(ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài ở miền Trung đã gây thiệt hại về người; khiến nhiều nhà cửa, tài sản bị hư hại... đẩy nông dân vào cảnh trắng tay.
Tính đến sáng 8/11, theo thống kê của tổng cục Thủy lợi (bộ NN&PTNT), đợt mưa lũ những ngày qua ở miền Trung, Tây Nguyên đã làm 15 người chết, 6 người mất tích và 20 người bị thương, thiệt hại ban đầu lên đến gần 600 tỷ đồng... Bà con nông dân khóc ròng vì nông sản đã mất trắng trước ngày thu hoạch.
Tan hoang sau lũ
Sáng 8/11, trả lời PV báo ĐS&PL, đại diện chi cục Phòng chống thiên tai (PCTT) miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay, tính đến chiều 7/11, các tỉnh trong khu vực đã có 41 người chết, mất tích và bị thương do đợt mưa lũ từ ngày 30/10 đến nay, tăng 5 người so với báo cáo ngày 5/11. Theo đó, đã có 15 người chết (Quảng Bình: 3 người; Quảng Trị: 2 người; Bình Định: 2 người; Phú Yên: 7 người; Đắk Lắk: 1 người. 6 người mất tích (Quảng Bình: 1 người; Quảng Ngãi: 3 người; Phú Yên: 1 người; Kon Tum: 1 người và 20 người bị thương (Quảng Bình: 14 người; Quảng Trị: 2 người; Thừa Thiên - Huế: 1 người; Quảng Ngãi: 1 người; Bình Định: 2 người).
Theo các cơ quan chức năng, Bình Định cũng là tỉnh có số nhà bị sập do lũ nhiều nhất tại miền Trung. Tính đến thời điểm này, Bình Định có 189 căn nhà bị sập hoàn toàn, 116 căn bị thiệt hại từ 50 -70% cùng với gần 1.500 nhà dân bị ngập. Ở các xã ven biển của huyện Tuy Phước, xã nào ít cũng bị sập 10 nhà, xã nhiều cũng lên đến gần 50 nhà. Tất cả đều là những gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Đã gần 1 tuần trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (58 tuổi, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vẫn cặm cụi nhặt từng viên gạch, từng miếng ngói vụn từ căn nhà cấp 4 đã bị sập hoàn toàn sau trận lốc xoáy. “Đêm 3/11, tôi và con trai đang loay hoay dọn đồ chạy lũ thì gió mạnh bất ngờ thổi tốc vào nhà. Căn nhà rung chuyển, mái nhà xiêu vẹo. Hai mẹ con vừa ra khỏi cửa thì nhà đổ ầm, gạch ngói văng tứ tung”, bà Tâm bàng hoàng.
Theo ghi nhận của PV tại Phú Yên, đi đâu cũng chỉ còn lại cảnh tan hoang, xơ xác. Toàn tỉnh có 7 người chết, 10 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 10.000 căn nhà bị ngập, 18.000 người dân buộc phải sơ tán khẩn cấp ra khỏi vùng lũ... Tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Phú Yên được đánh giá là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ này.
Thiệt hại nặng nề do cơn lũ lịch sử gây ra. |
Có lẽ, thương tâm nhất là trường hợp của em Phan Nguyên Thi (15 tuổi, trú khu phố An Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Ròng rã mấy ngày nay, em đi như người mất hồn trên bờ vịnh biển Gành Đỏ với hy vọng sẽ tìm thấy thi thể cha mình là anh Phan Sơn (45 tuổi) bị lũ cuốn trôi... Nói chuyện với PV, em Thi òa khóc: “Mẹ em mất rồi, em chỉ còn bố thôi. Giờ bố em cũng bị lũ cuốn đi, không biết sống chết thế nào. Mấy hôm rồi em không ngủ được. Bố mà có mệnh hệ gì, chắc em cũng không sống nổi”.
Đứng trên nền gạch nứt toác, xung quanh ngổn ngang gạch đá, ông Nguyễn Văn Hải (SN 1969, khu phố Long An, thị trấn La Hai) thất thần chia sẻ: “Đêm mồng 2, lũ lên quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Nước lũ xoáy xiết khiến căn nhà đổ sập chỉ trong chốc lát, mọi người chỉ kịp thoát thân. Đến khi lũ rút thì toàn bộ gia sản chỉ còn lại một góc căn nhà bếp chưa bị sập. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn phải ráng dọn dẹp, rồi tận dụng góc nhà chưa bị sập để tổ chức hôn lễ cho con trai vì đã gửi thiệp và thống nhất với gia đình nhà gái rồi, không hoãn được”.
