Xung quanh việc đất "vàng" cổ phần hóa (CPH) Hãng Phim truyện Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nếu chuyển sang xây chung cư, siêu thị thì TP sẽ thu hồi đất hoặc nhà nước xác định giá đất theo giá xây dựng bất động sản...
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, tại cuộc họp báo chuyên đề về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 27/9, trả lời báo chí về tính pháp lý của những lô đất này sau khi CPH, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết nếu quy hoạch làm xưởng phim thì theo ông Tiến sẽ chỉ được làm xưởng phim. “Nếu quy hoạch chuyển sang xây chung cư, siêu thị... TP sẽ thu lại đất hoặc nhà nước xác định giá mới theo giá xây dựng bất động sản, có xác định rõ giá mặt tiền bao nhiêu. Khi đó, công ty CPH đủ tiền trả cho nhà nước theo phương án mới thì mới được sử dụng cho mục đích này. Không có tiền trả, đấu giá cho đơn vị khác khai thác đất”, ông Tiến nói.
Hãng phim truyện Việt Nam |
Trong khi đó, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) - cổ đông chiến lược và chiếm 65% cổ phần của hãng phim, cho biết trước mắt cổ đông chiến lược muốn chỉnh trang, tu sửa trụ sở hãng phim tại số 4 Thụy Khuê và sẽ dựng bảng nhận viết kịch bản thuê, làm phim thuê, sản xuất phim. Ông Nguyên cho hay Vivaso mong muốn được xây dựng rạp chiếu phim tại đây để chiếu các bộ phim của hãng cũng như các bộ phim của nước ngoài. Ông Nguyên chưa nói cụ thể về mục đích sử dụng với 4 mảnh đất mà Hãng phim truyện VN được giao hay thuê.
Cùng đưa tin về vấn đề này, báo Tiền Phong thông tin thêm, trong câu chuyện cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), Bộ Tài chính xác định trách nhiệm thuộc về các bên: Các công ty tư vấn phải có nhiệm vụ tư vấn cho doanh nghiệp cổ phần hóa; thẩm định giá phải khẳng định rõ có đúng giá trị đất đấy trong 10 năm nữa không chuyển đổi mục đích, chỉ xây dựng hãng phim, chỉ làm rạp chiếu phim thôi hay không. VFS cũng có trách nhiệm công bố rõ ràng mục đích sử dụng đất trong bản cáo bạch khi cổ phần hóa, mời gọi nhà đầu tư.
Ông Tiến cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của địa phương là Hà Nội và Bộ chủ quản là Bộ VHTT&DL trong việc quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị này. “Tới đây, Luật về quản lý tài sản công sẽ quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên liên quan”, ông Tiến nói.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trước đó, các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đã có đơn kêu cứu sau gần ba tháng hãng được Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại. Sau khi cổ phần hoá, Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là đơn vị nắm giữ 65% cổ phần chưa từng có kinh nghiệm về làm phim.
Trước hàng loạt sự kiện xoay quanh vụ việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo báo Tri thức trực tuyến, Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển. Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp. Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam. Năm 2016, Hãng phim Truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017. Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. |
(Tổng hợp)