+Aa-
    Zalo

    Đề xuất giữ lại 100% tiền thu phí đỗ xe nơi công cộng tại TP.HCM: Phải làm rõ tiền đã thu "đi đâu"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trước hoạt động thu phí đỗ xe đang thu không đủ chi, UBND TP.HCM đã đề xuất HĐND TP để lại cho đơn vị quản lý đỗ xe và thu phí là 100% số thu.

    Trước hoạt động thu phí đỗ xe đang thu không đủ chi, UBND TP.HCM đã đề xuất HĐND TP để lại cho đơn vị quản lý đỗ xe và thu phí là 100% số thu. Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã có ý kiến thẳng thắn về những bất cập trong cách triển khai đề án này.

    Sửa quy định không giải quyết được bất cập

    Theo đó, trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM trong kỳ họp, việc thu phí đậu xe không đạt hiệu quả, thậm chí lỗ nặng đã được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị xem lại. Trước thực trạng doanh thu trung bình từ phí đỗ xe những tháng gần đây chỉ đạt hơn 6 triệu đồng/ngày dù số thu sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM từng kỳ vọng thu về 400 triệu/ngày, đại biểu Tăng Hữu Phong, Phó Bí thư Quận ủy Tân Phú đặt vấn đề liệu về mức độ đáng tin tưởng của số liệu này.

    Theo đại biểu Tăng Hữu Phong, một vài lý do như chậm hướng dẫn người di chuyển, lỗi của ứng dụng đỗ xe My Parking và một số thiết bị ở giai đoạn đầu chưa thuyết phục.

    "Một bãi xe rất bình thường thôi, người ta giữ xe máy vẫn có lời. Liệu có còn nguyên nhân nào khác?", ông Phong nêu câu hỏi.

    Hơn 1 năm triển khai, đề án thu phí đỗ xe ô tô tạm thời ở lòng đường TP.HCM  không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

    Vị đại biểu này cũng băn khoăn về đề xuất đơn vị quản lý đỗ xe và thu phí được giữ lại 100% số thu, dù tờ trình sửa nghị quyết về việc thu phí đỗ xe cho biết, trường hợp khi số thu vượt số chi, UBND TP.HCM sẽ xây dựng và đề xuất lại tỉ lệ giữ lại để chi phí và tỷ lệ nộp ngân sách thành phố trình lại HĐND TP.

    Góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng phản đối việc thông qua tờ trình này vì cho rằng, UBND TP.HCM chưa làm rõ 2 lý do cơ bản khiến cho việc thu phí không đạt hiệu quả. Đó là do lỗi công nghệ và lỗi tổ chức thực hiện. Bà Quyết Tâm nhấn mạnh, sở Tài chính và sở Giao thông Vận tải TP.HCM nên đọc lại luật trước khi tham mưu cho UBND TP về việc giữ lại 100% nguồn thu.

    “Dù mình muốn để lại 100% nhưng giải trình và lý giải quy định pháp luật là phải đúng. Đề nghị cân nhắc cho kỹ. Tiền thu vô ngân sách đi đâu? Không phải là không có xe đỗ, không phải là không thu phí được. Vấn đề thu được nhưng tiền đó đi đâu? Phải trả lời trước nhân dân thành phố chuyện này. Chứ không có quyền chỉnh sửa nghị quyết. Phải căn cứ vào thực tiễn, sát với tình hình, rồi mới kiến nghị với HĐND”, bà Quyết Tâm phát biểu.

    Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng cần cân nhắc kỹ khi sửa Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018. Theo bà, việc thử nghiệm thu phí có mục đích điều chỉnh hành vi đỗ xe nơi công cộng và không phải mục tiêu cao nhất là thu ngân sách. Nhưng khi kết quả không đạt kỳ vọng, cần đánh giá việc triển khai kỹ lưỡng.

    “Minh chứng là có những điểm đỗ không kết nối được; người đỗ xe vẫn đỗ xe, người thu vẫn thu phí nhưng số thu không thể hiện được trong bảng tổng thu. Hai lỗi này không phải lỗi của nghị quyết. Chúng ta không đánh giá mà đi sửa nghị quyết thì không giải quyết được hạn chế tồn tại”, bà Tâm phát biểu.

    Trước đó, UBND TP.HCM có Tờ trình số 5081 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 01/2018 của HĐND TP.HCM ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn TP.HCM. Thực hiện theo Nghị quyết này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo sở Giao thông Vận tải và các lực lượng chức năng thu phí đỗ xe trên một số tuyến đường TP.HCM từ ngày 1/8/2018 đến nay. Kết quả cho thấy số tiền thu được càng ngày càng giảm.

    Cụ thể, trong 3 tháng đầu (8-10/2018), trung bình thu được 5,6 triệu đồng/ngày. Sang 2 tháng tiếp theo, trung bình thu được 2,1 triệu đồng/ngày. Trong 4 tháng của năm 2019, trung bình thu được chỉ còn 939.000 đồng/ngày. Tổng hợp từ 1/8/2018-31/10/2019, số tiền thu được từ phí đỗ xe của 3 quận (quận 1, quận 5, quận 10) là gần 2 tỷ đồng.

    Sử dụng nguồn này, UBND TP đã chi 125 triệu đồng cho chi phí sử dụng kho số; 152 triệu đồng cho chi phí kết nối nhà mạng; còn lại hơn 1,6 tỷ chi trả cho lực lượng thu phí. Cụ thể, hơn 1,6 tỷ đồng được chi cho 58 nhân viên thu phí trong 15 tháng. Tính ra, mỗi tháng một người chỉ nhận được 1,9 triệu đồng, chưa bằng lương cơ bản.

    Cần tìm giải pháp căn cơ, lâu dài

    Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiến đến xây dựng đô thị thông minh, hạn chế xe cá nhân vào trung tâm nội ô thành phố cũng như tình trạng ô tô đỗ xe “chây ì”, chật kín trên nhiều tuyến đường gây ách tắc giao thông, việc triển khai đề án thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường là cần thiết. Nhưng sau gần một năm, việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập về công nghệ phần mềm ứng dụng trên điện thoại vẫn bị lỗi. Người dân chưa có thói quen hoặc chưa thông thạo việc sử dụng công nghệ. Còn nhân viên thu phí thiếu trách nhiệm, lơ là; thậm chí cố tình “bòn rút” tiền thu ngân sách.

    Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, việc thu phí xe ô tô phải bám sát cung cầu của thị trường. “TP.HCM hiện đang thiếu trầm trọng bãi đậu xe ô tô công cộng. Các cao ốc, văn phòng, tòa nhà chủ yếu phục vụ việc đậu xe nội bộ cho các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký trước. Ngay cả đề án xây dựng 5 bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm được bàn cả chục năm, nay cũng chưa có cái nào được khởi công.

    Trong khi cung không đáp ứng mà cầu lại tăng phí cao, công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu sẽ tạo thêm rào cản với người dân”, ông Phạm Sanh cho hay. Theo đó, bản chất của đường sá là để các phương tiện di chuyển. Khi cho phép thu phí xe dừng, đậu thì tuyến đường đó đã trở thành bãi đậu xe. Việc các tuyến đường, dù ít di chuyển nhưng bị biến thành bãi giữ xe cũng là một bất cập, đi ngược lại với thực trạng đang thiếu hụt hạ tầng, diện tích đường giao thông ở TP.HCM.

    “Quan trọng hơn, đây chỉ là phương án tạm thời, không nên phát triển mở rộng thu phí bởi về lâu dài buộc phải xây dựng các bến bãi, nhất là bến bãi ngầm để xe chứ không thể sử dụng đường sá giao thông làm bãi đậu xe được. Như vậy sẽ khiến cho việc ùn tắc thêm phức tạp hơn”, ông Sanh nhận định.

    Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, với thống kê ít xe dừng, đậu ở các tuyến đường đang thu phí không phải là thông tin để kết luận đã hạn chế được phương tiện xe cá nhân ở khu vực trung tâm mà bởi các xe này sẽ tràn ra khu vực khác, đặc biệt là các đường hẻm và đường không thu phí. Nghĩa là, việc thu phí cao không giúp giảm số lượng xe bởi nhu cầu của người dân phải di chuyển. Nếu không đậu tuyến đường này họ sẽ tìm tới tuyến đường khác. Trong khi đó, cơ quan quản lý không thể thu phí ở tất cả các tuyến đường được.

    Ở góc nhìn khác, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận xét: “Do việc thu phí chưa thực hiện quyết liệt nên mục tiêu giảm ùn tắc chưa thể đạt được như mong đợi mà còn gây khó khăn, bất cập cho người dân. Chỉ khi giải pháp công nghệ thực sự tạo thuận lợi cho người dân chủ động tương tác trực tiếp việc thanh toán, thay vì phải thu phí thủ công giữa người với người như hiện nay thì việc thu phí mới thực sự minh bạch và công tác quản lý của Nhà nước mới chặt chẽ và khoa học. Công nghệ quan trọng nhất là công nghệ hiện đại, không có sự tương tác giữa người với người. Thứ hai phải có cơ chế giám sát bằng camera và bằng các cơ chế giám sát, để tạo ra sự kiểm tra chéo. Cuối cùng phải đặt ra chế tài cho sự vi phạm trốn vé. Nếu cần thực hiện công khai đấu thầu, để chọn ra người có dịch vụ tốt nhất cũng như có hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Minh Phong đánh giá.

    Tăng cường giải pháp để siết chặt hiệu quả

    Giám đốc sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, đang đánh giá để thực hiện các giải pháp thu phí tốt hơn trong thời gian tới. Thứ nhất, về việc tổ chức thu, chưa có chế tài nếu chủ xe không chấp hành đóng phí. Lý do là lực lượng tại hiện trường như công an, thanh tra giao thông không xử lý được vì vấn đề phí phải do cơ quan thuế, hành chính xử lý. Để giải quyết vấn đề này, sở GTVT sẽ tổ chức lại giao thông theo hướng cắm biển báo cấm dừng đỗ xe trên 8 tiếng/ngày ngoại trừ các phương tiện dùng ứng dụng đỗ xe. Sau khi cắm biển, chế tài xử phạt có thể thực hiện được.

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm áo in Đời sống & Pháp luật số 197

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-giu-lai-100-tien-thu-phi-do-xe-noi-cong-cong-tai-tphcm-phai-lam-ro-tien-da-thu-di-dau-a304572.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan