+Aa-
    Zalo

    Doanh nghiệp sợ tăng lương, cơ quan quản lý đề nghị 'có lộ trình'

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định, không thể không tăng lương tối thiểu vùng năm nay, trong khi đó các doanh nghiệp nại ra lý do bàn lùi.

    Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định, không thể không tăng lương tối thiểu vùng năm nay, trong khi đó các doanh nghiệp nại ra lý do bàn lùi.

    Tại cuộc đối thoại về tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 mới đây, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị: Không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, chưa áp dụng cách tính đóng BHXH mới từ năm 2018, đồng thời giữ lại 90% kinh phí công đoàn để cơ sở chăm lo cho người lao động.

    Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm nay. Tuy nhiên, Thứ trưởng Diệp nhìn nhận, việc tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động, hai bên cần đạt được thỏa thuận ở điểm cân bằng.

    Ảnh minh họa (Ảnh Internet)

    Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc công ty May 10 cho rằng, thực tế ngành may mặc trả lương theo sản phẩm. Trong số 12.000 lao động của công ty May 10 có khoảng 5% thường phải bù lương vì không đáp ứng được tay nghề dù đã qua đào tạo.

    Theo ông Việt, nếu tăng lương tối thiểu vùng hằng năm, nhiều lao động có chất lượng thấp lại được hưởng lương cao. Hơn nữa, nếu tăng lương tối thiểu ở mức như mấy năm qua hoặc theo đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là 13%, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm xã hội dựa trên phụ cấp cộng phụ thu ghi trong hợp đồng lao động cũng khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí.

    Trước ý kiến “bàn lùi” của doanh nghiệp, Cục phó cục Quan hệ lao động và Tiền lương Lê Văn Thành cho biết, tiền lương và phụ cấp đóng bảo hiểm xã hội đã được quy định rõ trong luật Bảo hiểm xã hội 2014 kèm thông tư hướng dẫn. “Không thể không tăng lương tối thiểu vùng vì đây là lộ trình được Chính phủ quy định. Tuy nhiên, tăng ở mức nào sẽ được hội đồng bàn bạc kỹ để cân đối lợi ích của doanh nghiệp và người lao động”, ông Thành nhận định.

    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, qua khảo sát, với mức thu nhập hiện nay, cuộc sống người lao động hết sức khó khăn. Trong đó, có 20% người lao động thu nhập không đủ sống và chỉ 8% làm việc có tích lũy, số còn lại phải sống chật vật với mức thu nhập của mình.

    Mặc dù ​thừa nhận việc tăng lương hằng năm có phần gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh: “Mức lương hiện nay mới đảm bảo được 80% mức sống tối thiểu của người lao động, như vậy còn 20% nữa. Chúng tôi muốn có một lộ trình mức lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

    N.Giang- V.Phúc

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-so-tang-luong-co-quan-quan-ly-de-nghi-co-lo-trinh-a196976.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan