+Aa-
    Zalo

    Diện kiến “thánh giáng trần” trong hình hài cậu bé 9 tuổi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những lời đồn đoán ly kỳ đến nỗi, chỉ chưa đầy 4 tháng sau khi được tung tin đồn, “thánh” 9 tuổi đã tiếp một ngày hàng ngàn lượt khách đến để sờ mong khỏi bệnh.

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, người dân tỉnh Đồng Nai rộ lên một tin đồn cậu bé Phùng Minh Quân, mới 9 tuổi nhưng đã được “thánh” hiển linh nhập vào người để có nhiệm vụ chữa bách bệnh cho chúng sinh, bằng cách sờ vào chỗ đau.

    Những lời đồn đoán ly kỳ đến nỗi, chỉ chưa đầy 4 tháng sau khi được tung tin đồn, “thánh” 9 tuổi đã  tiếp một ngày hàng ngàn lượt khách đến để sờ mong khỏi bệnh.

    Diện kiến “thánh giáng trần” trong hình hài cậu bé 9 tuổi
    "Thánh" Quân đang đi sờ để chữa bệnh cho mọi người.

     “Cơn bão thánh”

    Tìm về gia đình em Phùng Minh Quân (9 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), chúng tôi có cảm giác như cái vùng quê vốn rất đỗi bình yên này đang trong “cơn bão thánh”. 

    Vừa mới xuống xe đoạn ngã ba Dầu Giây, chưa kịp lau mồ hôi thì một bác xe ôm từ đâu lao tới đã hỏi: “Cháu có phải đi vào nhà “thánh” Quân không? Lên xe đi bác đưa đến cho”. Chúng tôi đặt ba lô xuống, nói bác xe ôm đứng chờ một chút vì muốn ngồi uống nước để hạ cơn khát sau một chuyến đi dài.

    Vừa ngồi xuống quán nước, cô chủ chừng 30 tuổi đon đả mời chào và hỏi: “Em đi chữa bệnh phải không? Cứ uống nước xong rồi vào, tối mới gặp được “thánh”, vì ban ngày “thánh” còn phải đi học”.

    Qua lời cô chủ quán nước và bác xe ôm, chúng tôi được biết chỉ nguyên buổi sáng hôm đó, đã có hàng trăm chiếc xe máy, khoảng 30 chiếc ô tô đi vào để chờ “thánh” khám bệnh. Cô chủ quán hồ hởi nói: “Từ hồi cuối tháng 11/2013 đến giờ, không biết bao nhiêu là người bệnh đến để “thánh” chữa bệnh. Những ngày đầu thì chỉ những người ở các huyện khác như Xuân Lộc, Trảng Bom, Định Quán đến, còn bây giờ thì hầu như ngoài tỉnh rất nhiều, có người ở tận Bình Định cũng thuê xe ô tô đưa anh em họ hàng vào chữa bệnh. Tôi nghe nói còn có người ngoài Bắc đi máy bay vào nữa, cứ gọi là xe ô tô và xe máy tấp nập”.

    Bác xe ôm ngồi bên cạnh chen vào: “Từ ngày tôi đi làm nghề xe ôm đến giờ, chưa bao giờ thấy một nơi chữa bệnh nào mà đông khách như ở đây. Một ngày tôi cũng “hưởng lộc” được vài chục chuyến xe ôm. Đa số là các khách ở tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, và các tỉnh miền Tây. Họ đi xe đò lên rồi xuống bắt xe ôm vào, đủ thứ bệnh trên đời, chẳng biết họ nghe đâu mà nhanh thế”.

    “Là tôi nghe nói vậy chứ có biết đâu...”

    Sau khi uống nước ngoài quốc lộ, bác xe ôm đưa chúng tôi vào căn nhà nơi “thánh” Quân ở. Theo quan sát của chúng tôi, từ khi bước vào gần ngõ nhà “thánh”, các bệnh nhân đã được rất nhiều chủ quán chạy ra đường vẫy vào, với lời chào mời ngọt xớt: “Anh chị ơi! Vào ăn uống nghỉ ngơi quán em cái đã, cơm nước cháo phở gì cũng có hết à, giá cả hợp lý, không ăn uống thì ngồi hóng mát, gửi xe không mất tiền, chờ “thánh” đến chiều mới về... chứ “thánh” vẫn còn đang đi học”. Hai bên đường, khoảng gần chục quán nước tạm bợ dựng sẵn, xe máy ô tô đậu la liệt. Những người đi khám bệnh người ngồi ghế, người mắc võng ngủ, người ngồi bệt xuống đất để chờ “thánh” về.

    Khi đã yên vị, chúng tôi hỏi chủ quán nước: “Chị ơi! Quán mình mở lâu chưa?”. Chủ quán nước đon đả: “Nhờ “thánh” Quân nên những quán ở đây mới mở vài tháng nay. Trước đây đâu có khách mà bán, chị mà muốn khám bệnh thì mua ít nước vào cúng “thánh” là được, không cần tiền bạc gì đâu”. Như một người bệnh đang mong ngóng “thần y”, chúng tôi dò hỏi: “Chị ơi! Có thật là “thánh” chữa được bệnh không?”. Chị chủ quán nói như một cái máy: “Thì chắc được chứ, chị thấy đó, không thiêng sao người ta đi quá trời, ngày nào cũng có hàng ngàn người. Chị nghe đồn là “thánh” đã chữa được cho rất nhiều người rồi, bệnh gì cũng chữa được hết. Hôm trước có mấy người bị ung thư, bệnh viện trả về hết mà xuống đây “thánh” Quân sờ cho là hết bệnh liền à”. Anh chồng chủ quán nói xen vào: ““Thánh” giỏi lắm, những người bại liệt gần hai mươi năm trời, đi không được, ăn không được, vào “thánh” sờ một lần là đứng dậy đi được ngay. Hôm trước, tôi còn nghe nói, có một ông làm trên Bộ to lắm, có vợ bị bệnh, vào đây chữa. Tuy nhiên, do họ sợ người làm cơ quan nhà nước mà cũng tin vào thánh thần nên cho người bắt cóc “thánh” chở xuống tận Vũng Tàu. “Thánh” sờ cho một lần là khỏi ngay, người đó biếu “thánh” 100 triệu đồng mà “thánh” không lấy. “Thánh” ở đây làm ơn làm phước mà”.

    Chúng tôi ra vẻ tò mò hỏi: “Anh có biết người chữa khỏi bệnh không? Hay nhìn thấy họ đưa 100 triệu đồng cho “thánh” không?”. Người đàn ông lí nhí: “Là tôi cũng nghe người ta nói vậy, mà chẳng lẽ không có người ta nói có, toàn nghe kể lại thôi, chứ tôi buôn bán tối mặt tối mũi có biết gì đâu...”.

    Xếp hàng chờ được... sờ cho khỏi bệnh

    Sau khi ngồi uống nước và nghe ngóng một lần nữa, chúng tôi tiếp cận nhà “thánh” Quân. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ khoảng 40m2, bên ngoài vườn nhà “thánh” cũng có một quán nước “tự phát”. Qua hỏi dò, chúng tôi được biết cái quán này là quán của những người cô cậu của “thánh” đến đây bán, giá cả tương đối vừa phải. Nhưng lượng khách thì cực đông, chúng tôi ngồi chỉ chưa đầy hai tiếng mà quán nhà “thánh” bán được khoảng 300 chai nước các loại. Theo “luật bất thành văn”, thì những bệnh nhân đến mua 4 chai, ít hơn hay nhiều hơn là tùy ý. Xong bỏ lên một cái bàn thờ thánh ở ngoài hiên nhà “thánh” Quân. Người thì cúng xong để nước lại, có người thì mang nước về uống cho bớt bệnh. Nhiều người “hào phóng” hơn thì bỏ tiền, đủ loại mệnh giá, từ 10 - 500 ngàn đồng.

