Ngoài hiểu, biết, sử dụng thành thạo hơn 46 loại ngải bí hiểm, vị thần y ẩn thân nơi núi thẳm luyện thành bí quyết đẩy lùi nhiều chứng bệnh, bằng thuật châm cứu từ loài ong. Ông khẳng định, đã sử dụng nó để cứu trăm người, rất hiệu quả.
Như duyên định sẵn, sau khi tích lũy không ít kinh nghiệm Đông y từ gia đình nội, ngoại, dòng đời xô đẩy ông phiêu dạt đến Thất Sơn theo học cùng những bậc đạo sỹ ẩn cư. Giữa Thất Sơn huyền bí, ông trở thành đệ tử chân truyền, học cách nhận biết, nuôi trồng, sử dụng các loại ngải để cứu người. Xuất sơn, ông cố “cãi mệnh trời”, chen chân vào cuộc sống phố thị, trở thành anh cán bộ Nhà nước, rồi lại ẩn cư giữa rừng già. Thế nhưng, nghề thuốc vẫn đeo đuổi ông như một cái nghiệp.
Con nhà nòi
Đã ở những năm tháng tuổi già nhưng ông Trần Duy Tân (SN 1957, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn chọn cuộc sống cô độc, ẩn thân giữa rừng. Là một thầy thuốc Đông y không chuyên, nhưng ông đã kịp tích lũy cho mình vốn kiến thức y học cổ truyền hiếm có.
Ông Tân giới thiệu loại ngải sậy trắng dùng để chữa bệnh gãy, nứt xương (Ảnh: Hà Nguyễn). |
Ông cho biết: “Tôi sinh ra trong gia đình cả nội và ngoại đều là những bậc thầy về Đông y. Ông ngoại tôi là cụ Tư Đáng, một trong những thầy thuốc nổi tiếng bậc nhất huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) trước giải phóng. Ông nội tôi là thầy Mười ở đầu cầu Thốt Nốt (tỉnh An Giang), cũng nổi tiếng là một danh y, thuốc hay tay mát từ thời Pháp thuộc. Do đó, ngày mới lên 10, tôi đã học được nhiều thứ về thuốc Nam”.
Được chỉ dạy tận tình, nhưng ông Tân vẫn mơ về cuộc sống hiện đại, không muốn chôn chân là một anh thầy lang. Do đó, con đường học vấn được ông chú trọng hơn cả. Tuy nhiên, khi sự nghiệp học vấn đang phát triển, năm 1972, đang là học sinh ưu tú lớp 10 tại một trường có tiếng ở Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), ông tham gia kháng chiến, tạm dừng con đường học vấn.
Ông kể: “Năm ấy, tôi tham gia đội du kích xã rồi lên huyện, có mặt trong nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng. Được một thời gian, tôi bị một tên bán nước phản bội, chỉ điểm, tố tôi là đội trưởng đội đặc công Hồng Ngự. Biết đã bị lộ, lại bị tố là đội trưởng đặc công, rơi vào tay giặc chỉ còn nước chết, tôi buộc phải thôi học, trốn lên chùa Phật Lớn ở An Giang ẩn mình”. Cũng trong thời gian này, ông tiếp tục làm quen và được học cách tu tập, luyện thuốc, dùng các loại ngải để chữa bệnh cùng nhiều đạo sỹ trên núi Cấm.
Ông nhớ lại: “Những năm tu học ở Thất Sơn, tôi học được nhiều điều kỳ diệu. Mãi đến khi đất nước giải phóng, tôi mới xuống núi và tiếp tục theo học trường lục quân. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, tôi không thể theo con đường binh nghiệp mà vào công tác tại Điện lực Tân Châu (tỉnh An Giang). Song song với việc công tác tại đơn vị điện lực, tôi cũng cố gắng theo học các lớp chứng chỉ, nghiệp vụ Đông y”.
Sau đó, những thăng trầm cuộc sống bắt đầu kéo đến, tưởng chừng chực chờ quật ngã ông trong bệnh tật. Và cũng theo lời ông, chính những vốn kiến thức Đông y cùng các loại ngải chỉ có tại Thất Sơn bí hiểm đã giúp ông vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo.
Thực hư tuyệt kỹ tầm ngải trị nan y
Ông cho biết, những năm 1990, tai họa liên tục giáng xuống gia đình ông. “Đầu tiên, trong công việc, tôi bị nhiều người ganh ghét rồi tìm cách hãm hại. Sau đó, bệnh tật cũng thi nhau kéo tới. Tôi bị đột quỵ bốn lần liên tiếp. Cuối cùng, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, tôi tự ý xin nghỉ việc. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, tôi không chịu thua, vừa kết hợp Tây y, nằm viện, vừa nghiên cứu, tìm thuốc Đông y để tự chữa cho mình. Kết quả là tôi vẫn chưa chết và lành lặn tới bây giờ”, ông Tân chia sẻ.
Theo ông, năm 1990, ông bị đột quỵ lần thứ tư và cũng là lần nặng nhất. Trong lần bị tử thần gõ cửa này, ông tiếp tục nhập viện điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ông cho biết, việc điều trị tại bệnh viện vô cùng tốn kém. Một liều thuốc để ông có thể phục hồi trạng thái cân bằng của cơ thể, lên đến cả chỉ vàng.
Ông kể: “Khi ấy, tôi nhớ cô bác sỹ tên Mỹ, là một bác sỹ có trình độ rất cao tại bệnh viện trực tiếp điều trị cho tôi. Cô ấy cho tôi biết, bệnh của tôi không đến nỗi phải chết, nhưng điều trị rất tốn kém. Cô cũng kê đơn cho tôi và khẳng định có một loại thuốc chỉ cần tiêm vào là tôi sẽ tỉnh táo. Tuy nhiên, thuốc này rất hiếm và đắt, phải mua ở ngoài. Tôi nhớ lúc đó, phải tốn hơn một chỉ vàng và 10 ngàn tiền mặt mới đủ mua hai liều thuốc về tiêm”.
Những khó khăn từ bệnh tật thôi thúc ông dùng chính thân mình để thí nghiệm các phương pháp chữa bệnh mà tự ông học được từ những năm tu trên núi Cấm. Ông cho biết, để vượt qua nỗi đau bệnh tật, ông tìm đến các loại ngải làm thuốc mà mình đã được học từ những bậc đạo sỹ trên Thất Sơn.
“Khi nhắc đến ngải, nhiều người liền nghĩ ngay đến chuyện vô lý, tâm linh ma mị, mê tín. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ngải là thứ gì đó xấu xa, mang màu sắc mê tín, dùng để yểm, đầu độc, hại người, mà ngải còn là các loại cây, cỏ, củ,... có công dụng làm thuốc vô cùng hữu hiệu, vô cùng quý”, ông khẳng định.
“Những loại cây, củ, cỏ,... này rất hiếm gặp nhưng vô cùng công hiệu, chỉ có ở những khu vực nhất định trên núi Cấm vào những thời gian, thời điểm nhất định và chỉ có những người tu đạo trên núi mới biết. Nó bí hiểm và trở nên linh thiêng là vì thế. Cũng chính từ việc không ai biết tên nó, không biết sử dụng mà nó lại có công hiệu hơn hẳn các loại thuốc thường gặp nên người không biết càng cho nó là sản phẩm của ma thuật”, ông Tân cho biết thêm.
Cũng theo ông Tân, các loại ngải có một dược tính vô cùng kỳ lạ. Có những loại ngải chỉ có người tu hành trên núi qua nhiều giai đoạn mới được cho biết và không được phổ biến ra ngoài. Theo ông, hiện nay, ông biết và có thể sử dụng hơn 46 loại ngải có mặt tại Thất Sơn: “Ngải chữa bệnh vô cùng hiệu nghiệm. Ở An Giang, nổi tiếng chữa bệnh bằng ngải như ngải rắn, ngải xương,... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và trồng, hái, sử dụng được. Hiện nay, tôi biết khoảng trên dưới 46 loại ngải chữa bệnh nhưng có khi không thể tự mình đi hái, mà phải nhờ người dân tộc trên núi hái giúp”.
Hỏi về loại ngải được ông sử dụng thành công nhất, ông Tân cho biết: “Đây là ngải sậy trắng rất hiếm. Nó là ngải dùng để trị gãy xương, nứt xương vô cùng hiệu quả. Tôi dám lấy danh dự, tính mạng ra cam đoan nếu người bệnh không bị bệnh loãng xương, chỉ cần đắp ngải này vài ngày, nhẹ thì vài tiếng đồng hồ, nặng thì chỉ dăm ba ngày là liền xương, cử động được.
Tôi đã chứng kiến các đạo sỹ dùng ngải này đắp lên xương, làm xương chảy ra như mình đưa miếng nhựa hơ trên bếp lửa. Ngoài ra còn nhiều loại dùng để luyện thân, khi phun nó vào người, có thể biến da dẻ cứng như sắt đá, khiến đao thương bất nhập... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết phân biệt và dùng được”, vị đạo sỹ cho biết thêm.
Cần phân biệt ngải luyện bùa và ngải chữa bệnh Ông Tân cho biết: “Trước đây, tôi là đệ tử của ông Út, người tu chung chùa với đạo sỹ Ba Lưới và được người này chỉ dẫn khá nhiều về ngải. Theo đó, cần phân biệt ngải luyện bùa, ngải độc và ngải chữa bệnh là những thứ khác nhau. Tôi chỉ được chỉ dạy về ngải chữa bệnh, nên không được hiểu nhiều về ngải luyện bùa. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, ngải luyện bùa cũng có thể là một loại ngải có dược tính được người ta nuôi, luyện với niềm tin, mục đích phục vụ ý đồ xấu. Ngược lại, ngải chữa bệnh được chúng tôi nghiên cứu vào việc tốt nên nó trở thành một loại thuốc có ích”. |
HÀ NGUYỄN – NGỌC LÀI
Xem thêm video: Cảnh báo: Mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng bùa ngải