Mới đây, tại TP.Đà Nẵng, Tòa án Nhân dân tối cao - BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán.
Hội nghị đã đề cập đến Quy định của bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216); Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán (Tòa án Nhân dân Tối cao) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
Toàn cảnh hội nghị tập huấn. |
Thực tiễn giải quyết các vụ việc về BHXH, BHYT, BHTN của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy, số vụ việc khởi kiện bằng vụ án dân sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng giảm; năm 2018, có 115 vụ. Về xét xử các vụ án hình sự BHXH, BHYT, BHTN, trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, các hành vi gian lận, lừa dối, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN xảy ra có thể bị truy tố xét xử theo các tội danh khác được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, tham ô tài sản...
Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, đến nay ngành Tòa án chưa thụ lý, xét xử vụ án nào (trong các hồ sơ vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN được chuyển đến cơ quan điều tra năm 2018, chỉ có 02 vụ được khởi tố nhưng với tội danh khác).
Sở dĩ, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa vào cuộc mạnh mẽ như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó, có vướng mắc từ quy định của pháp luật, chờ hướng dẫn cả về việc áp dụng các điều luật của Bộ luật Hình sự trong xử lý tội phạm về BHXH, BHYT, BHTN và cả hướng dẫn về trình tự, thủ tục giải quyết.
Thu Hà