Một "kho báu" cổ vật 1.800 năm tuổi vừa được phát hiện tại thành phố Rennes, Pháp, bao gồm các bức tượng nhỏ của nữ thần Venus (Vệ Nữ), lò nung gốm, tiền xu cổ và kim cài quần áo.
Địa điểm khai quật là một mỏ đá phiến sét cổ bị người La Mã bỏ hoang từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, sau đó biến thành bãi rác khổng lồ qua nhiều thế kỷ. Các nhà khảo cổ cho rằng những vật phẩm này có thể đã bị vứt bỏ vào thời cổ đại, nhưng sau 1.800 năm, chúng đã trở thành những cổ vật vô giá, đặc biệt là khi chúng được bảo quản trong tình trạng rất tốt.
Thành phố Rennes, nằm ở phía tây bắc nước Pháp, được thành lập vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên với tên gọi Condate Riedonum, một thị trấn của người La Mã. Các công trình kiến trúc của thị trấn cổ, bao gồm nhà cửa, tường thành và các tòa nhà công cộng, được xây dựng bằng đá, và một số cấu trúc vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Mỏ đá cổ kiêm bãi rác này được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Bảo tồn Quốc gia Pháp (Inrap) chú ý vào đầu tháng 3. Họ công bố rằng mỏ đá này có thể là nguồn cung cấp đá cho việc xây dựng thị trấn cổ.
Jason Farr, một nhà khảo cổ học chuyên về các mỏ đá cổ đại tại Đại học Saint Mary ở Halifax, Canada, và không tham gia vào cuộc khai quật này, đã đưa ra nhận xét: "Người La Mã nổi tiếng với việc phát triển các mỏ đá trên khắp vùng Địa Trung Hải. Phần lớn các mỏ đá trong thời kỳ La Mã hoạt động ở quy mô địa phương, cung cấp một lượng lớn đá xây dựng cho các thị trấn và nông trại lân cận. Người La Mã rất ưa chuộng việc sử dụng tường đá. Sau khi nguồn đá cạn kiệt, mỏ đá đã bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên và dần biến thành một bãi rác rộng lớn."
Tại địa điểm khảo cổ này, các nhà khảo cổ học của Inrap đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ của chậu và đĩa gốm, một số đồng xu, kim cài quần áo, và đặc biệt là một số bức tượng nhỏ bằng đất nung, trong đó có hai bức tượng mô tả nữ thần Venus (Vệ Nữ) trong các hình thái khác nhau. Vốn là nữ thần tình yêu trong thần thoại La Mã, Venus còn được xem là biểu tượng gần gũi với giới quý tộc và thường tượng trưng cho quyền lực của Đế chế La Mã.
Nhà khảo cổ học Jason Farr nhận xét: “Do vị trí gần các thị trấn, các mỏ đá thường được tái sử dụng nhiều lần. Ví dụ như mỏ đá lộ thiên thời Trung cổ (thế kỷ 14 đến 15) tại Rennes đã bị lấp hoàn toàn.”
Ngoài ra, các nhà khảo cổ Inrap còn phát hiện dấu tích của các công trình bằng gỗ, lò nướng và giếng, cho thấy khu vực này đã được tái sử dụng cho các hoạt động sản xuất thủ công.
Theo các nhà khảo cổ, bên cạnh giá trị của kho hiện vật cổ xưa, mỏ đá Rennes còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về kỹ thuật xây dựng và khai thác mỏ của người La Mã, những lĩnh vực mà họ nổi tiếng trên khắp thế giới. Rất nhiều mỏ đá tương tự đã được người La Mã khai thác trên khắp vùng Địa Trung Hải.