Chất béo là một thành phần dinh dưỡng thiết yếu có trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Chúng được phân thành ba loại chính: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị rằng lượng calo từ chất béo bão hòa nên chiếm ít hơn 10% tổng lượng calo hàng ngày. Chất béo bão hòa thường có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật, chẳng hạn như thịt bò và thịt lợn.
Ngược lại, chất béo không bão hòa lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng có nhiều trong các loại thực phẩm như hạt hồ đào, quả phỉ, hạnh nhân, hạt vừng, hạt bí ngô, dầu ô liu và dầu hạt cải. Việc tiêu thụ chất béo không bão hòa có thể giúp giảm cholesterol xấu trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Chất béo chuyển hóa, mặt khác, được coi là không tốt cho sức khỏe. Chúng thường có hàm lượng cao trong các món nướng, đồ ăn nhanh và bơ thực vật. Tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa có thể gây hại cho tim, mạch máu và sức khỏe tổng thể.
Đối với những người khỏe mạnh và duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tình trạng thiếu chất béo thường hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể dẫn đến thiếu hụt chất béo, bao gồm rối loạn ăn uống, phẫu thuật cắt đại tràng, bệnh viêm ruột, xơ nang và suy tụy.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy cơ thể có thể đang thiếu chất béo:
Suy giảm hệ thống miễn dịch
Người ăn đủ rau, trái cây và carbs nhưng thường xuyên ốm có thể kiểm tra xem có nạp đủ chất béo không. Thiếu chất béo có thể dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng, làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Mất cân bằng nội tiết tố
Vitamin B12, vitamin D và selen cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thống nội tiết, nơi sản sinh ra các hormone. Cơ thể không có đủ các vitamin này do thiếu chất béo, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố và làm tăng nguy cơ tăng cân, kinh nguyệt không đều.
Mệt mỏi
Khi thiếu chất, cơ thể sử dụng các chất dinh dưỡng dự trữ. Người không nhận đủ chất béo có xu hướng ăn nhiều carb hơn, thường xuyên mệt mỏi vì đói.
Chậm lành vết thương
Cơ thể cần chất béo để tạo ra nhiều phân tử quan trọng kiểm soát phản ứng viêm. Chế độ ăn ít chất béo có thể phá vỡ phản ứng, dẫn đến vết thương lâu khỏi. Thiếu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D cũng khiến vết thương chậm lành hơn bình thường.
Thiếu vitamin
Cơ thể cần chất béo trong chế độ ăn uống để hấp thụ các vitamin tan trong chất béo. Thiếu vitamin có thể làm tăng nguy cơ quáng gà, nướu sưng, tóc khô, trầm cảm, đau cơ.
Viêm da
Chất béo cần thiết trong cấu trúc tế bào da, giúp da duy trì độ ẩm. Không có đủ dưỡng chất này trong chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, dẫn đến viêm. Viêm da thường biểu hiện dưới dạng phát ban khô, có vảy. Thiếu hụt omega-3 làm tăng nguy cơ mụn trứng cá, các tình trạng da liễu khác.
Đau khớp
Axit béo omega-3 có trong cá hồi, quả óc chó, cá ngừ, hạt lanh. Chất béo có khả năng chống viêm, giảm triệu chứng và phòng ngừa viêm khớp. Khả năng này của cơ thể suy giảm khi không đủ chất béo nên dễ dẫn tới đau nhức kéo dài.