+Aa-
    Zalo

    Đơn hàng thi hộ qua Facebook và màn qua mặt giám thị ĐH Kinh tế Quốc dân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong giới thi thuê lưu truyền rằng, thích nhất là được đội lốt người khác vào thi thuê tại trường đại học Kinh tế Quốc dân. Lý do giám thị coi thi tại trường nà

    (ĐSPL) - Trong giới thi thuê lưu truyền rằng, thích nhất là được đội lốt người khác vào thi thuê tại trường đại học Kinh tế Quốc dân. Lý do giám thị coi thi tại trường này khá dễ, họ đến ngồi trong phòng thi, hết giờ thu bài là về(?!). Hơn nữa vì thù lao được trả từ người thuê thuộc dạng cao nhất nhì trong các trường đại học tại Hà Nội, nên nơi đây luôn được coi là "miếng mồi béo bở" cho dân đi thi thuê, học hộ.

    Đại học Kinh tế Quốc dân, "miếng mồi béo bở" đối với dân thi thuê.

    Bản hợp đồng béo bở

    Ngày 11/11, tôi tiếp tục lọ mọ lên các nhóm học hộ, thi thuê trên mạng xã hội, bất ngờ thấy một bạn có nick facebook: Đô Rêxxx đăng tin, tìm người thi hộ lên nhóm Học hộ và Thi hộ. Thông tin người này yêu cầu khá rõ ràng: Cần người thi qua trình độ tương đương IELTS 5.0. Giờ thi vào 7h45'- 10h tại trường đại học Kinh tế Quốc dân.

    Để tiếp tục thâm nhập đóng vai nhằm phanh phui những sự thật, tôi lập tức "nhảy" vào bình luận dưới bài đăng và trực tiếp trao đổi với bạn nữ đó. Sau khi giới thiệu về bản thân là đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực thi thuê, đặc biệt là môn tiếng Anh và đảm bảo đạt điểm yêu cầu, có điểm mới lấy tiền, nên bạn đó có vẻ khá tin tưởng. Tôi liền đưa ra mức thù lao 700 nghìn đồng và được chấp nhận ngay lập tức. Cùng lúc đó, bạn nữ liền lấy số thuê bao 0963534xxx nháy sang số của tôi và yêu cầu liên lạc với nhau qua điện thoại di động cho tiện.

    Sau khi nhận lời xong, tôi mới chợt nghĩ ra trước đó tôi cũng đã nhập vai để nhận một ca thi thuê vào 7h - 8h tại đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Lúc đó tôi đã tính, làm bài thi trong trường này 30 phút là xong. Nếu giám thị không cho nộp sớm, tôi sẽ giả vờ đau bụng dữ dội để được về. Và sau đó bắt xe ôm chạy gấp sang điểm thuê khác thi tiếp. Tính là thế, nhưng vẫn đang chưa biết xoay sở kiểu gì. Bỏ một trường thì tiếc, lại mang tiếng, song bỗng nhiên người thuê tôi thi tại trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội thông báo lại lịch thi sẽ thay đổi sang 12h30.

    Trao đổi qua điện thoại, tôi được biết, người thuê tôi đi thi tên là Đào Như Ng. (SN 27/12/1995, số CMT: 1741xxx TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có mã số sinh viên: 10130xxx. Ngày 14/11, chị gái của Ng đi xe máy đến tận nhà tôi đang thuê trọ, đưa cho chứng minh thư nhân dân và 50 nghìn đồng.

    Trước đó tôi cũng làm tương tự với trường hợp của sinh viên Hà Thanh T. (SN 1991). T. dùng facebook Hà Thanh T. trao đổi với tôi và sau đó dùng thuê bao 0167637xxx liên lạc thuê tôi thi thuê môn tiếng Anh 3, vào ngày 25/5. Giá T. đưa ra là 300 nghìn đồng cho lần thi đó. Sau khi tôi hoàn thành bài thi tốt, T. gặp tôi ngay cổng trường để trả tiền.

    Cuộc ngã giá trên mạng với người thuê là sinh viên đại học Kinh tế Quốc dân.

    Lỗi tại giám thị "lạ"?

    Sáng 15/11, tôi chuẩn bị kỹ càng để vào một "trận chiến" mới. Bởi những sự thật tôi sắp vạch trần dễ khiến nhiều người học thật giật mình. Ngay khi có mặt tại cổng trường, tôi bốc máy gọi cho Ng. Theo chỉ dẫn của Ng., tôi đi lên trước cửa phòng 3..., nhà D2. Do không thông thuộc địa hình của trường, phải mất 10 phút tôi mới tìm thấy căn phòng như chỉ dẫn và đã thấy Ng. chờ sẵn tại đó. Trái ngược với cảm giác của tôi, khuôn mặt Ng. không biểu lộ chút lo ngại gì. Ng. cười tươi, vỗ vai tôi động viên: "Cố lên bạn nhé!".

    Tôi gật gù vài cái rồi lủi vào một góc chờ đợi. Khoảng 8h kém 10, giám thị vào phòng thi. Lúc đó Ng. đứng kéo tôi ra cửa. Thấy giám thị không phải giáo viên đang dạy mình, không quen mặt, nên Ng. dặn tôi: "Khi nào giám thị gọi tên thì vào phòng thi luôn, không lo đâu".

    Tôi chui vào giữa đám đông và chờ đợi. Khi đọc đến tên Đào Như Ng., tôi lặng lẽ tiến lên, rút chiếc chứng minh thư nhân dân giả ra đưa cho giám thị. Giám thị nhìn qua chứng minh thư nhân dân của tôi và cho tôi vào phòng. Sau khi kiểm tra phần thi viết đến 10h, giám thị thu bài và dặn các thí sinh ra ngoài phòng, chờ đến 10h30’, để thi kỹ năng nói.

    Trong khi chờ đợi, tôi nhận thấy danh sách các phòng thi bị thay đổi, tôi sẽ thi nói tại phòng 305. Lúc đó có nhiều sinh viên trong lớp nhận ra tôi là người đi thi hộ. Họ nhao nhao hỏi han tôi có làm bài tốt không. Sợ bị lộ, tôi chỉ cười và trả lời qua loa, rồi đi về phía phòng mới. Tại đó, các bạn trong lớp của Ng. cảnh báo tôi, giám thị chấm thi môn nói là giáo viên dạy môn này và khuyên tôi nên gọi Ng. đến tự thi. Sợ công sức bỏ ra đổ xuống sông xuống bể, tôi lập tức gọi cho Ng. quay lại trường thi nói.

    Qua điện thoại, Ng. cho biết, mình đang ở nhà và sẽ chạy ra luôn. Đến nơi, Ng. rất lo lắng bảo tôi: "Tớ có biết gì đâu mà nói". Tôi liền trấn an: Các kỹ năng thi trước, tớ làm rất tốt, bạn chỉ cần cố gắng đạt 6,7/20 điểm nói là trung bình sẽ đạt 5.0/10”. Nghe tôi nói thế, Ng. yên tâm hơn và chuẩn bị vào thi. Trước khi vào phòng, Ng. có dặn lại tôi: "Cậu gọi vào số điện thoại của tớ, gặp người đang cầm máy là chị của tớ để lấy tiền nhé".

    Tôi tới khu nhà D2, xuống sân trường, gọi vào số máy của Ng., quả nhiên, chị gái Ng. nghe máy và hẹn gặp tôi ở sảnh tòa nhà D2. Vừa gặp tôi, chị gái Ng. cho biết, trên đường đi xe máy đến trường bị cảnh sát cơ động bắt, phải nộp tiền phạt, nên không có tiền trả tôi ngay. Không chút nghi ngờ, tôi bảo chị ấy có thể trả tiền vào buổi chiều cũng được. Đến 15h hôm đó, Ng. hẹn gặp tôi ở cổng đại học Khoa học tự nhiên (334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) trả tiền "thù lao". Nhưng tôi chỉ yêu cầu trả trước 200 nghìn đồng, số tiền 500 nghìn đồng còn lại sẽ thanh toán nốt khi có điểm. Ng. rất vui vẻ đồng ý và đề nghị tôi giữ lại chứng minh thư nhân dân để làm tin. Đúng những gì đã hứa, chiều 20/11, sau khi có điểm, chị gái Ng. hẹn tôi ra cổng đại học Giao thông Vận tải giao nốt số tiền 500 nghìn đồng còn lại.

    Mổ xẻ những hành vi vi phạm pháp luật

    Trước tình trạng học hộ - thi thuê đang ngày một nở rộ, luật sư Hồ Ngọc Hải, Giám đốc công ty Luật Công Phúc, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Việc thi thuê và tổ chức thi thuê được coi là gian lận trong thi cử, điều này vi phạm nghiêm trọng tới Quy chế học sinh, sinh viên đã được bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành.

    Bởi theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Quy chế học sinh, sinh viên được ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13/08/2007 của Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo quy định rõ: “Gian lận trong thi cử: ... học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, trực hộ; Tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác”. Còn hành vi làm giả thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân để thi hộ, tổ chức thi hộ của các đối tượng xấu đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn xã hội và sự trong sạch của ngành giáo dục. Tính nghiêm trọng của vấn đề này là ở hậu quả khi mà hành vi làm giả để thi hộ trót lọt và đạt được mục đích thì chúng ta lại đón nhận thêm một con người không có kiến thức, kỹ năng cho xã hội để rồi trong công tác họ sẽ có thể gây ra nhiều sai lầm làm thiệt hại đến những người khác và cộng đồng xã hội. Tuy vậy, tôi cũng được biết, nhiều sinh viên do có hoàn cảnh khó khăn, họ đã bị dụ dỗ để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật”.

    Trước khi vào phòng thi thuê cho Ng., cán bộ coi thi có kiểm tra qua loa chứng minh thư nhân dân nhưng không hề phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu lạ nào, nên nghiễm nhiên tôi được vào phòng. Theo tôi, so với nhiều trường khác, khâu kiểm tra giấy tờ của người thi, tuy có nghiêm hơn một chút, nhưng không phải quá khó để ngăn chặn những kẻ thi thuê.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/don-hang-thi-ho-qua-facebook-va-man-qua-mat-giam-thi-dh-kinh-te-quoc-dan-a74322.html
    Dịch vụ học hộ - thi hộ nở rộ

    Dịch vụ học hộ - thi hộ nở rộ

    (ĐS&PL) - Có thể thấy hiện nay, dịch vụ học hộ - thi hộ đang nở rộ. Đã có không ít tình huống dở khóc dở cười khi sử dụng dịch vụ này…

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Dịch vụ học hộ - thi hộ nở rộ

    Dịch vụ học hộ - thi hộ nở rộ

    (ĐS&PL) - Có thể thấy hiện nay, dịch vụ học hộ - thi hộ đang nở rộ. Đã có không ít tình huống dở khóc dở cười khi sử dụng dịch vụ này…

    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.