Nhiều doanh nhân đã tỏ sự kỳ vọng vào Chính phủ kiến tạo phát triển hành động gắn với lợi ích của doanh nghiệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân nêu cao tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hôm 17/5 vừa qua. Dưới đây là một trong số những ý kiến đó.
Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam: Thủ tướng sẽ thành công
Ông Phan Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam. |
"Doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn; khó khăn chồng chất và đến từ mọi hướng. Cạnh tranh khốc liệt đến từ bên ngoài, chi phí cao và nhiều chi phí không hợp lý, môi trường kinh doanh còn nhiều cản trở và chưa ổn định. Tôi mong muốn Thủ tướng biến những suy nghĩ, trăn trở của mình thành hiện thực. Chúng ta đã tiến từ chỗ không dám nói đến chỗ dám nói, từ chỗ không làm gì đến chỗ bắt đầu làm. Hy vọng rằng chúng ta sẽ làm thật và làm thật mạnh. Chính phủ không đồng hành cùng doanh nghiệp thì không thể nói phát triển được kinh tế. Tại Hội nghị này, Thủ tướng đã cho thấy ông nhận thức được rõ ràng hiện trạng của kinh tế Việt Nam hiện nay, cảm nhận được những nguy hiểm với đất nước khi kinh tế không phát triển được và ông mong muốn cải thiện, mong muốn hành động để cải thiện. Tôi tin Thủ tướng sẽ thành công" - Phan Thông, Tổng Thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam.
Cố vấn pháp lý của KorCham: Thủ tướng đã lắng nghe tiếng nói của nhà đầu tư ngoại
Ông Kim Yu Ho - Cố vấn pháp lý của Phòng thương mại Hàn Quốc (KorCham). |
Ông Kim Yu Ho - Trưởng phòng luật sư LOGOS chi nhánh Hà Nội, cố vấn pháp luật Đại sứ quán Hàn Quốc; cố vấn pháp lý cho Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Phòng Thương mại Hàn Quốc (KorCham), Hiệp hội Hàn Quốc tại Hà Nội:
"Những năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi theo cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, và nhiều cuộc khủng hoảng khác. Nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi những biến động này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một địa điểm đầu tư rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Trước hết, tôi rất vui khi thấy Chính phủ đã cố gắng lắng nghe tiếng nói của các nhà đầu tư nước ngoài và nỗ lực rất lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tổ chức nhiều hội nghị để giao lưu giữa các nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng tất cả các thành phần kinh tế đều được phát triển như nhau, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau, mang lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế nói chung ở Việt Nam. Tôi thực sự đồng ý với Ngài.
Một vài điều tôi hy vọng Chính phủ cải thiện là:
Trong thực tế, yếu tố thời gian trong pháp luật Việt Nam đôi khi không được tuân thủ nghiêm ngặt. Nói về pháp luật Việt Nam, có sự khác biệt giữa luật pháp và những gì xảy ra trong thực tế. Chẳng hạn, phải mất nhiều thời gian để cấp giấy chứng nhận X mặc dù luật pháp Việt Nam quy định rõ chứng chỉ X sẽ được cấp trong vòng Y ngày làm việc. Có các biện pháp pháp lý phù hợp để giải quyết tình trạng công bất hợp pháp và không hợp tác giải phóng mặt bằng, từ chối bồi thường vô lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, luật pháp không được thực thi trong thực tế.
Trong các trường hợp khác, có những đạo luật mới nhưng không có Thông tư, Nghị định hướng dẫn nên luật pháp không thể áp dụng được trong thực tiễn. Một số điều khoản của luật đầu tư và luật doanh nghiệp không chắc chắn về nghĩa chính xác (điều khoản đa nghĩa). Thậm chí có sự xung đột giữa các luật. Do đó, hồ sơ pháp lý được yêu cầu trong thực tiễn có thể thay đổi tùy theo từng khu vực và tùy theo quan điểm của công chức thực thi. Trong một số trường hợp, luật sư phải trợ giúp cơ quan chức năng áp dụng luật cũ vì họ không được cập nhật các luật sửa đổi và luật mới. Các nhà đầu tư nước ngoài và luật sư đã chỉ ra những vấn đề này trong nhiều năm. Có thể mất nhiều thời gian để kiểm tra tất cả mâu thuẫn giữa tất cả các luật vì hệ thống dữ liệu pháp lý chưa được thiết lập hoàn chỉnh ở Việt Nam nhưng gần đây đã được sửa đổi và các luật mới cho thấy các quy định mơ hồ đã được làm rõ.
Xét rằng năm nay là năm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tôi hy vọng chúng ta có thể củng cố mối quan hệ hợp tác và mối quan hệ của chúng tôi. Công ty luật LOGOS, công ty luật của tôi, và tôi muốn được sử dụng làm cầu nối vững chắc giữa Việt Nam và Hàn Quốc".
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia hôm 17/5 vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại Hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ nêu cao quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt bỏ các thủ tục nhiêu khê, rườm rà cản bỏ sự phát triển của doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Hơn một năm trôi qua kể từ ngày người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mở ra nhiều hy vọng mới cho không những doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước mà còn cả mang lại sự hứng khởi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo và chương trình hành động của Chính phủ đang thực sự đi vào đời sống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hôm 17/5: Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính và phục vụ là phải xây dựng và đảm bảo được môi trường kinh doanh tốt, có năng lực cạnh tranh cao. Đó là môi trường kinh doanh trong đó không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn cả đối với người đầu tư kinh doanh và cả tài sản vốn đầu tư trong kinh doanh, không chỉ có chi phí giao dịch thấp, mà cả rủi ro thấp, không chỉ có độc quyền kinh doanh được kiểm soát, mà còn chống buôn lậu, chống hàng nhái hàng giả một cách hiệu quả để đảm bảo cạnh tranh thật sự công bằng, lành mạnh. Đó còn là một môi trường kinh doanh trong đó nhà đầu tư và doanh nghiệp không chỉ được khuyến khích hỗ trợ mà còn được tôn trọng vinh danh và bảo vệ trên mọi mặt cuộc sống, một môi trường kinh doanh luôn tạo ra được tin cậy cao, và vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư dài hạn không ngừng kiến tạo và phát triển. |