(ĐSPL) - Cứ vào mỗi dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng "chớp" cơ hội "tung chiêu ném mánh" để lừa đảo người tiêu dùng. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo các chiêu thức, các mánh lừa đảo khác nhau nhưng vẫn có nhiều người cả tin dính bẫy.
Một khách hàng ngậm quả đắng vì ham rẻ mà mua phải nồi nhôm giả. |
Những thủ đoạn chờ "con mồi"
Dịp cuối năm, lợi dụng các tháng khuyến mãi, các hãng phân phối thường "đánh" vào tâm lý người tiêu dùng thích giảm giá, mua sắm, các loại giải thưởng "trời ơi" vẫn khiến người tiêu dùng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đang tạm giữ Đinh Văn Thái (SN 1992, ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thái đã lợi dụng chiếm đoạt tài sản khách hàng bằng cách gọi vào số của bị hại, Thái tự xưng là giám đốc một cửa hàng giao dịch Viettel ở Hà Nội, thông báo chủ thuê bao đã trúng 3 giải thưởng của chương trình quay số may mắn trị giá 187 triệu đồng. Để nhận được tiền thưởng, Thái yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân và gửi cho hắn các mã thẻ cào điện thoại để "hoàn chỉnh hồ sơ". Căn cứ vào nghề nghiệp mà bị hại cung cấp, Thái sẽ yêu cầu họ gửi mệnh giá các mã số thẻ điện thoại. Nếu là người dân lao động bình thường, Thái sẽ yêu cầu họ gửi mã số thẻ tổng mệnh giá khoảng 500.000-700.000 đồng. Nếu bị hại là công chức, giáo viên, Thái sẽ yêu cầu gửi mã số thẻ tổng mệnh giá đến 2 triệu đồng.
Thực tế, bẫy lừa đảo khuyến mãi thẻ cào đang bủa vây người dùng, các đối tượng "đánh" vào tâm lý "chờ" ngày khuyến mãi của các nhà mạng để mua thẻ nạp tiền của người tiêu dùng để lừa đảo. Với nội dung gửi tin nhắn khuyến mãi hoàn hảo với đầu số na ná giống với nhà mạng, lập cả website để lừa đảo, không ít người dùng đã bị lừa bởi những thông tin liên quan chương trình khuyến mãi tặng 10 lần giá trị thẻ nạp...
Một trong những hình thức phổ biến mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là gửi mail thông báo trúng thưởng tới người dùng, sau đó yêu cầu người bị hại nộp phí trúng thưởng trước, mức phí có thể từ vài triệu, thậm chí lên đến vài chục triệu đồng và được yêu cầu nạp qua mua thẻ cào hoặc chuyển khoản. Điều dễ làm người dùng sập bẫy là nếu người dùng liên hệ trực tiếp đến đối tượng qua số điện thoại cho sẵn thì vẫn được các đối tượng hướng dẫn "tận tình và cụ thể", khiến người dùng tin tưởng và thực hiện theo. Chỉ đến khi các đối tượng yêu cầu phải nạp phí nhiều lần, người dùng mới biết mình bị lừa.
Bằng việc sử dụng chiêu thức đơn giản này, ngày 4/12, đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP.Cần Thơ đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Cảnh (25 tuổi, ngụ xã Long Phú, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) về hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" thông qua hoạt động kinh doanh đầu tư dịch vụ trên website locthangloi.com. Cảnh là Giám đốc công ty TNHH MTV đầu tư thương mại dịch vụ Lộc Thắng Lợi (gọi tắt là công ty Lộc Thắng Lợi), có trụ sở tại 151/50A Trần Hoàng Na, P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, đối tượng này đã sử dụng những hình thức đơn giản như trên để lừa đảo khách hàng.
Ham khuyến mãi, "đụng" hàng rởm
Với hệ thống chân rết rộng rãi như đi phát tờ rơi, gọi điện thoại đến từng nhà, từng người, thậm chí các đối tượng còn đưa lên một trang web với đầy đủ thông tin về thể lệ, thẻ dự thưởng và cách thức nhận thưởng. Táo bạo hơn khi các đối tượng còn đến từng nhà chào mời mua hàng với chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nếu gia chủ không đủ tiền mua sản phẩm, các đối tượng còn mời "phối hợp kinh doanh" hấp dẫn, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin đã rơi vào những "chiếc bẫy êm ái".
Bên cạnh đó, sử dụng chiêu giảm giá "sốc" hay mua hàng "trúng lớn" là những chiêu khuyến mãi phổ biến hiện nay của đối tượng, đánh vào tâm lý tham rẻ, muốn "trúng lớn" của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp uy tín với những chương trình khuyến mãi tri ân khách hàng là có thật thì có không ít đối tượng đã chớp cơ hội tung ra các chương trình khuyến mãi "ảo", lừa đảo để câu khách. Và dù đã có quá nhiều lời phàn nàn về chất lượng những mặt hàng khuyến mãi đi kèm khi mua sản phẩm, tuy nhiên, vì ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn háo hức chọn các nơi có khuyến mãi "khủng" để mua hàng và chỉ đến khi "sự đã rồi" thì mới biết mình bị lừa...
Trong thực tế, đến dịp cuối năm nhiều sản phẩm là hàng cũ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc đội lốt "hàng chính hãng khuyến mãi, giảm giá". Đánh vào tâm lý khách hàng hám lợi thường không để ý đến chất lượng.
Qua khảo sát của PV tại một số điểm phân phối, việc nhập hàng trôi nổi, nhái thương hiệu để làm hàng khuyến mãi là chuyện khá phổ biến. Các đối tượng thường sử dụng chiêu "lập lòe" giữa chất lượng thật và giả. Theo thông tin từ đội Chống hàng giả, PC46, Công an TP. Hà Nội và các đơn vị Quản lý thị trường cho thấy, hàng năm các cơ quan đều tiến hành kiểm tra, triệt phá rất nhiều cơ sở tập kết hàng không có nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng mà theo lời khai của các chủ hàng, phần lớn hàng này được tuồn vào nội đô để bán hoặc sử dụng là hàng khuyến mãi.
Trước tình trạng bát nháo của các hoạt động khuyến mãi hiện nay, trong đó có những biến tướng lợi dụng hoạt động khuyến mãi để lừa đảo, trong trường hợp nghi ngờ bị lừa, người tiêu dùng có thể đến hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương, sở Công Thương hoặc các trung tâm tư vấn pháp luật nhờ hỗ trợ khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo, lừa đảo núp bóng khuyến mãi để bán hàng kém chất lượng đang trở nên rầm rộ hơn vào mỗi dịp cuối năm. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình người tiêu dùng cần cẩn trọng, không nên hoa mắt và sa đà vào khuyến mãi, tìm hiểu kỹ thông tin về hàng hóa, doanh nghiệp, đối tượng bán hàng trước khi quyết định mua hàng.
Công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; Cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ;... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái... |