Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, ngày 4/12, tại kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã trình bày tờ trình về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, đào tạo bồi dưỡng nhân lực trình độ cao cho Trường đại học Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2030.
Theo đó, đối tượng áp dụng là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được tuyển dụng làm giảng viên các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ cảng biển, logistics, công nghệ thông tin, phần mềm, ngôn ngữ (Hàn Quốc, Nhật Bản), thương mại - dịch vụ.
Cụ thể, mức hỗ trợ một lần đối với giảng viên là giáo sư (trong nước, ngoài thành phố) là 500 triệu đồng; phó giáo sư 400 triệu đồng; tiến sĩ: 300 triệu đồng. Hỗ trợ giảng viên trình độ tiến sĩ tốt nghiệp ở các nước phát triển là 400 triệu đồng.
Những giảng viên cũ theo diện được trường cử đi học, cũng được hỗ trợ 200 triệu đồng nếu đạt học vị tiến sĩ hoặc chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
Tất cả các trường hợp được hưởng hỗ trợ phải cam kết làm việc tại trường ít nhất 5-6 năm, kể từ khi nhận tiền. Nếu không chấp hành sự phân công, 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, tự ý bỏ việc hoặc bị kỷ luật ở mức cho thôi việc, họ phải đền bù gấp đôi số tiền trên.
Trong giai đoạn 2025-2030, thành phố dự kiến chi 25 tỷ đồng để Trường Đại học Hải Phòng thu hút 4 giáo sư, 4 phó giáo sư, 64 tiến sĩ và cử 58 người đi đào tạo.
VnExpress cho biết, Trường Đại học Hải Phòng có lịch sử 65 năm, trực thuộc UBND TP và chịu sự quản lý về chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Hiện, trường có khoảng 750 nhân sự, quy mô tuyển sinh hơn 3.000 sinh viên mỗi năm. Trong hơn 400 giảng viên có 9 phó giáo sư, 97 tiến sĩ.
Ngoài các ngành sư phạm truyền thống, trường hiện đào tạo nhân lực ở nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ và quản lý kinh tế.
Theo định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, trường muốn trở thành đại học hàng đầu của Việt Nam, ngang tầm với các trường trung bình ở khu vực Đông Nam Á. Riêng năm 2025, mục tiêu là có 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên