+Aa-
    Zalo

    Điểm thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024: "Trúng tủ" nhưng không cao như kỳ vọng

    (ĐS&PL) - Nhiều thí sinh vui mừng khi "trúng tủ" đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024. Song, nhiều giám khảo tại TP.HCM nhận định điểm thi không cao như kỳ vọng.

    Theo báo Thanh Niên, các địa phương đang trong giai đoạn cuối hoàn thành việc chấm thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

    Riêng đối với đề môn ngữ văn, theo nhiều giám khảo tại TP.HCM, qua việc chấm thi cho thấy hệ lụy của việc học thuộc lòng, học theo văn mẫu thể hiện rất rõ trong bài làm của thí sinh.

    Học sinh làm bài na ná nhau

    Đây là nhận xét của nhiều giám khảo đang chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay. Điều này thể hiện rõ nhất và chủ yếu ở câu 2 phần nghị luận văn học, khi đề yêu cầu phân tích một đoạn thơ trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Lý giải hiện trạng này, một giáo viên dạy văn ở TP.HCM nói: "Đoạn trích Đất Nước là một trong 4 văn bản tiêu biểu về thể loại thơ trong chương trình lớp 12, thuộc trọng tâm ôn thi tốt nghiệp THPT. Trường nào cũng có tài liệu, văn mẫu cho học sinh ôn thi. Thậm chí có nhiều bài văn mẫu được học sinh nhiều trường dùng. Trong khi đó đoạn trích đề thi cho năm nay lại là đoạn thơ tiêu biểu nhất của văn bản Đất Nước, nên việc học sinh làm bài na ná nhau là điều dễ hiểu...".

    Ôn bài theo văn mẫu khiến thí sinh rơi vào thế bị động, do lệ thuộc kiến thức chứ chưa phải làm chủ kỹ năng. Vì vậy mà sau mỗi lần thi, thí sinh than với nhau là ôn bài này kỹ, hay bài kia chưa ôn, trúng tủ hay bị "tủ... đè". Với bài làm văn năm nay, nhiều thí sinh giống nhau về cách giới thiệu tác giả, cách diễn đạt ở phần triển khai, cách đưa dẫn chứng liên hệ. Thậm chí kể cả những lỗi sai cũng... giống nhau. Chẳng hạn, những hình ảnh như "con chim phượng hoàng...", "con cá ngư ông..." trong đoạn thơ đều bị học sinh hiểu sai là nói về chuyện "Ăn khế trả vàng", chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" ở tận trời Tây!

    Theo các giám khảo, việc liên tục gặp nhiều bài văn mẫu trong bài làm của thí sinh cho thấy đây là một hiện tượng "đạo văn" mà vô tình các em không nhận thức rõ. Đọc những bài làm này rất "nhàm chán" vì quen thuộc. Thường với những bài này thì giám khảo cho điểm ở mức khá (3 - 3,5 trên thang điểm 5) là tối đa. Những bài làm điểm tốt (từ 4 - 5 điểm) phải là những bài mang dấu ấn sáng tạo của riêng mình.

    Với đề thi phân tích thơ, nếu thí sinh nắm vững dàn ý, kỹ năng phân tích một đoạn thơ trữ tình thì mọi đoạn thơ (kể cả chưa bao giờ đọc) cũng có thể dễ dàng làm được như cách yêu cầu của lớp 10, 11 thuộc chương trình mới 2018 áp dụng 2 năm nay.

    Ghi nhận một bài thi 9,75 điểm

    Chia sẻ trên báo Dân Trí, một cán bộ chấm thi tại Thái Nguyên cho biết đã ghi nhận một bài thi môn ngữ văn đạt 9,75 ở hai lượt chấm đầu. Song, bài thi này sẽ được chấm kiểm tra, do đó, kết quả cuối cùng sẽ căn cứ vào lượt chấm kiểm tra.

    Giám khảo này cho biết cũng có không ít thí sinh đạt từ 8 đến 9,25 điểm vì nhiều bạn có "chất", viết bài rất tốt, có ý tưởng riêng. Song, cũng có những thí sinh đạt điểm thấp do viết được quá ít, chưa có phương pháp làm bài.

    Vị này bật mí nhiều bạn chưa hiểu rõ đề, đặc biệt bị nhầm lẫn ở câu "ý nghĩa của tôn trọng cá tính" sang nói về giới sinh, sống theo phong cách riêng.

    "Tinh thần chấm công khai, khách quan, không thiệt cho học sinh, trân trọng ý tưởng mới, không áp đặt tư tưởng hay hiểu biết chủ quan của giáo viên lên bài làm của học sinh. Thí sinh dù có trúng tủ nhưng không biết phương pháp làm bài vẫn có thể đạt điểm không cao", giám khảo này cho hay.

    Dự báo về điểm thi sẽ không cao như kỳ vọng của thí sinh cũng được nhiều chuyên gia đưa ra. Nhận định ngay sau khi kết thúc môn thi ngữ văn, cô giáo Dương Thị Thanh Thủy, tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội dự báo học sinh giỏi mới đạt được từ 8 điểm trở lên bởi độ khó và tính phân loại của đề cao hơn so với năm 2023.

    Từ ngày 17/7, thí sinh trên cả nước có thể tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Lao Động

    Từ ngày 17/7, thí sinh trên cả nước có thể tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Lao Động

    Các câu hỏi phần đọc hiểu trong đề thi yêu cầu học sinh không chỉ nhận diện, trích lọc thông tin mà còn phải chỉ rõ được tác dụng của việc liên tưởng, tìm ra bài học vận dụng vào đời sống cho bản thân. Việc này đặt ra thách thức đối với học sinh không chỉ về khả năng đọc hiểu mà còn về khả năng suy nghĩ logic, phân tích và tư duy sâu.

    Phần nghị luận văn học bài thi "Đất Nước" đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm, thành thạo kỹ năng phân tích đoạn trích thơ, mà còn phải thực sự hiểu sâu nội dung tư tưởng của tác phẩm mà tác giả gửi gắm.

    Cùng chung dự đoán, cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn ngữ văn tại Tuyensinh247 nêu nhận xét học sinh trung bình có thể giải quyết được 5-6 điểm, học sinh khá có thể đạt được 7 điểm, mức 8,5 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng đối tượng học sinh giỏi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/iem-thi-ngu-van-tot-nghiep-thpt-2024-trung-tu-nhung-khong-cao-nhu-ky-vong-a443460.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan