+Aa-
    Zalo

    Độc đáo tục "gọi trâu về ăn Tết" của người Mường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tục "gọi trâu về ăn Tết" là nghi thức quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mường.

    Tục "gọi trâu về ăn Tết" là nghi thức quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mường.

    Giống như nhiều dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, phong tục đón Tết cổ truyền được người Mường coi là một trong những lễ hội lớn của năm.

    Công việc đón Tết được chuẩn bị từ ngày 27 âm lịch. Mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, đan Piêu leo (một hình thức giống như chong chóng) cắm lên cửa Voóng (không gian linh thiêng trong ngôi nhà sàn của người Mường), báo hiệu cái Tết sắp về.

    Sau khi đã dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, các gia đình vào rừng thăm mồ mả của ông bà tổ tiên, phát cỏ, đắp mộ, thắp hương khấn mời ông bà về ăn Tết. 

    Vào ngày 29 Tết, theo lệ Mường xưa, các gia đình trong Mường dù khó khăn đến mấy đều cố gắng dành một con lợn để cuối năm, vào dịp Tết Cổ truyền tổ chức thịt để ăn Tết.

    Lợn sau khi thịt sẽ được chia làm 3 phần: Một phần dùng để chế biến thành các món ăn cúng ông bà tổ tiên trong ngày Tết; Một phần dùng để nấu nướng ngay trong ngày hôm đó, mời anh em thân thiết đến ăn bữa cơm cuối năm; Phần còn lại dùng làm thực phẩm trong mấy ngày Tết.

    Vào ngày 30 Tết, các gia đình tổ chức gói bánh chưng, thịt gà, cá, chuẩn bị rượu cần, rượu gạo và hoa trái bày lên ban thờ để cúng mời thổ công, thổ địa, tổ tiên về ăn Tết; Khấn mời gia súc (trâu, bò …), các dụng cụ nông nghiệp (cày, bừa, cuốc, cối giã gạo…) về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua.

    Người Mường quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng. (Ảnh: Hội âm nhạc Hà Nội).

    Ngoài những lễ vật nêu trên, cái Tết của người Mường cũng không thể thiếu được cành đào và đôi cây mía đặt cạnh ban thờ; Một cây Nêu cắm ở ngoài cổng nhằm xua đuổi tà ma và những điều không may mắn trong năm cũ và đón một năm mới yên lành hạnh phúc.

    Sang ngày mùng 1, mùng 2 Tết, các thành viên trong gia đình chọn cho mình bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất, ăn bữa cơm sáng rồi đi chúc Tết các gia đình trong họ, trong mường, bản. Dân làng tổ chức vui chơi các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đánh mảng, đánh khăng, bắn nỏ, kéo co, hát đối đáp… đặc biệt là có sự xuất hiện của hội sắc bùa.

    Phường bùa được lập bao gồm cả người già, trẻ con, nam thanh nữ tú trong bản, dẫn đầu thường là một người lớn tuổi, hay chữ, giỏi đối đáp. Phường bùa xách theo dàn cồng chiêng, đi đến đâu là không khí sôi nổi, náo nhiệt đến đó, tới nhà nào họ cũng tấu lên những điệu nhạc, nói lời hay, ý đẹp, cầu chúc cho gia chủ sang năm mới ăn nên làm ra, mùa màng bội thu.

    Những ngày tiếp theo, dân làng tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian tại bản mường mình và mời các mường khác đến thi tài.

    Đến ngày mùng 7 âm lịch, hầu hết các vùng Mường đều tổ chức lễ khai hạ, còn gọi là hội xuống đồng, sau ngày này coi như Tết đã khép lại, nhân dân lại bắt đầu làm mùa, bước vào một năm mới với niềm hi vọng rằng cây cối sẽ tươi tốt, mùa màng sẽ bội thu, bản mường được yên bình hạnh phúc.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-tuc-goi-trau-ve-an-tet-cua-nguoi-muong-a355400.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan