Từ Washington DC, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh có bài viết riêng cho Zing.vn về hiệp định TPP. Ông đánh giá cao tính “lịch sử” của hiệp định.
Các nhà đàm phán chụp ảnh trước phiên họp tại thành phố Atlanta, Mỹ, ngày 1/10 nhằm tìm được tiếng nói chung về hiệp định TPP sau nhiều lần vỡ kế hoạch. Ảnh: Reuters |
Hai tháng sau vòng họp bộ trưởng tại Maui (Hawaii, Mỹ), cũng là 2 tháng Mỹ và các nước tham gia TPP (Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương) khác quyết liệt thương lượng về điểm còn tồn đọng để quyết tâm hoàn tất TPP tại vòng họp bộ trưởng lần này ở Atlanta. Việc các bộ trưởng kéo dài thêm lịch họp sang cả thứ sáu và đến chiều tối thứ bảy 3/10, càng chứng tỏ quyết tâm đó.
Nếu TPP được hoàn tất tại Atlanta lần này, chắc chắn đây là một 'kỳ tích lịch sử'. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc mất tới 5 năm, với hơn hai chục vòng đàm phán quyết liệt và với không ít những dịp bị lỡ hẹn.
5 đặc thù của FTA thế hệ mới
Tính kỳ tích lịch sử, quan trọng hơn, có thể thấy ở những điểm đặc thù sau, mà chỉ TPP mới có:
Người ta coi TPP là hiệp định thương mại Thế kỷ thực sự là đúng nghĩa của nó. Nó đặc biệt đề ra những tiêu chuẩn rất cao, cả về thương mại, kỹ thuật, IP (sở hữu trí tuệ), môi trường, lao động... Và hiệp định không chỉ giảm thuế quan thông thường, mà giảm rất sâu (gần như bằng 0). Có thể coi đây là sự khởi đầu của các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới, mang tính thế kỷ.
Chúng ta có thể hình dung sẽ có một sân chơi mới bậc cao, cả về thương mại và chiến lược, được hình thành, và chỉ những ai có 'thẻ' mới được vào và được hưởng. Trong khi các sân chơi của thế kỷ trước đương nhiên vẫn đang tiếp tục 'cò cưa', nhưng sẽ dần mất tính hấp dẫn và nhất là sẽ ko còn tính 'định hướng và động lực' cho thương mại thế giới nữa.
Với tính định hướng và động lực đó, TPP lại tạo ra một không gian kết nối hai đầu Thái Bình Dương giữa Bắc Mỹ và Đông Á, là những khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới thế kỷ này, chiếm tới 40\% GDP thế giới và 1/3 thương mại toàn cầu. Người ta cho rằng, với đà này,10 năm nữa, đến 2025, TPP sẽ tạo mỗi năm thêm 1\% hơn nữa GDP toàn cầu, khoảng 220 tỉ USD/năm.
TPP xong, thì TTIP (hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương) sẽ được đà để hoàn tất, nối châu Âu với không gian TPP. Vậy là không gian TPP, hay sân chơi mới, bậc cao, chắc chắn sẽ càng là động lực và chiếm ưu thế trên bình diện toàn cầu.
Dịp này đạt TPP có thể coi là cơ hội 'chót chét' còn lại và không thể bỏ lỡ đối với TPP. Nếu không, chưa biết phải chờ ra sao và đến khi nào, do bầu cử sắp tới tại Canada trong tháng này và nhất là năm tranh cử đầy rủi ro chính trị ở Mỹ 2016.
Đại sứ Phạm Quang Vinh. |
Thỏa thuận có lợi
Nếu TPP xong tại Atlanta, tôi tin chắc đây sẽ là thỏa thuận có lợi cho tất cả và mỗi một nước tham gia, cả về thương mại, đầu tư và tạo việc làm.
Các nước chắc chắn sẽ phải chuẩn bị khẩn trương không kém khi đàm phán, cả về mặt lợi được hưởng và mặt thách thức phải phòng bị. Trước hết, các nước phải về thuyết phục nội bộ để phê chuẩn. Với Mỹ, tổng thống Obama, theo luật TPA (về đàm phán nhanh), sẽ phải công bố và chờ 90 ngày để quốc hội nghiên cứu, rồi mới ký phê chuẩn được.
Với Mỹ, áp lực thuận-nghịch về TPP cũng quyết liệt lắm, nhưng với tỉ lệ phiếu đạt được về TPA trước đây, có thể dự đoán, Mỹ sẽ trôi được về TPP, nhưng vất vả và với số phiếu sát sao.
Da giày là một trong những ngành có nhiều lợi thế khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực. Ảnh: Như Ý |
Quyết sách chiến lược của Việt Nam
Việt Nam tham gia TPP thực sự là một quyết sách chiến lược, từ một tầm nhìn chiến lược và lâu dài. Đây là một số nhìn nhận của tôi, dù trong ta vẫn có ý kiến khác:
TPP giúp ta khai thác được cả chiều rộng và chiều sâu của sân chơi mới của thế kỷ, cả về kinh tế, thương mại và chiến lược.
Việt Nam sẽ tiếp cận được một thị trường-không gian kinh tế mới rộng lớn, riêng Mỹ đã là 15.000 tỷ USD, mà không bị các rào cản như trước đây vì bị coi là nền kinh tế phi thị trường. Đặc biệt, không chỉ hàng hoá - sản phẩm mà cả nền kinh tế VN có được giấy chứng nhận mới bậc cao, được coi là visa (thị thực) để vào các thị trường khó tính và thu hút nguồn tiền - công nghệ của các nhà đầu tư hàng đầu.
Điều này quan trọng lắm, càng quan trọng khi, với tình hình kinh tế khu vực hiện nay và sau TPP, đã và đang có nhiều dịch chuyển các dòng đầu tư toàn cầu và khu vực, để ta tranh thủ. Từ đầu năm đến nay, tôi thấy các tập đoàn lớn của Mỹ có một háo hức mới, lớn lắm về đầu tư mới tại VN, trước cơ hội của TPP.
Thách thức lớn nhất của Việt Nam là làm sao chúng ta nâng được năng lực của mình lên ngang tầm để có thể tranh thủ được các cơ hội này. Chúng ta đã bàn nhiều, nhưng rõ ràng phải quyết liệt triển khai hơn nữa.
TPP kết thúc lúc này cũng trùng vào khi chúng ta đã và đang quyết liệt triển khai 'tích cực, chủ động hội nhập' toàn diện. Rõ ràng vừa là yêu cầu vừa là động lực để chúng ta đổi mới, cải cách và tái cơ cấu mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, có thể nói là phải mang tính đột phá. Cũng là lúc mà chúng ta có thể kết nối cơ hội của TPP với các FTA mà trong 1-2 năm vừa qua ta đã ký, trong đó có với EU.
Tôi tin vào công cuộc đổi mới, cải cách và hội nhập nói chung và khả năng tranh thủ TPP của chúng ta, dù còn nhiều khó khăn. Nhưng đây là thời cơ để đưa đất nước ta bứt phá về phát triển mà ta cần kiên quyết và nỗ lực làm.
Theo Tri thức trực tuyến
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]GPzRX93MdZ[/mecloud]