Mặc dù tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu tạm ổn, giãn cách xã hội đã được nới lỏng, song do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thu nhập của nhiều người lao động giảm, thậm chí “mất cả nồi cơm”. Xóm vé số vắng lặng, xóm công nhân đìu hiu, xe ôm công nghệ thẫn thờ vì không có khách... trở thành hình ảnh quen thuộc trong những ngày qua. Dẫu thu nhập bấp bênh nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng giúp đỡ người đói khổ hơn mình, nương tựa nhau mà sống qua giai đoạn đầy khó khăn này...
Xóm vé số đìu hiu. |
Thu nhập giảm, mất việc nhưng quyết vượt qua giai đoạn gian khó
PV Đời sống & Pháp luật bắt đầu một ngày tìm hiểu cuộc sống của người lao động ở TP.HCM bằng cuộc gặp với chị Nguyễn Thị T. chủ nhà trọ trên đường Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Nhà trọ của chị T. là nơi tạm trú của hơn 10 công nhân. Công nhân thuê trọ của chị T. chủ yếu làm cho các xưởng gia công giày dép, may mặc với quy mô nhỏ. Tác động của dịch bệnh đối với công việc của họ rất rõ ràng.
Chị T. cho biết: “Hơn 2 tháng qua, tôi thấy các em ngày làm ngày nghỉ, làm ngày nào hưởng lương ngày đó. Tiền trọ không cao nhưng cũng chiếm phần lớn so với thu nhập hiện tại. Mỗi ngày, các em ăn uống rất tiết kiệm, không chơi bời, tụ tập, cả xe máy cũng không có. Các em có tìm việc khác để làm thời vụ nhưng không ai nhận”.
Chia sẻ với PV, anh Phạm Văn Thi chạy xe ôm công nghệ thở dài: “Từ hồi dịch bệnh, thu nhập từ việc chạy xe giảm nhiều. Trước đây, trừ mọi chi phí, thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 12 triệu đồng. Bây giờ, thu nhập giảm đến 90%. Khách quen không còn nhiều người đi, chủ yếu người già, người bệnh mới phải ra đường vào thời điểm này. Dịch vụ giao hàng, thức ăn cũng giảm mạnh”.
Vừa nói, anh Thi lấy điện thoại, cho PV xem lịch sử cuốc xe nhận trong ngày. “Từ 5h sáng đến giờ, tôi mới kiếm được có 30.000 đồng. Từ sáng đến giờ, lâu lâu mới có một khách, không như trước đó, khách nhiều chạy không xuể. Chị xem, đồng nghiệp tôi ngồi đầy trên vỉa hè kia kìa. Song dù khó khăn thế nào cũng quyết tâm vượt qua giai đoạn này”.
Một cụ bà đến mua cơm trắng để ăn trong mùa dịch. |
Đìu hiu xóm vé số, ảm đạm phố cơm trắng
Anh Nguyễn Văn Quang (SN 1988, tạm trú phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM), chủ đại lý vé số trong con hẻm 214 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh cho biết: “Tôi đứng ra thuê ngôi nhà này để các cô chú bán vé số tạm trú. Mỗi ngày, các cô chú góp từ 20.000 – 30.000 đồng để tôi đứng ra lo tiền thuê nhà, cơm nước. Khi nghe tin vé số ngừng phát hành, cô chú đều chọn phương án về quê. Họ đều già cả, khuyết tật nếu ở lại, không có thu nhập làm sao có tiền đóng tiền trọ. Các cô chú về hết, tôi phải tự lo tiền thuê trọ để giữ được nhà, chờ qua dịch mọi người trở vào còn có chỗ tạm trú. Cô chú nghèo, khuyết tật chỉ biết sống bằng nghề bán vé số, chứ không còn làm được gì khác. “Mấy bữa trước, UBND phường Nguyễn Cư Trinh có xuống hướng dẫn chúng tôi đến nhận hỗ trợ nhưng mấy cô chú về hết, tôi nhận thay đâu có được. Cả xóm trọ bán vé số này đều về quê hết. Hiện tại, cả dãy trọ chỉ còn mỗi tôi ở lại”, anh Quang cho hay.
