+Aa-
    Zalo

    Điều tra học hộ thi thuê: “Mafia học đường” vươn vòi ra tỉnh lẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau khi đăng tải loạt bài điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi thuê ở hàng loạt trường đại học, báo đã nhận được nhiều ý kiến.

    (ĐSPL) - Sau khi đăng tải loạt bài điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi thuê ở hàng loạt trường đại học, báo ĐS&PL đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các cơ quan chức năng cũng như độc giả trong cả nước.

    Trong quá trình nắm bắt thông tin, để tiếp tục vạch trần sự thật, chúng tôi đã phát hiện thêm không ít bí mật. Các “tập đoàn” học hộ, thi thuê không chỉ tác oai tác quái trên địa bàn TP. Hà Nội, mà còn vươn vòi bạch tuộc đến một số tỉnh thành khác với hình thức tổ chức, vận hành rất tinh vi, chuyên nghiệp. Hành trình lần theo những tên “mafia học đường” này khá gian nan và không kém phần gay cấn…

    Cuộc ngã giá trước giờ “xuất quân”

    Trong lần lướt qua nhóm kín Học hộ - Thi hộ trên mạng xã hội facebook, chúng tôi đặc biệt chú ý tới dòng tin: Cần người thi hộ tiếng Anh. Người đăng tin này là sinh viên H.T.T.H. (SN 1990, lớp K... ngành Sư phạm Sinh học, đại học Sư phạm Thái Nguyên; MSV: PTS 0953...; Văn Trấn, Yên Bái).

    Dưới dòng tin đăng tải, xuất hiện hàng chục tin nhắn trao đổi, ngã giá của các đầu mối nhận thi thuê tại Hà Nội. Nhanh chóng cập nhật những thông tin này, chúng tôi phát hiện, H. đang có nhu cầu thi Toeic ở Hà Nội. Có nhiều dòng tin nhắn tư vấn phía dưới, nhưng tôi đặc biệt chú ý tới thông tin của P.D.D. nhảy vào khuyên: Cậu thi ở trung tâm khó lắm và không thi hộ được đâu. Cùng lúc đó P.D.D. hỏi: Ở trường có tổ chức kỳ thi nào không? H. trả lời: Trường có tổ chức kỳ thi.

    PV báo ĐS&PL mai phục các đối tượng học hộ, thi thuê đang hoạt động trong trường đại học Sư phạm Thái Nguyên.

    Sau một hồi trao đổi, P.D.D. khuyên H. nên chọn hình thức thi tại trường cho tiện và H. đồng ý. Theo trao đổi, P.D.D. sẽ lên tận  trường đại học Sư phạm Thái Nguyên thi thuê cho H. với giá thỏa thuận là 500.000 đồng (bao gồm cả chi phí đi lại). Nắm được thông tin này, một mũi điều tra được giao nhiệm vụ tiếp cận đối tượng P.D.D..

    Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, bám sát đối tượng, PV ghi nhận, ngày 12/01, H. nói đi vào miền Nam, nên có nhờ bạn ở Thái Nguyên gửi thẻ sinh viên và một số tài liệu qua xe khách xuống Hà Nội. Sau đó P.D.D. nhận thẻ và ôn tập qua để chuẩn bị đi thi.

    Gần đến ngày thi vào ngày 18/01, H. có gửi vào email cho P.D.D.  ảnh dự  thi của mình. Ảnh của H. khá giống P.D.D., chỉ khác kiểu tóc. Chiều ngày 17/01, P.D.D. có  trao đổi muốn cắt tóc cho giống để vào phòng thi cho đỡ bị phát hiện.  H. đồng ý trả thêm cho P.D.D. 200.000 đồng. Sau đó P.D.D. đi cắt tóc và... lên đường.

