(ĐSPL)- Người trong làng, ngoài xã vẫn không thôi bàn tán xôn xao về câu chuyện khó tin mà có thật, dù câu chuyện ấy xảy ra đã hơn nửa năm. Họ cho rằng, gia đình phải có phúc đức tích cả mấy đời mấy kiếp trước mới có được may mắn như thế. Bởi trong cuộc sống rất hiếm thấy có sự đoàn tụ sau cả một đời người.
80 năm nỗi đau ly tán
Câu chuyện mà chúng tôi nhắc đến ở trên là của gia đình ông Nhường, bà Tơ ở Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh. Tìm gặp bà Tơ tại nhà riêng vào một buổi chiều muộn, bà cởi mở chia sẻ với chúng tôi chuyện vui hiếm có của gia đình. Bà cười, nói vui với tôi rằng: “Có lẽ phải đưa chuyện nhà tôi vào danh mục chuyện lạ Việt Nam”.
Theo lời bà Tơ, ngày còn sống, bố chồng bà là cụ Ban thường nhắc với con cháu về hai người em gái đã thất lạc từ nhỏ. Thế nhưng, trời đất mênh mông, con người lại quá nhỏ bé nên tha thiết lắm, khát khao lắm mà chưa có cơ hội tìm lại được. Thông tin về hai người em gái lại quá ít ỏi vì ba anh em chỉ được sống với nhau chừng bốn đến năm năm thì cùng lạc mất nhau trong... một ngày.
Cụ Ban đã nhiều lần tâm sự với các con, các cháu về câu chuyện thất lạc đặc biệt của mình. Quê gốc của cụ vốn ở huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nhà có ba anh em, cụ Ban là anh cả, dưới cụ còn hai cô em gái. Ba anh em, mỗi người cách nhau chỉ năm một. Bố cụ là người ham đỏ đen nên ít có thời gian quan tâm đến gia đình. Trong một lần, mẹ cụ đi chợ xa, các con ở nhà với bố không được trông nom cẩn thận nên mỗi người đi lạc về một nơi.
Cụ Ban được một gia đình nông dân tốt bụng dắt về, hỏi thăm mãi không có ai nhận nên cứ vậy mà ở. Cho đến mãi sau này, khi có dịp tìm về gặp họ hàng mới hay gốc tích của mình thật éo le.
Cách đây gần 80 năm, phương tiện thông tin đại chúng không có, ba anh em quá nhỏ bé nên không nhớ nổi đường về nhà. Mẹ cụ đã khóc cạn nước mắt mà không tìm được đứa con nào. Một thời gian dài sau đó, bố của cụ lâm bệnh qua đời, mẹ cụ đi bước nữa, chuyện ba đứa con bị lạc cũng chìm dần vào quá khứ.
Trong trí nhớ của cụ chỉ còn lờ mờ hình ảnh hai cô em gái vẫn ngày ngày rong chơi cùng mình trên con đường làng. Thế mà chỉ trong phút chốc, mỗi người một nơi, chẳng thể nào tìm được nhau nữa. Đấy là điều day dứt đã theo cụ đến hết cuộc đời. Những năm kháng chiến, cụ cũng từng kinh qua nhiều chiến trường, mặt trận, cũng có dịp đi đây đi đó, gặp gỡ người này người khác. Đi đâu, ở đâu, gặp ai, cụ cũng tâm sự nỗi buồn lạc mất em, mong điều kỳ diệu xảy ra. Và rồi, điều kỳ diệu ấy đã đến!
|
Bà Tơ cởi mở chia sẻ chuyện vui của gia đình với PV. |
Niềm tin kỳ diệu và kết quả bất ngờ
Bà Tơ nhớ lại, vào thời điểm cuối năm 2013, cụ Ban không may gặp trận cảm nặng nên đã qua đời. Người em cùng mẹ khác cha của cụ tìm về kính viếng đã kể cho gia đình nghe về một người mà ông biết có khả năng đặc biệt. Vậy là sau khi lo hậu sự cho bố xong xuôi, anh em nhà bà Tơ tập trung lại, bàn bạc và thống nhất quyết định đi tìm bà cô bằng phương pháp tâm linh. Chia sẻ với PV, bà Tơ xúc động nói: “Nghĩ đến tâm nguyện của bố lúc còn sống, anh chị em trong nhà đều muốn thử một lần cho biết. Hơn nữa, bây giờ điều kiện kinh tế đã khá hơn, có một cơ hội tìm thấy là không thể bỏ qua được”.
ông Nhường, bà Tơ đã trực tiếp đến gặp nhà tâm linh thì được biết bà cô lớn vẫn còn sống, còn bà cô bé đã qua đời. Theo hướng chỉ dẫn, gia đình đã tìm đến huyện Lục Nam, Bắc Giang. Bà Tơ tâm sự: “Nói ra thì chẳng ai tin và người không thiện chí có thể cho rằng, chúng tôi là những người ngớ ngẩn. Bởi đi tìm người thân mà chỉ biết một dữ liệu mơ hồ là người thân còn sống và hướng đi có thể tìm thấy. Nhưng không hiểu sao, tất cả các anh chị em trong nhà khi đó đều nhất nhất đi tìm”.
