Nhằm đảm bảo hài hòa giữa người lao động và chủ sử dụng, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng tiền lương phải dựa trên đối thoại hai bên.
Đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đạt 13,3% so với năm 2017.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI (đại diện giới chủ sử dụng LĐ) đề xuất không tăng, hoặc tăng dưới 5%, báo Tiền phong cho biết.
Tổng Liên đoàn Lao động VN cho rằng cần tăng lương tối thiểu năm 2018. Ảnh: Internet. |
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường. Do đó, tiền lương, tiền công, phúc lợi của người LĐ phải dựa trên đối thoại, thỏa thuận giữa người LĐ và chủ sử dụng.
Cơ chế của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng dựa trên đối thoại để tìm ra điểm chung. Không phải quá nhấn mạnh vào tăng lương để đạt mức sống tối thiểu theo Bộ Luật Lao động.
“Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn 2 bên (đại diện người LĐ và giới chủ - PV) thương lượng đạt điểm cân bằng cho tăng lương tối thiểu năm sau. Mong mọi thành quả phát triển kinh tế - xã hội đều được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người LĐ”, ông Diệp nói.
Khi được hỏi ý kiến cá nhân về mức tăng lương cụ thể nào là hợp lý trong năm 2018, ông Diệp cho rằng sẽ khó đưa ra khi 2 bên còn đang thương thảo. Đặc biệt khi thời gian đàm phán tăng lương hiện vẫn còn và Hội đồng tiền lương Quốc gia đang chờ xem các bên trình phương án cụ thể ra sao trong cuộc hợp hôm 28.7 tới đây, báo Dân trí đăng tải.
Ông Diệp cho biết, trong trường hợp xấu nhất, nếu các bên không thống nhất được phương án chung và đã hết quyền xin dừng cuộc họp, Chủ tịch hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chủ động trình phương án đề xuất tăng lương tối thiểu tới Chính phủ.
(Tổng hợp)