Từ bờ muốn lên cầu Suối Đục, chúng tôi phải lội xuống con suối đầy bùn nhão dưới chân và mực nước có nơi lên đến ngang đùi. Thế nhưng đến lúc này, mặt cầu vẫn chưa xuất hiện mà chỉ có thể cảm nhận nó dưới chân, nằm cách mặt nước chừng 20 - 40cm.
Mặc dù được đầu tư xây dựng cầu bê-tông nhưng hàng trăm hộ dân buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) muốn sang suối để sản xuất vẫn phải dùng thuyền hoặc lội dưới nước.
Cầu... chìm dưới nước
Được anh cán bộ địa chính xã Ea Na dẫn đến tận mép nước để chỉ cây cầu vừa được xây dựng tại buôn Tơ Lơ bắc sang suối Đục nhưng chúng tôi vẫn chẳng thể hình dung nổi hình dáng của cây cầu đó. Ở giữa mênh mông nước, cách bờ chừng 30m, có một tấm bảng đề “cầu Suối Đục”.
Để có thể bước lên mặt cầu, người đàn ông này phải lội xuống con suối sình lầy với mực nước có nơi cao lên đến nửa người. |
Từ bờ muốn lên cầu Suối Đục, chúng tôi phải lội xuống con suối đầy bùn nhão dưới chân và mực nước có nơi lên đến ngang đùi. Thế nhưng đến lúc này, mặt cầu vẫn chưa xuất hiện mà chỉ có thể cảm nhận nó dưới chân, nằm cách mặt nước chừng 20- 40cm. Khi đến đầu cầu bên kia, muốn vào bờ chúng tôi tiếp tục phải lội dưới nước thêm một đoạn nữa.
Tây Nguyên chưa vào trọng điểm mùa mưa lũ và mực nước đang dâng tại cầu Suối Đục là mực nước phổ biến trong mùa mưa. Ông Y Tâm, Trưởng buôn Tơ Lơ, cho biết: “Vào lúc lũ lớn thì nước tại cầu Suối Đục phải cao hơn hiện tại chừng 1 - 2m nữa”. Nếu đúng như phản ánh của ông Y Tâm thì vào mùa mưa cầu Suối Đục sẽ vĩnh viễn không thể “ngoi” lên khỏi mặt nước.
Cũng theo ông Y Tâm, bên kia cầu Suối Đục là hàng chục ha đất sản xuất của dân. Hơn nữa, từ buôn muốn lên thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana mà đi qua cầu Suối Đục thì gần hơn được 5km, rất thuận lợi cho người dân cũng như các em học sinh. Nếu cây cầu này phát huy được tác dụng vào mùa mưa thì đó là một niềm vui rất lớn của người dân. Nhưng “thôi thì đi được lúc nào mừng lúc đó. Họ cho vậy thì biết vậy chứ làm sao đòi hỏi được nữa”, ông Y Tâm buồn bã.
Khảo sát kỹ vẫn hụt cầu
Ông Hoàng Quang Tía, Chủ tịch xã Ea Na cho biết, từ khi xây dựng đến khi hoàn thành, xã không hề nắm được bất cứ thông tin gì về cầu Suối Đục. “Chúng tôi chỉ được Tỉnh đoàn cho biết sẽ xây một cây cầu cho buôn Tơ Lơ. Ngoài ra, các thông tin như tổng vốn đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị thi công… xã không hề nắm được”, ông Tía nói. Khi được hỏi về tuổi thọ của cây cầu khi phải thường xuyên ngâm dưới nước trong mùa mưa, ông Tía không bình luận gì mà chỉ cười.
Ông Hoàng Quang Tía: “Cầu chủ yếu phục vụ cho mùa mưa mà giờ đi không được thì cũng… kẹt. Thôi thì để đi vào mùa khô cho… vui vậy, chứ bây giờ đâu có thể đập đi xây lại”. |
Cầu Suối Đục do Tỉnh đoàn Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Nguồn vốn xây cầu được cấp từ Trung ương Đoàn Thanh niên theo Đề án thí điểm xây dựng cầu nông thôn. Theo ông Y Vinh Tơr, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, năm 2014, đề án này cấp 3,9 tỷ đồng để xây dựng 10 cầu cho các buôn, làng vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk. So với các cây cầu khác, cầu Suối Đục có kinh phí nhiều hơn cả (khoảng hơn 400 triệu đồng) do khẩu độ lớn (18m). Trước khi xây dựng, các công việc như khảo sát, thiết kế được tiến hành một cách kỹ càng. Khi khánh thành, bà con trong buôn rất vui mừng vì nó giải quyết được nhu cầu đi lại rất lớn cho họ.
“Qua trao đổi với anh em chuyên môn, tôi được biết là cây cầu có thiết kế tràn. Cho nên có lúc mưa to lưu lượng nước lớn không thoát kịp thì nước sẽ tràn qua cầu. Trước khi thiết kế, anh em có trao đổi với người dân để tìm hiểu về mực nước tại đây. Có thể cây cầu bị ngập là do những ngày qua có mưa lũ nên nước dâng cao bất thường”, ông Y Vinh cho biết.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Tươi, nhà ngay cạnh cầu Suối Đục, khẳng định mực nước hiện tại chỉ là bình thường trong mùa mưa. Nếu có mưa lớn, mực nước còn cao hơn rất nhiều lần. “Hiện, cây cầu đang còn được bảo hành nên hoàn toàn có thể yên tâm. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu phát hiện vấn đề gì về chất lượng công trình cũng như các vấn đề về kỹ thuật không đảm bảo sẽ yêu cầu nhà thầu làm lại”, ông Vinh nói thêm.