    Dù nói “thánh” không cần tiền, nhưng khi các bệnh nhân bỏ tiền lên thì chẳng thấy người nhà “thánh” can ngăn hay trả lại. Lâu lâu thấy có người đến để “sắp xếp” tiền cho ngăn nắp, và sau thì có người lấy đi cất cho đỡ... “vướng víu”. Khoảng 5h30 chiều, hàng trăm người bệnh nhốn nháo, người thì cuống cuồng xỏ dép, người chưa kịp trả tiền nước, ai cũng í ới gọi nhau “thánh đã về, thánh đã về”. Chúng tôi cũng không kịp mang dép, chạy nhanh theo dòng người như đang chạy bão về hướng chiếc xe máy của một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, đang chở đứa bé, lưng đeo cặp xách và vai vẫn quàng khăn đỏ. Đứa bé chưa kịp xuống xe, thì trong nhà có khoảng 3 người, theo tìm hiểu của chúng tôi là người nhà của “thánh” Quân, chạy ra, dắt “thánh” đi vào nhà và nói lớn: “Mọi người đừng lộn xộn, xếp hàng đi rồi “thánh” khám bệnh cho”.

    Không ai bảo ai, người người xô nhau chen chúc ngồi làm hai hàng từ nhà ra đến đường, ước chừng khoảng gần một cây số, để một khoảng trống ở giữa đủ để “thánh” bước đi ở giữa. Trong khung cảnh ồn ã đó, chúng tôi cũng cố chen được ngồi một chân, bên cạnh cụ bà khoảng hơn 70 tuổi. Mắt đã mù một bên, cụ yếu ớt bảo: “Con ngồi gần vào “thánh” mới sờ tới, chứ “thánh” đi nhanh lắm, đôi khi không kịp”.

    Chúng tôi hỏi cụ bị bệnh gì, cụ cho biết: “Bà bị chột một mắt, mong cháu Quân sờ sao cho sáng con mắt ra, sờ từ mấy hôm rồi. Người thì nói một lần là được, người thì nói ba lần nên bà cứ chờ để được “thánh” sờ nhiều cho chắc ăn”. Chúng tôi cũng nói về bệnh của mình, và nắm tay cụ để chờ “thánh” ra sờ. Nhưng chờ khoảng 30 phút, thì có người ra nói: ““Thánh” mệt quá nên để “thánh” đi chơi khuây khỏa tí rồi về”. Cả đoàn người lại “ồ” lên thất vọng, nhưng vì bệnh tình nên ai cũng ráng ngồi yên đợi “thánh” về có cơ hội được “thánh sờ”, như sợ nếu đi đâu thì cơ hội đó sẽ mất ngay. 

    Người nhà thu lợi nhuận kếch xù

    Theo quan sát của chúng tôi, thực ra, đi đâu ai cũng đồn đại rằng “thánh” khám bệnh không lấy tiền, nhưng cô dì chú bác “thánh” bán nước và đồ ăn phục vụ khách. Dù dịch vụ lấy giá cả phải chẳng, nhưng một ngày theo nhẩm tính của phóng viên, gia đình “thánh” thu ít nhất khoảng 5 triệu đồng từ việc bán hàng, cộng thêm tiền “lộc” của bệnh nhân bỏ trên bàn thờ thì không ai tính hết được.

    Hương Sen – Quyên Triệu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-kien-thanh-giang-tran-trong-hinh-hai-cau-be-9-tuoi-a24741.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Thần y" chữa viêm xoang ở thung lũng xứ Nghệ

    (ĐS&PL) - Bằng phương thuốc kết hợp lá và rễ cây mọc ở trong rừng, ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi), trú tại bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) mấy chục năm qua đã chữa khỏi bệnh viêm xoang cho nhiều người. Với nhiệt huyết chữa bệnh cứu người, ông được người dân nơi đây mệnh danh là “thần y” của làng.

    Chuyện lạ kỳ về “thần y” khắc tinh rắn độc ở Xứ Thanh

    Chuyện lạ kỳ về “thần y” khắc tinh rắn độc ở Xứ Thanh

    (ĐSPL) - Người dân trong vùng gọi ông là “khắc tinh của rắn độc” bởi ông có thể giải được nọc độc của bất kỳ loại rắn độc nào chỉ với phương thuốc gia truyền đơn giản của mình. Hơn thế nữa ông còn chữa trị được một số căn bệnh mà nền y học hiện đại bây giờ cũng phải chịu thua.