+Aa-
    Zalo

    Đi máy bay an toàn mức nào sau thảm họa liên tiếp?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngành hàng không thế giới đang trải qua một giai đoạn đen tối chưa từng có trong lịch sử khi chỉ trong một tuần xảy ra ba thảm họa máy bay khiến 472 người chết.

    Ngành hàng không thế giới đang trải qua một giai đoạn đen tối chưa từng có trong lịch sử khi chỉ trong một tuần xảy ra ba thảm họa máy bay khiến 472 người chết. 

    Đi máy bay an toàn mức nào sau thảm họa liên tiếp?

    Sơ đồ minh họa đường bay của máy bay AH5017.

    Thảm họa liên tiếp

    Chiều qua (24/7), chiếc máy bay Boeing MD-83 số hiệu AH 5017 của hãng hàng không Algerie đã bị rơi khiến 116 người chưa rõ sống chết (tính đến đêm qua - PV). Hãng Air Algerie  cho biết chuyến bay AH 5017 rơi tại Tilemsi, cách vùng Gao - phía Đông Bắc Mali 70km. 

    Hãng tin AFP dẫn lời giới chức Algeria cho biết, chiếc máy bay mới chỉ cất cánh được 50 phút. Trước khi mất liên lạc với mặt đất, chiếc máy bay xấu số đã được yêu cầu chuyển hướng do tầm nhìn hạn chế và có khả năng va chạm với một chiếc máy bay khác. 

    Bộ trưởng Giao thông Burkina Faso cho biết, danh sách hành khách trên máy bay có tới 51 người Pháp, 27 người Burkina Faso, 8 người Lebanon,  6 người Algeria, 5 người Canada, 4 người Đức, 2 người Luxemburg. Thụy Sỹ, Bỉ, Hy Lạp, Ukraine, Nigeria, Cameroon và Mali mỗi nước có một người.

    Thông tin này khiến toàn thế giới choáng váng khi khi mới đây ngày 17/7, máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng; trong đó có 3 người Việt Nam. Hiện công tác nhận dạng nạn nhân đang được tiến hành tại Hà Lan. Còn chiếc hộp đen chứa dữ liệu đã được chuyển sang Anh để phân tích.

    Tiếp theo, tối ngày 23/7, chiếc máy bay ATR-72 GE222 của hãng hàng không TransAsia chở 58 người, trong đó có 4 thành viên tổ lái do gặp phải cơn bão Matmo, sau hai lần hạ cánh không thành công đã đâm vào ngôi làng gần đó khiến 48 người thiệt mạng. Chiếc máy bay này khởi hành từ thành phố cảng Cao Hùng ở miền Nam Đài Loan tới một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Bành Hồ, còn được biết tới tên Pescadores nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan.

    Chiều qua, trả lời câu hỏi của PV, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa xác minh được thông tin có người Việt nào trên chuyến bay của Đài Loan ATR-72.

    Nguyên nhân của hai trong ba vụ nói trên đã được xác định. Máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ khi bay qua không phận miền Đông Ukraine ở độ cao 10.000m. Máy bay ATR72-GE222 thì do thời tiết, còn máy bay của Algeria sẽ sớm có kết luận những ngày tới khi chiếc hộp đen dữ liệu được phân tích.

    Đi máy bay an toàn mức nào sau thảm họa liên tiếp?

    Theo chuyên gia hàng không, máy bay vẫn là phương tiện có độ an toàn cao nhất.

    Xác suất tai nạn chỉ 1/45 triệu

    Những tai nạn liên tiếp khiến dấy lên nỗi lo lắng của người dân toàn thế giới về sự an toàn của những chuyến bay. Nhiều người đã kêu gọi huỷ chuyến, chuyển sang các phương tiện khác trước những cú sốc liên tiếp của ngành Hàng không.

    Theo quan điểm của chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam thì sự lo lắng đó là điều dễ hiểu. Bởi tai nạn hàng không thường thảm khốc từ số người chết cho đến những hình ảnh hiện trường và cũng được giới truyền thông quan tâm kỹ hơn so với tai nạn của các loại hình giao thông khác. 

    Vậy, máy bay an toàn đến mức nào? Theo các số liệu về ATGT mới đây của Mỹ thì: Tỷ lệ số người bị chết vì tai nạn tính trên 100.000.000 khách/dặm như sau: Hàng không thường lệ: 0,003; Xe buýt đô thị và đường dài: 0,05; Đường sắt: 0,06: Ô tô: 0,61.

    Năm 2011, tổng số hành khách chết vì tai nạn hàng không trên toàn thế giới là 373 người trên 2.840.000.000 lượt hành khách, với tỷ lệ 1/7.600.000.

    Như vậy, cứ 7,6 triệu người đi máy bay thì một người bị chết vì tai nạn. Năm 2014, tỷ lệ này cao hơn, nhưng vẫn còn rất thấp do với các phương tiện giao thông khác. Một phân tích thống kê khác cho thấy xác suất một người bị chết trong một tai nạn hàng không là 1/45.000.000. Nếu ngày nào cũng bay, một người có thể bay an toàn trong suốt 123.000 năm mà không gặp tai nạn.

    Theo ông Nam, mặc dù các tai nạn máy bay dồn dập trong thời gian này làm chúng ta sốc và không thể không có chút lo lắng về an toàn hàng không. Nhưng, khi cảm xúc đã bớt đi, cũng cần nhìn vào các con số biết nói để công bằng hơn cho hàng không. Rõ ràng,  hiện máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất mà trí tuệ con người đã sáng tạo ra. “Người làm hàng không như tôi và đi lại bằng máy bay rất nhiều lại càng tin điều đó”, ông Nam nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-may-bay-an-toan-muc-nao-sau-tham-hoa-lien-tiep-a42864.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan