CQĐT có công văn yêu cầu Công ty Ba Son chuyển lại 250 tỷ đồng về tài khoản tạm giữ nhưng đến nay, Công ty Ba Son chưa thực hiện.
Tại phiên xét xử sơ thẩm đại án DongA Bank giai đoạn 2, chủ tọa phiên tòa tiếp tục xét hỏi Trần Phương Bình (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng (HĐTD) Ngân hàng TMCP Đông Á - DongA Bank) và 11 đồng phạm có hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 8.827 tỷ đồng.
Liên quan đến hành vi cho vay không đúng quy định đối với 4 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, M&C, Đồng Tiến, Tân Vạn Hưng) gây thiệt hại số tiền hơn 8.751/8.827 tỷ đồng (hơn 75 tỷ đồng còn lại là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), ngày 25/6, chủ tọa đã làm rõ hành vi phạm tội của Bình và đồng phạm trong việc cho nhóm khách hàng M&C vay sai, gây thiệt hại cho DongA Bank trên 3.949 tỷ đồng.
Ông Trần Phương Bình tại tòa ngày 25/6. Ảnh: VnExpress |
Ông Bình cho biết, năm 2007 được ông Lê Trọng Nhi - chuyên gia tài chính Việt kiều Mỹ giới thiệu gặp Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C).
Biết ông Khánh cần tiền đầu tư dự án Sài Gòn M&C (Sài Gòn One Tower, 34 Tôn Đức Thắng), ông Bình đánh giá DAB có thể thuê hoặc mua một phần để làm trụ sở, thuận tiện cho việc giao dịch kinh doanh, nên đồng ý tài trợ tiền.
Tổng giám đốc DAB cũng đề nghị cho ngân hàng và cá nhân mình mua cổ phần Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (công ty con, thực hiện dự án cao ốc).
DAB sau đó tài trợ vốn bằng hình thức cho Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C vay 679 tỷ đồng dài hạn. Đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay, một phần của dự án. Đồng thời, ông Bình cho một số cá nhân là nhân viên của Khánh đứng tên vay vốn để hợp tác đầu tư với Công ty CP M&C (công ty mẹ) thực hiện dự án với mục đích có thêm cơ hội mua sản phẩm khi cao ốc hoàn thiện. Việc này dẫn tới dư nợ của nhóm khách hàng M&C (gồm nhiều cá nhân và pháp nhân) tại DAB ngày càng lớn.
Ông Bình bị "sa lầy" vào các khoản nợ tại dự án này trong khi các công ty của Khánh không có khả năng trả nợ.
Để che giấu tình trạng nợ quá hạn quá cao, ông Bình yêu cầu Khánh tiếp tục vay để đảo nợ cho các khoản đến hạn.
Thời điểm này, ông Bình biết Công ty CP M&C còn ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Ba Son để đầu tư làm dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1). Tuy dự án mới được UBND TP HCM chấp thuận về chủ trương, nhưng ông Bình sau đó chỉ đạo các chi nhánh nhận tài sản hình thành trong tương lai là dự án khu Trung tâm phức hợp bao gồm tháp căn hộ phức hợp 38 tầng, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, để làm tài sản đảm bảo.
Tổng cộng, ông Bình đã chỉ đạo DAB cho 4 công ty thuộc nhóm khách hàng M&C vay 5 khoản với hơn 1.675 tỷ đồng.
Cuối cùng, ông Bình phải dùng pháp nhân công ty và cá nhân em vợ đứng ra vay DAB 250 tỷ đồng thay cho Khánh để đặt cọc cho Công ty TNHH Một thành viên Ba Son. Do Khánh không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thỏa thuận hợp tác, Công ty Ba Son sau đó thanh lý hợp đồng. Việc này khiến hợp đồng hợp tác giữa Công ty CP M&C và DAB chỉ là lập khống để hợp thức hóa hồ sơ vay.
Đến hạn, Công ty M&C không trả được tiền, ông Bình tiếp tục chỉ đạo nhân viên làm thủ tục vay khống cho công ty này 270 tỷ đồng để đảo nợ.
Đối với 250 tỷ đồng M&C chuyển cho DongA Bank, theo CQĐT đây là khoản tiền đầu tư trái pháp luật, là vật chứng vụ án, vì vậy, quá điều tra, CQĐT có công văn yêu cầu Công ty Ba Son chuyển lại 250 tỉ đồng về tài khoản tạm giữ nhưng đến nay Công ty Ba Son chưa thực hiện. Vì vậy, theo hồ sơ vụ án, CQĐT đề nghị cần tiếp tục yêu cầu Công ty Ba Son chuyển trả lại 250 tỷ đồng cho DongA Bank.
Vũ Đậu(T/h)