Theo thống kê, tỉnh Khánh Hòa có 2 người chết vì lũ. Lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm cháu Nguyễn Kiều Trinh (2 tuổi, trú tại thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) bị trượt chân ngã xuống sông Quán Trường, TP.Nha Trang mất tích vào sáng cùng ngày. Người nhà của bé cho biết, khoảng 8h30 ngày 5/11, mẹ cháu Trinh ra chợ mua đồ. Lúc này, chỉ có bé Trinh cùng chị gái mới 6 tuổi ở nhà. Trong lúc vui chơi, cháu Trinh đã không may trượt chân ngã xuống sông Quán Trường mất tích.
Nông dân trắng tay
Tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên), người dân đang điêu đứng khi tôm hùm, ốc hương sắp thu hoạch chết hàng loạt sau mưa lũ. Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nguyên nhân tôm hùm chết được xác định là do sốc nước lũ đổ về vùng nuôi. Tổng thiệt hại ước tính khoảng gần 40 tỷ đồng. Trong đó, riêng thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh đã có hơn 448.000 con tôm hùm của 229 hộ ở xã Xuân Cảnh bị chết, ước thiệt hại hơn 31 tỷ đồng.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Lê Văn Đoán (trú thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) buồn bã cho biết, gia đình nuôi 30 lồng tôm hùm nhưng giờ thiệt hại đã trên 80%. Bình thường loại tôm hùm xanh to có giá 1,7 triệu đồng 1 kg, nhưng khi yếu, sắp chết chỉ bán được 220.000 -550.000 đồng, nếu chết hẳn thì chỉ có nước đem ra chợ bán rẻ như cho không với giá từ 20.000 – 150.000 đồng/kg. Hiện tôm chết nhiều quá người dân không còn cách nào khác phải vớt lên rồi mang chôn...
Hiện ở Lâm Đồng, giá rau đang ở mức kịch trần. Theo ghi nhận tại chợ Đà Lạt, giá rau bán lẻ của các loại xà lách đã lên tới 40.000 đồng/kg. Các loại cà chua có giá 25.000-30.000 đồng/kg, cải ngọt 24.000 đồng/kg, bó xôi 40.000 đồng/kg, bông atiso tươi loại 1 có giá tới 170.000 đồng/kg, bắp sú 35.000 đồng/kg... Tất cả các loại rau củ, quả đều tăng từ 2 đến 5 lần so với bình thường. Tuy rau được giá nhưng người dân lại không còn rau để bán bởi tất cả đã chìm trong biển lũ...
Ông Nguyễn Văn Doanh (52 tuổi, trú xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) chia sẻ: “Toàn bộ 2ha rau xanh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mất trắng cả rồi. Phần lớn rau chìm sâu dưới nước, có chỗ tới 1,5m hiện đã thối, chỉ biết nhổ ủ làm phân thôi. Trước đó, ngày 4/11, chỉ trong chốc lát, nước lũ từ hồ thủy điện Đa Nhim đổ về nhấn chìm 6.000m2 bắp sú chỉ còn 10 ngày nữa là được thu hoạch. Cả trại rau gần 200 triệu giờ chỉ còn lại là một đống bùn đất...”.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy điện Đa Nhim xả lũ ước tính khoảng 3.500ha rau màu của người dân trong huyện bị ảnh hưởng. Trong đó, 1.000ha hoa màu đang vào thời kỳ được thu hoạch bị mất trắng.
Ngày 7/11, ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở ngành và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ lụt, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu đói cho người dân vùng lũ. Trước tình hình gần 11.200 hộ dân rơi vào cảnh thiếu lương thực, nhu yếu phẩm cho đời sống sinh hoạt sau lũ, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương xem xét, trợ cấp 1.100 tấn gạo cứu đói (hỗ trợ cho 11.200 hộ /33.600 nhân khẩu).
Quảng Bình lũ chồng lũ Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, người dân Quảng Bình phải 2 lần chạy lũ. Lũ chồng lũ khiến cuộc sống của họ khó khăn trăm bề khi ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa... tiếp tục bị lũ nhấn chìm trong biển nước. Theo thống kê của ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, trong đợt lũ lụt thứ hai, Quảng Bình có 3 người chết. Đó là trường hợp của anh Hà Thái Dương (SN 1993), trú thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa, (huyện Tuyên Hóa) bị nước cuốn trôi ứng cứu mưa lũ, xác anh Dương được tìm thấy cách chỗ trôi 15m. Trường hợp thứ hai là anh Nguyễn Văn Phượng (SN 1984) trú thôn 8 xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch. Anh Phượng tử vong trong lúc đi tìm trâu và bị nước cuốn, thi thể anh Phượng sau đó được tìm thấy tại khe nước thuộc xã Xuân Trạch. |
NGUYỄN HƯNG
Xem thêm video:
[mecloud]M9IOTExrUM[/mecloud]