(ĐSPL) - Đây là ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về dự luật Phí, lệ phí diễn ra chiều ngày 6/4 vừa qua.
Thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao (như lệ phí hải quan)... nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu.
Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 6/4. |
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị dừng một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân, như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...; nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật Phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá.
Cũng theo quan điểm này, ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành một số luật chuyên ngành, trong đó có quy định thu một số khoản phí, lệ phí nên cũng cần phải bổ sung vào để thực hiện.
Do đó, dự thảo luật đề xuất bổ sung nhiều loại phí và lệ phí vào trong danh mục như: Phí công chứng (Luật Công chứng), Phí bay qua vùng trời (Luật Hàng không dân dụng), Lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ (Luật Cạnh tranh), Lệ phí cấp Giấy phép quy hoạch (Luật Quy hoạch)...
Riêng đối với thuế môn bài, ông Dũng cho biết, hiện đang thực hiện thu theo quy định tại Pháp lệnh Thuế công thương nghiệp. Số thu hàng năm khoảng 1.700 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương. Khi sửa đổi, bổ sung các luật thuế, một số ý kiến đề nghị bỏ thuế môn bài.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội cho rằng đây là nguồn thu ổn định cần bổ sung vào Luật Phí và lệ phí khi trình Quốc hội. Do đó, Ban soạn thảo dự thảo Luật Phí và lệ phí đề nghị bổ sung quy định lệ phí môn bài thu hàng năm vào Danh mục lệ phí.
Cũng tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ này, có nhiều quan điểm không đồng tình trong việc cơ quan thu phí được “giữ lại phần trăm”.
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự luật đề xuất quy định cơ quan thu phí được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội phát biểu ý kiến. |
Trả lời về vấn đề này, Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội phát biểu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự thảo Luật, nhưng đề nghị không quy định số để lại theo tỷ lệ (\%), mà căn cứ vào tính chất của từng loại phí trên cơ sở xác định chi phí tổ chức thu phí để xác định số để lại cho phù hợp.
Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không đồng tình với việc “trích lại ngay như thế”. Theo ông Lý, luật Ngân sách đã quy định ngân sách nhà nước phải được quản lý tập trung thống nhất và tất cả các khoản thu phải được nộp vào ngân sách. Sau đó các khoản chi cần thiết thì phải có cơ quan thẩm quyền phê duyệt và ngân sách cấp trở lại. “Do đó chúng tôi thấy rằng những vấn đề, những quy định liên quan đến phí, lệ phí cũng cần phải thực hiện như vậy”, ông Lý nhấn mạnh.
THIÊN AN (Tổng hợp)