Các DN phải có tầm nhìn, tư duy và chiến lược kinh doanh mới, phù hợp với những thay đổi về điều kiện kinh doanh cũng như sức ép cạnh tranh, nhất là sức ép từ DN các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sáng 18/10 tại Hà Nội, Đảng ủy Khối DN Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng khối doanh nghiệp Trung ương hội nhập quốc tế”.
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bí thư Đảng ủy Khối DN Trung ương Bùi Văn Cường cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước tham dự.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Tại hội nghị, hầu hết đại diện các DN cho biết đã đánh giá được những tác động, cơ hội, thách thức đối với ngành, đơn vị mình khi nước ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Cùng với đó là các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị ký kết, trong đó có Hiệp định TPP.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines- VNA) chia sẻ, ngành hàng không sớm đã phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế, vì vậy, từ những năm trước, VNA chú trọng vào dịch vụ hàng không hiện đại thông qua việc lựa chọn các chủng loại máy bay hiện đại, thuê chuyên gia, phi công nước ngoài để xây dựng hệ thống.
VNA xác định không trở thành hãng hàng không toàn cầu do không đủ nguồn lực nên hãng chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tìm kiếm đối tác không có mạng đường bay trùng lặp để hợp tác.
Từ kinh nghiệm của VNA, ông Minh cho rằng các DN Việt Nam muốn thành công thì phải hợp lực, hợp tác để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh nhất, sau đó sẽ cùng san sẻ lợi ích đạt được.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng qua 30 năm đổi mới với đường lối hội nhập quốc tế có lộ trình, bước đi hết sức thận trọng, cân nhắc và chuẩn bị kỹ càng, vì vậy, nếu cho rằng Việt Nam vội vã gia nhập TPP là không chính xác.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định từng DN cần chủ động, sáng tạo để nắm bắt lấy cơ hội lớn này, bởi chúng ta đã có nhiều bài học chủ động hội nhập quốc tế, như của Tập đoàn Viettel, Vietnam Airlines, dệt may…
DN cần tư duy mới
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế chia sẻ, TPP mở ra một thị trường 800 triệu dân, chiếm 40\% tổng GDP thế giới, 30\% tổng khối lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu, TPP xóa bỏ gần như 100\% thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, đối với ngành dệt may, để hưởng quy định về thuế nhập khẩu thì phải áp dụng quy tắc xuất xứ từ khâu sợi trở đi. Theo ông Khánh, đây là khó khăn vì công nghệ sợi của chúng ta chưa phát triển.
Vì vậy, ông Khánh cho rằng các DN phải có tầm nhìn mới, tư duy và chiến lược kinh doanh mới phù hợp với những thay đổi về điều kiện kinh doanh cũng như sức ép cạnh tranh, nhất là sức ép từ DN của các nước trong TPP.
Còn ông Võ Sỹ Lực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam chia sẻ cái khó của cao su Việt Nam là chưa có sự quản lý thống nhất về chất lượng. Ông Lực cho rằng cần phải có chương trình quản lý thống nhất về chất lượng cao su, tạo lập thương hiệu cao su Việt Nam trên toàn cầu.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam khẳng định ngành thép sẽ có cơ hội lớn bởi thuế nhập khẩu sẽ gần như bằng 0 khi TPP có hiệu lực. Do ngành thép phụ thuộc 70-80\% vào nguyên liệu nhập khẩu nên khi đó, sản lượng thép xuất khẩu sẽ tăng 35\% so với hiện nay.
Tuy nhiên, ông Đa cũng bày tỏ lo lắng khi DN thép sẽ phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu giá rẻ, nhất là thép Trung Quốc. Hơn nữa, khả năng chống đỡ của DN trong nước còn thấp vì chỉ mạnh về thép xây dựng, ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Thời gian qua, nhiều vụ kiện thương mại chống bán phá giá nhằm vào doanh nghiệp thép Việt Nam cũng là nhằm đến hoạt động xuất khẩu thép. Vì vậy, để tạo điều kiện cho ngành thép hội nhập, ông Đa đề xuất giữ nguyên lộ trình cắt giảm thuế quan, không cắt giảm nhanh hay trước lộ trình. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ nhiều hơn cho DN thông qua các chính sách, các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có chống bán phá giá để giảm thiểu thách thức do tranh chấp quốc tế đem lại.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chúng ta đã làm tốt vấn đề bảo hộ nhưng không nên kéo dài việc bảo hộ vì như vậy sẽ trở thành lực cản mặt hàng đó phát triển.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng mỗi DN phải thực sự quan tâm đến hội nhập. Thông tin về hội nhập không thiếu, việc chủ động, tích cực nắm bắt của các DN là rất quan trọng. Điều sống còn của DN Việt Nam hiện nay là phải tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả.
Ảnh: VGP/Hoàng Long |
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Lắng nghe những trăn trở của các DN, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai đất nước. Vì vậy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần đi đầu, đồng thời chủ động xây dựng chiến lược, đề ra giải pháp.
Theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục có những cuộc đối thoại giữa DN và các bộ ngành để cùng làm rõ hơn nữa những cơ hội, thách thức khi gia nhập TPP. Từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả nhất. Mặt trận sẽ cùng đồng hành với các DN trong hành trình hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Bộ Công Thương và các bộ, ngành, hiệp hội liên quan cần sớm giải quyết những kiến nghị, vướng mắc cho DN.
Còn mỗi DN cần chủ động tìm hiểu thông tin, đề ra kế hoạch tận dụng cơ hội từ TPP. Từng ngành hàng cũng phải ngồi lại với nhau để tìm hướng phát triển của mình.
Cùng với đó, để toàn xã hội, cộng đồng DN hiểu sâu sắc về TPP, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tuyên truyền phải có trọng điểm, tài liệu phải nhỏ gọn, rõ ràng, phải nói rõ lợi thế, thách thức của từng ngành hàng để các DN có thể chuẩn bị.
Theo Chính phủ