    6h30 sáng 18/1, P.D.D. dậy sớm bắt đầu hành trình đến trường đại học Sư phạm Thái Nguyên. Trước khi đi, P.D.D. được H. dặn dò kỹ càng: môn thi nghe - đọc - viết tại giảng đường B3, phòng thi số 6, SBD... thi nói buổi chiều tại giảng đường B4. Thông tin khá rõ ràng, nhưng do lần đầu thi ngoại tỉnh, P.D.D. loanh quanh mãi không tìm được “bến đỗ”. Hôm đó khoảng 4 - 5 phòng thi, trước cửa phòng thi lại không có danh sách thí sinh. Lân la dò hỏi, cuối cùng D. mới biết, phòng thi của mình là phòng số 6, sẽ thi vào ca 2, bắt đầu từ 9h30.

    Trao đổi nhanh với nhóm sinh viên đang ở đây, P.D.D. biết, một số sinh viên phải thi nói ngay trong buổi sáng tại giảng đường B4. Thấy vậy, P.D.D. vội đi theo các sinh viên này để xem xét tình hình. Tại sảnh giảng đường B4, có nhiều sinh viên đang túm tụm lại trước một tấm bảng, trên đó dán danh sách phòng thi, giờ thi.

    Nhìn thông tin, P.D.D. được biết, phòng thi này sẽ thi môn nghe-đọc-viết lúc 9h30 tại phòng máy B3.301, còn thi nói sẽ bắt đầu lúc 12h45 tại giảng đường B4, phòng 303.

    Xem thêm video: Nữ quái thuê nhà nghỉ để cất giấu ma túy.

    Đúng 9h30, P.D.D. dễ dàng lọt vào phòng thi. Đến khoảng 9h40’, các thí sinh được giám thị phát đề thi môn viết. P.D.D. nhận được đề mã 631. Đề rất ngắn và dễ, thời gian giới hạn là 10 phút nhưng chưa đầy 5 phút P.D.D. đã làm xong.

    Buổi chiều cùng ngày, P.D.D. có mặt trước cửa phòng 303 nhà B4. Một giáo viên dẫn tất cả thí sinh tập trung tại phòng 301. Cứ một phòng, giáo viên gọi tên 2 sinh viên đầu danh sách lên trước để thi nói. Trước cửa mỗi phòng thi có một giám thị ngồi quan sát. Khi P.D.D. đến, vị giám thị này đưa cho cô một tờ giấy chấm điểm và yêu cầu ghi đầy đủ các mục thông tin.

    Sinh viên cùng cặp thi với P.D.D là một nữ sinh, dáng người thấp béo, trông hơi thô, nói to và cứ cười luôn miệng. Lúc điền thông tin, người này còn điền sai và bị giám thị quay sang nhìn nói: “Bạn 185 (là P.D.D.) quay mặt ra đây tôi xem nào”.

    Khi cô quay mặt ra đối diện, cô giáo này đối chiếu với tập ảnh thí sinh và nói: “Chẳng giống chút nào”. Nghe nữ giáo viên này nói vậy, P.D.D. rất hoảng hốt, nhưng vẫn tỏ vẻ bình tĩnh, chỉ cười trừ. Bạn nữ kia cũng xởi lởi cười nói: “Chắc vì đeo kính, nên không giống”. Được mách nước, P.D.D. liền bỏ kính ra.

    Cô giám thị này hỏi: “Thẻ sinh viên của em đâu?”. P.D.D. lập tức rút thẻ ra đưa (thẻ đã được thay ảnh). Nữ giáo viên này nhìn qua rồi cho P.D.D. vào phòng thi. Trong phòng thi có 2 giám thị, một cô đọc câu hỏi, cô còn lại đánh dấu tích vào các mục trong tờ phiếu chấm điểm nói. Trong phòng thi, P.D.D. được yêu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh, cô nói rất suôn sẻ, kết thúc phần thi nói đạt 15 điểm.

    Ra cổng trường, P.D.D. liên lạc lại với H. thông báo tình hình và được H. cho biết, sẽ chuyển khoản trước 200 nghìn đồng, số còn lại sẽ chuyển nốt khi có điểm. Đồng thời đề nghị thi thuê tiếp cho bạn của H. vào ngày 1/2/2015.