Khi đi qua đoạn cầu Cẩm Lý, bờ bên kia của huyện Lục Nam thì mọi người dừng chân vào quán nước ven đường nghỉ ngơi và hỏi thăm. Run rủi thế nào, bà cụ bán nước lại kể đúng một trường hợp cụ bà năm nay đã gần 80 tuổi, thất lạc người thân từ nhỏ về đây làm con nuôi mà chưa từng có ai đến nhận họ hàng. Linh cảm thấy người nhà mình đã ở rất gần, mọi người nhanh chóng theo tay chỉ của bà bán nước tìm vào trong làng.
Vừa nghe tiếng gọi cổng, một cụ bà còn khá minh mẫn, nhanh nhẹn bước ra trả lời. Tất cả mọi người đều sửng sốt ngạc nhiên vì thấy cụ bà giống bố mình một cách kỳ lạ. Đặc biệt hơn, khuôn mặt của cụ giống hệt với một người con gái trong nhà tên Lời. Cảm giác ruột thịt thiêng liêng lắm đã xuất hiện. Tuy nhiên, mọi người vẫn cố giữ bình tĩnh trò chuyện với cụ bà để thử trí nhớ. Không ngờ, ký ức tuổi lên bốn của cụ vẫn còn hình ảnh người anh trai hay dẫn mình đi xem thầy giáo dạy học ở phía sân đình. Những gì cụ nhớ được rất giống với những câu chuyện ít ỏi mà cụ Ban khi còn sống vẫn kể.
|
Cả vùng quê yên bình xôn xao vì câu chuyện hi hữu. |
Chuyện hi hữu về cô Bé Lớn
Sau đó, gia đình đã kiểm nghiệm bằng hai mẫu máu của bà cô và một người em gái trong nhà thì trùng khít với nhau, chắc chắn là ruột thịt. Hai dòng máu hòa quyện vào nhau, quánh lại. Lúc này, nhìn mẫu máu, lại nhìn sang gương mặt của người cô giống bố mình như anh em sinh đôi, cả nhà cô Tơ đã hết thảy đều thốt lên: “Đúng là cô rồi, cô ơi”. Ai cũng xúc động nghẹn ngào, thắp hương lên ban thờ của bố mình, gửi niềm vui cho người đã về cõi khác”.
Gia đình bà Tơ đã làm mấy mâm cơm mời tất cả anh em họ hàng đến chứng kiến chuyện vui của gia đình. Từ đầu làng đến cuối làng, ai ai biết chuyện cũng tới hỏi thăm và chúc mừng. Những người biết cụ Ban đều trầm trồ ngạc nhiên vì bà Bé Lớn (tên gọi ngày bé của cụ bà thất lạc- PV) giống ông Ban như hai giọt nước.
Ngày đưa cụ về quê gốc ở Gia Bình để nhận họ hàng, mới tới đầu làng là cụ nhớ đường về nhà. Cụ đứng tần ngần hồi lâu ở nơi trường học trước đây cụ hay theo anh đi chơi rồi bị lạc. Nhiều ký ức của ngày xưa ùa về, cụ nhắc với con cháu nhiều chuyện mà như đang được sống lại tuổi thơ của mình.
Gặp lại con cháu, tìm được gốc tích bản thân, cụ mừng lắm và cũng ngạc nhiên: “Nhà gần thế này mà chẳng hiểu sao bao năm qua, bản thân mình lại không nhớ nổi”.
Câu chuyện hi hữu của gia đình bà Tơ đã khiến miền quê yên bình ồn ào hẳn lên. Người ta kháo với nhau rằng, nhà bà Tơ chắc phải tích phúc tích đức mấy đời của những kiếp trước thì nay mới được cái lộc to như thế. Vậy là tích được cái phúc đức lớn cho đời sau!
Điểm đặc biệt của anh em một nhà Theo lời vợ chồng bà Tơ thì khi cụ Ban còn sống, kể rằng, ngày bé, cô em thứ hai sau cụ thường hay bị bạn bè hàng xóm trêu đùa vì có ngón chân bên phải không thẳng như bình thường mà quặp vào một cách khác lạ. Bà Tơ nhớ lại: “Hôm tìm thấy cô là ngày rằm tháng Giêng đầu năm Giáp Ngọ. Trời khi ấy còn rét đậm, dù thấy cô có vẻ ngoài giống bố, cả mấy anh chị em đã mừng. Thế nhưng, ông Nhường chồng tôi vẫn xin phép cô cởi tất chân để được xem bàn chân bên phải. Chẳng ngờ, các ngón cũng quặp vào y như lời bố tôi vẫn nói”. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-hieu-chan-quap-va-cuoc-doan-vien-sau-80-nam-that-lac-a42511.html