Nói về thí điểm bỏ biên chế giáo viên, ĐBQH Lê Quân nêu quan điểm: "Đổi mới phải lấy giáo viên làm gốc. Đừng đổi mới mà để giáo viên cứ phản đối suốt thì gọi gì là đổi mới".
Thông tin Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên, "có ra - có vào" đã khiến dư luận, đặc biệt là đội ngũ giáo viên xôn xao bàn tán những ngày qua. Có rất nhiều giáo viên bày tỏ sự hoang mang, lo lắng bằng cách chia sẻ suy nghĩ gửi đến Bộ trưởng thông qua mạng xã hội.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Lê Quân, Phó Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội trước việc nhiều giáo viên đang lo ngại, đặc biệt là băn khoăn việc bỏ biên chế sẽ khiến trường học biến thành doanh nghiệp, xuất hiện “ông chủ - người làm công”.
PV: Thưa ông, dư luận, đặc biệt là nhiều giáo viên lo ngại trường học sẽ biến thành doanh nghiệp, xuất hiện “ông chủ - người làm công” trong ngành giáo dục khi thực hiện xóa bỏ biên chế giáo viên. Ý kiến của ông thế nào?
ĐBQH Lê Quân. |
ĐBQH Lê Quân: Phổ cập giáo dục phổ thông, đương nhiên phải trông chờ chủ yếu vào ngân sách. Xã hội hóa chỉ một phần rất nhỏ, chủ yếu ở các thành phố lớn. Trường học không thể thành doanh nghiệp được. Chẳng có đất nước, xã hội nào mà trường học phổ thông lại đi theo mô hình doanh nghiệp. Giáo dục phổ thông mà doanh nghiệp hóa chắc chắn không phù hợp.
Trong mọi trường hợp đổi mới, dù là hợp đồng hay biên chế phải đáp ứng được mục tiêu kể trên. Nếu chưa đáp ứng được, không đảm bảo ổn định xã hội, không đảm bảo tạo động lực cho nhà giáo thì không hoàn thành nhiệm vụ.
Giáo viên luôn luôn phải được đãi ngộ và trọng dụng. Quy định của Nhà nước phải rà soát, trên cơ sở ra được chế độ chính sách tốt nhất cho giáo viên, làm sao có cơ chế đánh giá và đào thải. Tuy nhiên, mọi chế độ chính sách và đảm bảo ổn định cho giáo viên.
PV: Nghề giáo gắn với sự nghiệp trồng người cao quý không phải làm công ăn lương đơn thuần, cần sự ổn định. Nếu “có ra có vào”, nghề giáo không còn đặc thù này nữa?
ĐBQH Lê Quân: Tôi nghĩ không thể đánh đồng. Một công việc đòi hỏi áp lực “có vào có ra” khác với không ổn định. Hệ thống đó đưa ra tiêu chí và phải đảm bảo được gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ. Nhà giáo làm việc cũng giống như các công việc khác, cần có trách nhiệm và nghĩa vụ hoàn thành công việc. Khi hoàn thành, đương nhiên phải được bảo vệ.
Còn trong trường hợp không đáp ứng được năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, với công việc nào cũng chấp nhận phải thay đổi. Đấy là nguyên lý chung. Không thể đánh đồng sự ổn định và có những yêu cầu cao hơn về chất lượng, năng lực.
PV: Nhiều đề án từng thí điểm thành công nhưng rồi thất bại khi triển khai đại trà. Dư luận đang quan ngại thí điểm bỏ biên chế giáo viên nếu thực hiện cũng sẽ “chung số phận”?
ĐBQH Lê Quân: Có những dự án thí điểm thành công nhưng thực hiện thất bại khiến dư luận xã hội lo ngại là đúng. Việc đổi mới là cần thiết, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh, đổi mới phải nhận được sự đồng thuận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xem xét cân nhắc, vì đổi mới mà không có sự đồng thuận thì không làm được. Đổi mới trước hết là vì giáo viên. Đổi mới phải lấy giáo viên làm gốc. Giáo viên hài lòng, ủng hộ thì mới đổi mới.
Dù có chuyển sang loại hình hợp đồng nào, dù có thực hiện bỏ biên chế giáo viên hay không thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc ổn định lâu dài cho giáo viên yên tâm. Nhưng không đánh đồng việc ổn định lâu dài với không hoàn thành nghĩa vụ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)