+Aa-
    Zalo

    Cục Y tế yêu cầu giám sát chặt tình hình viêm não virus và viêm não Nhật Bản

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cục Y tế dự phòng vừa có công văn yêu cầu triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm não virus trong đó có viêm não Nhật Bản

    (ĐSPL) - Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) vừa có công văn gửi Giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tích cực triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm não virus trong đó có viêm não Nhật Bản

    Tiêm chủng viêm não Nhật Bản ở Hà Nội

    Theo đó, cần kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế di chứng và tử vong đồng thời phòng chống lây chéo trong các cơ sở điều trị. Chỉ đạo việc rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỉ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.

    Sở Y tế các địa phương cũng cần tổ chức tập huấn về giám sát phát hiện, kỹ năng truyền thông và vận động cho cán bộ y tế cơ sở, phác đồ cấp cứu, điều trị để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.

    Theo thống kê mới nhất của cục Y tế dự phòng bộ Y tế, trong 5 tháng qua, cả nước ghi nhận trên 300 trường hợp mắc bệnh viêm não virus, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Ngoài ra, cả nước cũng ghi nhận gần 30 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản, trong đó chiếm trên 96\% là trẻ dưới 15 tuổi.

    PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng cho biết, biểu hiện chính của bệnh  là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ,  lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các virus khác mà ta chưa biết rõ,...

    Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus. Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta.

    Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có sốt và dấu hiệu nghi ngờ, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng, di chứng. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.

    Qua các nghiên cứu y tế cho thấy, trẻ bị viêm não nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỉ lệ thành công chiếm 94\%, số trường hợp có di chứng chỉ chiếm 6\%. Còn trong trường hợp bệnh nhân đến muộn sau 3-5 ngày khởi phát bệnh, tỉ lệ khỏi bệnh giảm chỉ còn khoảng 70\% và tỉ lệ di chứng, tử vong lên tới gần 30\%.

    ĐỖ THƠM

     


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuc-y-te-yeu-cau-giam-sat-chat-tinh-hinh-viem-nao-virus-va-viem-nao-nhat-ban-a96926.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.