Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Hà Thành (công ty Hà Thành – PV) có mã số thuế 0102283653, địa chỉ trụ sở: số 41D, tập thể đại học Thương Mại, phố Dương Khuê, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đại diện theo pháp luật là Giám đốc Vũ Thị Ngọc Lan.
Với tư cách nhà thầu, công ty Hà Thành đã tham gia 218 gói thầu, trong đó trúng 157 gói, tổng giá trị trúng thầu: 852.571.951.290 đồng. 100% các gói thầu của Hà Thành là trong lĩnh vực giáo dục.
Nếu tính theo danh sách mời thầu có số lượng trúng nhiều nhất thì có thể kể đến một số đơn vị như: trúng 7/7 gói tại sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Vĩnh Phúc tổng giá trị khoảng 167 tỷ đồng; trúng 4/4 gói tại sở GD&ĐT Hà Giang, Yên Bái và ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh (hàng chục tỷ đồng); trúng 5 gói tổng giá trị khoảng 94 tỷ đồng tại sở GD&ĐT Lai Châu…
Tại sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Hà Thành trúng 4 gói (3 gói năm 2019, 1 gói năm 2020) có giá trị lần lượt là: 42,8; 1,9; 5,7 và 6,5 tỷ đồng. Các gói này đều được ký phê duyệt bởi ông Nguyễn Thế Bình (với chức danh thời điểm đó là Phó Giám đốc (ký thay – 3 gói năm 2019) và Giám đốc (gói năm 2020).
Trong 4 gói thầu này có: gói 5,7 và 6,5 tỷ tiết kiệm 0 đồng, gói 1,9 tỷ tiết kiệm được hơn 15 triệu đồng, tương đương 0,81%. Các gói thầu đều được thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Một thông tin liên quan đáng chú ý, ông Nguyễn Thế Bình, với cương vị, trách nhiệm là Phó Giám đốc và Giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang, khi tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình Mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của Chính phủ trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016 - 2020), đã có vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí với số tiền lớn.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Bình trong quá trình tổ chức mua sắm, cấp trang thiết bị cho các trường học năm 2019 và 2020 đã có nhiều hành vi sai phạm. Thời điểm bị bắt tháng 1/2024, ông Bình vẫn đương nhiệm.
Bên cạnh đó, tại sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, công ty Hà Thành cũng trúng nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm gần như bằng 0. Ví dụ gói trang bị đồ chơi cho trẻ mầm non hơn 39 tỷ tiết kiệm được khoảng 179 triệu đồng, gói cung cấp đồ dùng cho trẻ mầm non hơn lớp 4 tuổi giá trị 6,7 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng (tỉ lệ tiết kiệm đạt 0,03%), hay có gói 4,6 tỷ đồng cũng chỉ tiết kiệm vài triệu sau quá trình đấu thầu.
Bên cạnh việc thực hiện nhiều gói thầu “siêu tiết kiệm”, công ty Hà Thành lúc thì liên danh, khi lại thành đối thủ với công ty TNHH Thuận Thành (Mã số thuế 0600341026; địa chỉ trụ sở: Số 345 đường Giải Phóng, phường Trường Thi, thành phố Nam Định, Nam Định).
Cụ thể, hai nhà thầu liên danh ở gói thầu 7,8 tỷ đồng của sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, gói 5,7 và 42,8 tỷ đồng ở sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, gói thầu số 03 của sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn và gói thầu trên 64 tỷ ở sở GD&ĐT Nghệ An. Thế nhưng tại gói thầu số 4: Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các trường mầm non ở phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thì Thuận Thành và Hà Thành lại đối đầu nhau và kết quả công ty Hà Thành chiến thắng.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì tỉ lệ tiết kiệm trong đấu thầu không được quy định con số cụ thể là bao nhiêu, thế nhưng tỉ lệ càng cao thì sẽ càng có lợi cho ngân sách. Thêm nữa, việc tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu cao cũng thể hiện rõ trách nhiệm tiết giảm ngân sách Nhà nước của chủ đầu tư – với vai trò quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, và ngược lại.
Điều đó cũng có nghĩa là, với tỉ lệ tiết kiệm ở mức “tượng trưng” gần con số 0% thì hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu sẽ khó đảm bảo.
Nhật Hạ