ghi nhận tại ấp 3, xã Phước Bình. Đây cũng là ổ dịch dại thứ 2 trên địa bàn từ đầu năm đến nay, thông tin từ Tạp chí Tri Thức.
Anh N.Đ.H. (ngụ xã Phước Bình) nuôi 1 con chó và 1 con mèo, chưa được tiêm vaccine phòng dại. Chiều 3/8, con chó nhà anh H. có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại.
Trước đó, từ ngày 30-31/7, con chó này đã cắn 3 người gồm M.T.D.,11 tuổi, bị cắn vào mu bàn chân phải, vết thương nông chảy máu ít; ông N.B.T., 55 tuổi, bị cắn vào bàn chân phải, vết thương sâu và chảy máu nhiều; chị D.T.N.H., 41 tuổi, bị chó liếm vào vết thương hở.
Cả 3 trường hợp đều đã vệ sinh vết cắn, tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.
Theo kết quả điều tra dịch tễ cho thấy địa phương có nuôi nhiều chó thả rông và không rọ mõm, đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bệnh dại trên chó.
Tính từ đầu năm đến 1/8, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 22 ổ dịch dại trên chó, 1 ca tử vong, tăng 17 ổ so với cùng kỳ 2023 (5 ổ). Trước tình hình này, ngành Y tế đã tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng bệnh dại, hướng dẫn cách xử trí khi bị chó, mèo cào, cắn: phải rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch 5-10 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường; không nặn máu từ vết thương; không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương và khiến virus xâm nhập sâu hơn; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.
Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi ngờ dại (chó dễ kích động, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng; cắn, gặm bừa bãi, bỏ ăn, chảy nhiều nước dãi…) phải báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, thông tin trên VTV News.