    Vừa thi thuê, vừa môi giới

    Nắm được lịch trình của P.D.D., chúng tôi có mặt tại khu vực trường đại học Sư phạm Thái Nguyên sớm hơn một ngày để lên kế hoạch theo dấu các đối tượng này. Theo thông tin từ các điều tra viên của nhóm thông báo, lần này H. sẽ thuê 2 người lên thi thuê (trong đó có P.D.D.).  Mỗi người sẽ được trả 600 nghìn đồng, bao gồm cả tiền đi lại. Số tiền nhà nghỉ sẽ được thanh toán riêng.

    Người đi thi chỉ cần thi 3 kỹ năng nghe-đọc-viết, còn kỹ năng nói họ sẽ tự đi thi. Để tìm được người như yêu cầu, trước đó, P.D.D. dùng facebook ảo đăng tin lên Group Học Hộ và Thi Hộ. Có khá nhiều người vào nhận lời, nhưng P.D.D. chỉ ưng ý một người đang học đại học Sư phạm Hà Nội. Người này có facebook là Đoàn Hà, SĐT: 016953...

    Ngày 28/01/2015, P.D.D. nhận được 2 thẻ sinh viên mang tên Ngô Thị Niệm và Lưu Thị Mai (thông tin chi tiết của hai bạn này có trên thẻ). Thấy Mai và Đoàn Hà khá giống nhau, nên cô quyết định sẽ để Đoàn Hà thi cho Mai, còn mình thi cho Niệm. Ngày 30/1, P.D.D. đi xe máy đến bến xe Nam Thăng Long, gửi xe tại bến rồi bắt xe khách lên Thái Nguyên. Có mặt tại cổng trường đại học Sư phạm Thái Nguyên vào khoảng 20h, cô liên lạc gặp bạn Hà. Cả hai cùng bắt taxi đến nhà nghỉ Hoa Lan Tím trên đường Nông Lâm 2 để “tác nghiệp”.

    Thủ tục không khác lần thi trước, P.D.D. nhận số báo danh của người tên Niệm: TAD501..., mã đề bài viết 242, mã đề bài đọc-nghe là 141. Cô hoàn thiện các phần thi rất trơn tru, nhưng không dám nộp bài sớm. Sau khi  rời phòng thi, P.D.D. gặp Đoàn Hà ngoài cổng, cả hai đều hỉ hả khi biết điểm bài đọc của Hà đạt 49/55, điểm bài nghe là 20/24.

    Đoàn Hà cho biết, phòng thi của chị cũng kiểm tra mặt rất kỹ, nhưng do khá giống bạn Mai, nên không bị phát hiện. Cùng lúc đó, P.D.D. liên hệ với H., H. nhờ một người có thuê bao 098623... đến giao tiền. Ngay sau khi nhận tiền, những kẻ thi thuê này mất dạng trong dòng người hối hả, khiến chúng tôi mất dấu. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đây...                           

    Bất cập trong xử lý

    Ngày 12/11/2014, trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.Hồ Chí Minh đã bắt quả tang ngay tại phòng thi 24 người làm giả giấy tờ để thi hộ cho sinh viên của trường. Được biết, 24 người thi hộ trong buổi thi môn Anh văn 3 của 104 sinh viên liên thông. Thanh tra của trường đã lập biên bản đình chỉ thi, thu giữ thẻ sinh viên và yêu cầu người thi hộ làm tường trình. 24 người thi hộ sau đó được đưa về phòng riêng và trường yêu cầu viết tường trình, chụp hình và lăn lấy dấu vân tay.

    Sau đó, toàn bộ 24 người thi hộ đã được cho về. Ngay khi xảy ra vụ việc, trường đã trình báo với công an phường và công an quận. Tuy nhiên, công an từ chối vì đây chỉ là việc gian lận thi cử của sinh viên trong trường ở kỳ thi kết thúc học phần (môn tiếng Anh) nên việc sinh viên vi phạm quy chế thi của trường thì nhà trường phải xử lý lập biên bản cấm thi đối với các trường hợp sinh viên đó.

    SA HÀ - DIỆU NAM 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-tra-hoc-ho-thi-thue-mafia-hoc-duong-vuon-voi-ra-tinh-le-a91827.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan