(ĐSPL)- Căn cứ vào phổ điểm các môn thi vừa được Bộ GD-ĐT công bố, đại diện nhiều trường ĐH cho rằng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) sẽ dao động từ 14 - 16,5 điểm, tùy từng tổ hợp môn xét tuyển, cao hơn năm trước 2 điểm.
Khác với mọi năm trước, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ nên phổ điểm các môn tốt hơn.
Viết chú thích ảnh ở đây. |
Điểm sàn khoảng 14-16,5?
Thông tin trên báo Lao động, căn cứ vào phổ điểm các môn thi vừa được Bộ GD-ĐT công bố, đại diện nhiều trường ĐH cho rằng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) sẽ dao động từ 14 - 16,5 điểm, tùy từng tổ hợp môn xét tuyển.
Thạc sỹ Phạm Thái Sơn - Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - cho biết ở cụm thi của trường, phổ điểm tăng từ 1,5 - 2 điểm so với kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014.
Kết hợp với phổ điểm các môn thi mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, dự kiến năm nay, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ 14,5 - 15 điểm đối với những tổ hợp môn có xét các môn toán, văn, vật lý, hóa học. Với những tổ hợp môn có xét môn sinh học hoặc tiếng Anh thì điểm sàn có thể sẽ giảm nhẹ, khoảng 14 điểm.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH có tiếng ở TP HCM nhận định nếu nhìn vào phổ điểm các môn mà Bộ GD-ĐT vừa công bố thì 6/8 môn có phổ điểm tốt, chỉ 2 môn có phổ điểm thấp là ngoại ngữ và sinh học. Do vậy, điểm sàn xét tuyển ĐH năm nay chắc chắn sẽ ở khoảng từ 14,5 - 15.
TS Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, dự báo mức sàn Bộ GD-ĐT đưa ra tới đây có thể lên tới 15 điểm đối với những tổ hợp môn có phổ điểm tốt. Ở những tổ hợp môn khác xét môn sinh hay ngoại ngữ có thể thấp hơn nhưng chênh lệch không nhiều.
Theo trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP HCM, điểm sàn năm nay chắc chắn tăng từ 1,5 - 2 điểm so với năm ngoái do phổ điểm các môn tăng. Tất nhiên, mức tăng cụ thể còn phụ thuộc Bộ GD-ĐT khi cân nhắc đến chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngoài công lập.
Trong khi đó, ThS Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết mức sàn đối với tổ hợp môn toán, vật lý, hóa học (khối A cũ) có thể lên tới 16,5 điểm. Bởi năm nay, đề thi cho cả mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ thì 15 điểm/3 môn, tức trung bình 5 điểm/môn, chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Nếu lấy mức sàn ĐH là 15 - 16 điểm thì quá thấp. Ở những tổ hợp môn thi khác, điểm sàn có thể thấp hơn nhưng mức chênh lệch sẽ không nhiều.
Thí sinh nên đăng ký xét tuyển trực tuyến
Đại diện các trường ĐH đều cho rằng năm nay, điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành ở nhiều trường sẽ tăng khoảng 2 điểm. Với những trường ĐH tốp đầu, mức điểm chuẩn có thể tăng cao hơn ở một số ngành đào tạo.
Về điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành của trường năm nay, ThS Phạm Thái Sơn dự báo khả năng nhiều ngành sẽ có điểm chuẩn từ 15 - 18. Lý do, phổ điểm dù tăng nhưng không có nhiều thí sinh đạt điểm cao và số này cũng sẽ đăng ký vào những trường tốp đầu như y dược, bách khoa… khi năm nay thí sinh có thuận lợi là biết điểm rồi mới đi xét tuyển.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP HCM nhìn nhận với phổ điểm như năm nay và dựa vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường như các năm trước thì điểm chuẩn các ngành sẽ tăng từ 1,5 - 3, tùy theo ngành và tổ hợp môn xét tuyển. Dự kiến, điểm chuẩn tăng ở trường này còn ở mức khiêm tốn bởi nếu đưa ra mức tăng cao thì sợ thí sinh sẽ dao động khi muốn đăng ký vào trường.
Dựa vào điểm sàn và điểm chuẩn năm 2014, ThS Trương Tiến Sĩ dự kiến mức chuẩn vào Trường ĐH Ngân hàng TP HCM sẽ dao động ở 21 điểm. Ông cho biết trong 3-4 năm gần đây, mức chuẩn của trường thường tăng từ 5-6 điểm so với điểm sàn. Cụ thể, năm 2014, điểm chuẩn khối A (cũ) là 13 thì trường lấy mức chuẩn là 18,5 cho cả khối A, A1 và D1.
Ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM, TS Lê Chí Thông cho rằng điểm chuẩn vào trường chắc chắn sẽ tăng và dự kiến chênh lệch khoảng 2 điểm so với năm ngoái. “Khác với các năm trước, năm nay thí sinh có thuận lợi là làm hồ sơ xét tuyển khi đã biết điểm. Điều này dẫn đến thực tế là những thí sinh có điểm cao sẽ mạnh dạn đăng ký vào những trường tốp đầu. Tuy nhiên, những thí sinh có điểm ở ngưỡng không an toàn thì lại đắn đo. Do vậy, thí sinh nên đăng ký xét tuyển trực tuyến để được cập nhật thường xuyên về khả năng trúng tuyển” - TS Lê Chí Thông nói.
Công bố điểm sàn tuyển sinh đại học, cao đẳng trước 1/8 Bộ GD&ĐT sẽ công công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào trên mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 1/8. Tất cả những thí sinh có điểm thi trung học phổ thông dưới ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định sẽ không được đăng ký dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo phương thức tuyển dựa vào điểm của kỳ thi này. Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, hiện Bộ đang tích cực xử lý dữ liệu và sẽ cố gắng để có thể đưa ra ngưỡng xét tuyển đầu vào sớm nhất. Ông Ga cho biết, kết quả thi năm nay tập trung chủ yếu ở ngưỡng điểm 5 -6 điểm. Với phổ điểm này, các trường nhóm giữa sẽ có nguồn tuyển dồi dào hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cho rằng, các trường nhóm trên cũng không lo thiếu thí sinh do năm nay thí sinh đăng ký chọn trường sau khi biết điểm nên những thí sinh điểm cao sẽ tập trung đăng ký vào nhóm trường này. Trong những năm trước, khi Bộ tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức thi "ba chung", ngưỡng điểm sàn tuyển sinh đại học thường ở mức từ 13 đến 14 điểm, mức điểm sàn cao đẳng thường từ 10 đến 12 điểm, tuỳ theo khối thi Sau khi Bộ công bố điểm, các cụm thi sẽ phiếu báo điểm cho thí sinh để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh từ 1/8. |
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]iGAmbz4siB[/mecloud]