Đúng như lời anh Quang chia sẻ, cả xóm vé số ở con hẻm 214 Nguyễn Trãi đều vắng lặng như tờ. Trước đây, vào giờ cơm trưa và chiều, các cô chú bán vé số chậm rãi, len lỏi vào con hẻm nhỏ trên những chiếc xe lăn, xe đạp cũ khiến cả xóm náo động. Tiếng gọi nhau nhanh về ăn cơm, tiếng hỏi han sức khỏe, chuyện buôn bán rất rôm rả. Từ ngày ngừng phát hành vé số do dịch bệnh, cả xóm vắng hoe, thưa thớt người ra vào, những chiếc xe lăn, xe đạp cũ được treo gọn gàng trên các vách tường, chờ chủ nhân vào tiếp tục cuộc mưu sinh.
Rời xóm vé số, PV tìm đến phố cơm trắng trên đường Nguyễn Thông, quận 3. Con phố nhỏ gần ga Sài Gòn, luôn được người lao động nghèo tìm đến để mua 2.000 – 3.000 đồng cơm trắng cho bữa ăn. Những ngày này, lượng người đến mua cơm trắng cũng ít hẳn, hoặc mua ít hơn mọi khi. Bán cơm trắng hơn 20 năm, chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Thanh Nga (48 tuổi, ngụ quận 3) thấy cơm mình nấu ra lại ế ẩm đến vậy.
Chị Nga chia sẻ: “Sinh viên về quê, thợ hồ, bán vé số... cũng ăn uống tiết kiệm hơn. Họ mua chừng 5.000 đồng cơm trắng, mua thêm 15.000 đồng thức ăn rồi để dành ăn cả ngày. Nhiều người đến mua cơm, già cả, nghèo khổ, tôi chịu không nổi nên cho luôn, lấy tiền làm gì, được mấy đồng đâu. Một nồi cơm tôi bán ra lời chỉ có 5.000 đồng nhưng thấy ai khổ tôi cho luôn khỏi lấy tiền. Gạo của tiệm cũng chất lượng nên cơm ngon lắm. Nếu họ không có tiền mua thức ăn, có cơm ngon chan nước mắm ăn tạm cũng được. Em nghĩ đi, bữa cơm không có đồ ăn mà cơm còn dở nữa, sao nuốt trôi”.
Cô Đinh Thị Huyền (57 tuổi, tạm trú quận 3) tâm sự: “Cô bán vé số, mấy nay không được bán nên ở nhà, người có quê thì về quê, mình ở đây thì biết đi đâu, mong qua dịch sớm để còn lần hồi làm ăn kiếm sống. Được hỗ trợ ít tiền, cô suy tính thiệt hơn, thấy đi mua cơm trắng có lợi hơn, đỡ tốn gas, tốn điện. Có hôm đi mua, cô được chủ tiệm cho mấy ngàn cơm trắng. Trong lúc thắt ngặt, còn được ăn cơm trắng thơm dẻo, cô thấy mình cũng còn may mắn hơn nhiều người”.
Sáng tạo nhiều hình thức hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh Ông Võ Văn An, Chủ tịch phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid – 19, UBND phường Bình Trị Đông phối hợp Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phường, cùng cán bộ công chức, mạnh thường quân, cán bộ, nhân viên phường đóng góp, ủng hộ người dân với nhiều hình thức. Ví dụ, chúng tôi phát nhu yếu phẩm như gạo, đường, mắm, muối... cho các hộ nghèo, bán vé số, khuyết tật... Ngoài ra, một số doanh nghiệp, mạnh thường quân tặng tiền, đa số ủng hộ gạo. Đồng thời, trong tuần này, bắt đầu từ ngày 21/4, UBND phường có tổ chức phiên chợ 0 đồng. Những hộ dân trên địa bàn phường được khu phố đề xuất sẽ được tham gia mua sắm ở phiên chợ. Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người, chúng tôi nghĩ góp chút quà cho bà con vượt qua khó khăn đều rất nên làm”. |
Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Cuối tuần số Chủ nhật (17)