(ĐSPL) - “Có thể những đề thi sau này, ngoài một số nội dung theo sách giáo khoa, cần hướng tới liên hệ thực tế đời sống, thông qua đó giáo dục cho thanh thiếu niên. Việc ra đề theo xu hướng mở sẽ thay đổi cách giảng dạy và nội dung truyền thụ của thầy cô giáo trong nhà trường”. Đó là nhận xét của PGS Văn Như Cương.
Ngày /6, gần 12.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015.
Đề thi môn Ngữ văn có cấu trúc 4 câu hỏi với thời lượng là 120 phút.
Đề thi văn lớp 10 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Điểm mới trong đề thi môn Ngữ văn là các câu hỏi đều mang tính chất đề mở. Đặc biệt trong đó câu 3 của đề thi có đoạn: “GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP.HCM), đã công bố kết quả cuộc điều tra xã hội cho thấy: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22\%, cấp II là 50\%, cấp III là 64\% và sinh viên là 80\%”. Cảnh báo về tình trạng nói dối ở học sinh, sinh viên hiện nay.
- Kẹt xe là không tránh khỏi. Vậy thì hãy nghĩ xem nếu mọi người ai cũng đi đúng làn đường, chờ đèn xanh một chút, cũng tắt máy (nếu kẹt xe cứng ngắc, chỉ có thể nhích từng chút một), không bấm còi xe (vì có bấm cũng vậy, người phía trước cũng có nhúc nhích tránh đường cho mình được đâu), không càu nhàu, chửi bới... (Trích báo Thanh Niên, Chủ nhật 22-6-2014). Cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông
- Nhìn vào hình bên (xem hình phía trên). Một cảnh báo về lối sống vô cảm.
Viết một bài văn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về một trong ba cảnh báo trên”.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mục tiêu ra đề thi môn văn năm nay là hạn chế học sinh học thuộc lòng máy móc. Chúng tôi không muốn đề thi chỉ đơn giản là phân tích một bài văn, một khổ thơ, là kiểm tra kiến thức của các em mà mong các em phải vận dụng được kiến thức đã học vào xử lý tình huống thực tế trong cuộc sống hằng ngày.
Sau khi kết thúc môn thi, cả học sinh và phụ huynh đều tỏ ra bất ngờ và có nhiều ý kiến tranh luận. Trong khi một số học sinh, phụ huynh bày tỏ sự bất ngờ và kêu khó thì rất nhiều người khác lại đánh giá đề quá hay, học sinh làm bài tốt.
"Đây là sự khéo léo của người ra đề"
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, PGS Văn Như Cương, Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cho biết hoàn toàn ủng hộ việc ra đề thi theo xu hướng mở.
"Tôi nghĩ việc ra đề như thế này sẽ giúp thay đổi cách giảng dạy trong nhà trường. Có thể những đề thi sau này, ngoài nội dung theo sách giáo khoa, sẽ luôn luôn hướng tới liên hệ thực tế, liên hệ với đời sống, thông qua đó giáo dục cho thanh thiếu niên. Điều này là rất tốt chứ không phải chỉ học trong sách vở. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách ra đề này”.
Cái mới mẻ nằm ở câu nghị luận xã hội 3 điểm. Đây là sự khéo léo của người ra đề. Hình thức có câu hỏi minh hoạ bằng hình vẽ làm cho học sinh thích thú, khơi gợi được sự sáng tạo của các em.
“Tuổi trẻ cũng phải nên suy nghĩ như thế nào ngay cả bản thân các em cũng phải nghĩ có cách nào để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông hay không, chứ không phải chờ để xã hội làm, tất cả những điều người khác làm. Hay những thái độ vô cảm….”. Thầy Cương cho biết không thể để học sinh thụ động, chỉ biết cắm đầu vào SGK mà không biết gì về biển đảo, tình hình giàn khoan, tình hình xâm lấn của Trung Quốc, có những liên hệ với thực tế, cảm xúc với đời sống hiện tại.
"Đây là bước đột phá trong việc ra đề thi"
Nhận xét về đề thi môn ngữ văn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cô Đặng Ngọc Phương, giáo viên môn ngữ văn trường THPT Amsterdam cho rằng. “Đây là một bước đột phá mới của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong việc ra đề thi năm nay mà Hà Nội chưa có”. Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi nhanh với cô Phương:
Với trình độ của học sinh lớp 9, việc ra đề thi như thế này có phù hợp hay không? Liệu các em có thể làm tốt phần thi của mình hay không?
Nhìn vào tổng thể cả đề thi với thời gian là 120 phút tôi có cảm giác hơi nặng cho học sinh.
Hai câu đầu nội dung tương đối đơn giản, đây là những vấn đề các em đều được học và ôn luyện rất kỹ.
Cái mới mẻ nằm ở câu nghị luận xã hội 3 điểm. Đây là sự khéo léo của người ra đề. Hình thức có câu hỏi minh hoạ bằng hình vẽ làm cho học sinh thích thú, khơi gợi được sự sáng tạo của các em.
Việc ra đề thi theo hướng thực tế khác hẳn với những gì các em được học trong sách vở liệu có đột ngột và các em không thể theo kịp?
Tôi không cho là đột ngột, vì trong chương trình lớp 9, học sinh được học ngoài các tác phẩm nghị luận văn học, thì phần nghị luận xã hội, người ta bàn về vấn đề nói dối, vấn đề giao thông, vô cảm. Đây là những vấn đề rất quen thuộc trong đời sống.
Ngoài ra về vấn đề đạo đức, tư tưởng. Các thầy cô trong quá trình dạy học đã nhắc đến rất nhiều cho nên không có gì là “sốc” và quá sức với học sinh.
Tôi tin với đề này, điểm học sinh sẽ không quá kém, nhưng nếu đạt điểm cao thì phải là những e rất sắc sảo.
Nếu cho rằng cách ra đề thi là tích cực và thực tế thì liệu có nên thay đổi cả chương trình học môn ngữ văn theo hướng này.
Chương trình học Ngữ văn cần phải đảm bảo tính cân bằng giữa một bên là chất văn chương, một bên là sự phát huy hiểu biết xã hội, nhận thức các vấn đề xã hội. Việc đưa hai mảng cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học vào trong đề thi theo tôi là hợp lý.
Tôi cho rằng cần có nhiều đề thi mang tính định hướng tốt để tạo nền tảng cho các em bày tỏ được suy nghĩ, quan điểm, hình thành nhân cách của người công dân.
Ngành giáo dục cả nước có nên phố biến cách ra đề thi như thế này vào các kỳ thi tuyển sinh hay không?
Bước đột phá lớn nhất trong môn ngữ văn là nằm ở câu 3 của đề thi. Đây là một sự khéo léo của người ra đề. Người ta đưa ra 3 vấn đề, học sinh có quyền lựa chọn, hứng thú với vấn đề nào, cái gì nó thiết thân với mình, hợp với suy nghĩ của mình sẽ chọn. Đặc biệt, đây là một câu hỏi minh hoạ bằng hình vẽ, nó làm học sinh thích thú, khơi gợi được sự sáng tạo.
Việc đưa hình minh hoạ đề thi là một hình thức rất thú vị. Tuy nhiên tôi cho rằng đưa hình minh hoạ cũng phải thận trọng, nếu áp dụng tràn lan cũng sẽ rất khó với kích cỡ in ấn của đề. Vì vậy, nếu muốn thay đổi thì phải cân nhắc thận trọng làm sao để cho phù hợp với chương trình.