+Aa-
    Zalo

    Doanh nghiệp khốn đốn vì những quyết định..."trên trời"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Một ngôi chợ đêm không nằm trong quy hoạch, chỉ được lãnh đạo huyện họp và nói bằng miệng rồi triển khai không hề có văn bản.

    (ĐSPL) - Một ngôi chợ đêm không nằm trong quy hoạch, chỉ được lãnh đạo huyện họp và nói bằng miệng rồi triển khai không hề có văn bản. Sau đó, một doanh nghiệp (DN) trúng thầu, kinh doanh chưa được bao lâu, lại có một DN khác được "đặc cách" ở vị trí tốt hơn, khiến DN trúng thầu phải đóng cửa sau một năm, vì những quyết định khó hiểu của UBND huyện.
    Đã vậy, khi UBND tỉnh có công văn yêu cầu giữ nguyên hiện trường, không cho phép kinh doanh thì ở dưới vẫn làm ngơ. Đó là thực trạng đang xảy ra ở huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai.
    Những văn bản khiến một doanh nghiệp điêu đứng
    Mặc dù đã có văn bản yêu cầu ngừng kinh doanh chợ đêm nhưng đến ngày 17/02/2014, ngôi chợ này vẫn hoạt động bình thường... như chưa hề có văn bản của cơ quan quản lý?
    Uẩn khúc nào phía sau sự “đặc cách”?
    "Tôi không còn gì để mất", chủ của DN trúng thầu đầu tư vào dự án chợ đêm Long Thành (huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai) chán nản nói với PV báo ĐS&PL như vậy. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối chọi gay gắt theo kiểu "một mất một còn", giữa Công ty TNHH MTV Cát Song Tú và Công ty TNHH MTV Long Thành Phước Thịnh trong suốt một năm qua. Qua tìm hiểu, PV được biết, trong một năm qua, từ khi xảy ra sự việc, ngoài những lời hứa hẹn suông nhằm xoa dịu cả 2 bên, thì cho đến nay UBND huyện Long Thành vẫn chưa có bất kỳ động thái tích cực nào để giải quyết triệt để vấn đề của cả 2 công ty trên.
    Vụ việc có thể tóm tắt như sau: Từ việc các hoạt động của chợ đêm Long Thành cũ (gần sân vận động) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và sinh hoạt của người dân, UBND huyện Long Thành ra Quyết định số 215/UBND, dời chợ đêm Long Thành về Vườn Dầu. Theo đó, đã có 6 công ty tham gia đấu thầu xin đầu tư xây dựng Chợ đêm.
    Sau đó, UBND huyện Long Thành ra văn bản (số 317/UBND ngày 18/01/2013) và văn bản (số 371/UBND ngày 18/01/2013) về việc Công ty TNHH MTV Cát Song Tú trúng thầu trong việc đầu tư xây dựng chợ đêm mới. Với tư cách là đơn vị trúng thầu, Công ty Cát Song Tú phải nộp số tiền hơn 1 tỷ vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện (đây là điều kiện mà đơn vị trúng thầu phải làm), cùng với hơn 1,5 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ đêm (theo dự tính của UBND huyện Long Thành). Tổng kinh phí đầu tư sau khi hoàn thành là trên 5,5 tỷ đồng.
    Tuy nhiên, việc đầu tư vào dự án chợ đêm Long Thành của Công ty Cát Song Tú đã xảy ra khó khăn ngay sau khi trúng thầu, vì những quyết định khó hiểu của UBND huyện Long Thành. Bằng chứng là văn bản số 382/UBND ra ngày 24/01/2013 (chỉ sau 6 ngày Công ty Cát Song Tú trúng thầu) cho phép Công ty TNHH MTV Long Thành Phúc Thịnh “đặc cách”, được phép đầu tư xây dựng chợ đêm Long Thành trên góc đường Trần Quốc Toản - Tôn Đức Thắng, nơi có 5 trường học, khu hành chính, văn phòng, nhà ở của Công nhân viên chức huyện..., được coi là vị trí đắc địa trong việc kinh doanh, buôn bán mà không cần phải thông qua đấu thầu. 
    Doanh nghiệp khốn đốn vì những quyết định...
    Các tiểu thương chợ đêm Long Thành (Ảnh: Báo Lao động Đồng Nai)
    Khi được hỏi, ông Ngô Thế Ân, Phó Chủ tịch huyện Long Thành cho biết: "Nguyên nhân ra văn bản 382 là để tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh, và nhấn mạnh là đã buôn bán thì phải có cạnh tranh". Song không hiểu cạnh tranh lành mạnh ở đây là như thế nào, khi công ty TNHH MTV Long Thành Phúc Thịnh không cần phải đấu thầu, không cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, số tiền đóng góp cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Công ty này chỉ bằng một nửa (500 triệu so với hơn 1 tỷ của Công ty Cát Song Tú). Và một điều đáng chú ý, là tính cho đến ngày 17/02/2014 Công ty Cát Song Tú đã nộp đủ số tiền này (nộp ngay sau khi trúng thầu). Còn Công ty Long Thành Phúc Thịnh, 500 triệu đồng mà công ty này hứa sẽ đóng góp, mới chỉ có ý nghĩa về mặt giấy tờ?!
    Trên bảo dưới không nghe?
    Điều đáng nói là ngay sau khi chợ đêm Long Thành chính thức đi vào hoạt động, hầu như tất cả các đơn vị tiểu thương đều tập trung đăng ký mua sạp của Công ty Long Thành Phúc Thịnh, dẫn đến tình trạng Công ty Cát Song Tú dần dần buộc phải thu hẹp phạm vi kinh doanh rồi ngừng hẳn vì không có tiểu thương.
    Theo thông tin PV được biết, Công ty Cát Song Tú đang đứng trước nguy cơ bị phá sản, vì liên tục phải bù lỗ và không thể thu hồi số tiền vốn đã đầu tư vào chợ đêm Long Thành. Sự việc ngày càng nghiêm trọng hơn khi UBND huyện Long Thành phải thực hiện theo Công văn chỉ đạo 392/UBNDT của tỉnh Đồng Nai về việc "giữ nguyên hiện trường". Thứ nhất là để đáp lại lời "kêu cứu" của Công ty Cát Song Tú. Thứ 2 là để chờ tỉnh về thanh tra.
    Do đó, UBND huyện đã ra 3 văn bản liên tục trong vòng 1 tháng yêu cầu Công ty Long Thành Phúc Thịnh ngừng ngay các hoạt động buôn bán chợ đêm ở khu vực của công ty này. Thế nhưng công ty này "làm ngơ" với các văn bản của UBND huyện Long Thành, vẫn cố tình tiếp tục kinh doanh cho đến hôm nay.
    Đặc biệt kể từ khi khu vực chợ đêm do Công ty Long Thành Phúc Thịnh quản lý khai trương cho đến nay, đã gặp rất nhiều sự phản đối của nhân dân quanh khu vực đó. Vì gây ảnh hưởng đến giáo dục (có 5 trường học gần khu vực này), mất mỹ quan, phụ huynh không có chỗ đưa đón học sinh, các hộ buôn bán, tiểu thương đi vệ sinh gây ô nhiễm khu vực trước cổng trường học... Ngoài ra, theo một giáo viên của trường PTTH Long Hoà cho biết: "Thị trấn cho phép Công ty Long Thành Phúc Thịnh đục tường của trường để mở kho chứa hàng chợ đêm"(?!).
    Lãnh đạo huyện khẳng định có sai sót
    Trước tất cả những vấn đề mà UBND huyện Long Thành chưa thể giải quyết xoay quanh chợ đêm Long Thành, ông Ân cho biết: "Từ khi chợ đêm Long Thành khai trương thì về mặt khách quan hay chủ quan, UBND huyện cũng đều có nhiều sai sót, bối rối trong việc xử lý vụ việc, phải gánh chịu sức ép.
    Tôi là người ký mọi văn bản trong Dự án chợ đêm, nên nếu phải đưa vụ việc ra toà thì mọi vấn đề xảy ra, tôi là người chịu trách nhiệm chính. Văn phòng thanh tra tỉnh có hỏi là có văn bản Quy hoạch gì cho phép xây dựng chợ, quy định sử dụng vỉa hè không? Tôi xin trả lời là không có quy định, quy hoạch cụ thể, mà do huyện thấy tuyến đường này có thể chặn lại làm chợ đêm.
    Theo ý kiến của thường trực 4 bên, ý kiến của đồng chí Chủ tịch huyện, thì tôi phải ký văn bản cho phép Công ty TNHH MTV Long Thành Phúc Thịnh khai thác kinh doanh chợ đêm. Thường trực 4 bên họp chỉ nói miệng với nhau thôi, không có văn bản nào cả".
    Tiểu Cát
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-khon-don-vi-nhung-quyet-dinhtren-troi-a22923.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đấu thầu giá rẻ, người bệnh khốn khổ với thuốc kém chất lượng?

    Đấu thầu giá rẻ, người bệnh khốn khổ với thuốc kém chất lượng?

    (ĐSPL) - Vụ việc 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị bị tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B khiến dư luận quan ngại, thuốc tân dược kém chất lượng được nhập khẩu sẽ mang lại hậu quả khôn lường, thậm chí người bệnh có khi phải đánh đổi cả tính mạng với cơ chế đấu thầu giá rẻ…