Công ty Emergex được thành lập tại Abingdon (Anh) vào năm 2016 với mục đích phát triển vaccine tế bào T, một sản phẩm trí tuệ của Giáo sư Thomas Rademacher, giám đốc điều hành công ty và là giáo sư danh dự về y học phân tử tại trường y Cao đẳng London.
Trong đó, vaccine của công ty này tạo ra các tế bào T có công dụng loại bỏ các tế bào bị nhiễm bệnh khỏi cơ thể cách nhanh chóng sau khi lây nhiễm virus, qua đó ngăn chặn sự nhân lên của virus và nguy cơ bệnh diễn tiến nặng. Khác với các kháng thể được tạo ra bởi vaccine ngừa COVID-19 hiện tại thường dính vào virus và ngăn virus lây nhiễm sang các tế bào khác, vaccine tế bào T sẽ tìm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus.
Những loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca cũng có thể tạo ra phản ứng tế bào T nhưng ở mức độ thấp hơn.
Sản phẩm của Emergex đã được Thuỵ Sĩ "bật đèn xanh" cho các thử nghiệm đầu tiên lên người ở Lausanne bắt đầu từ ngày 3/1 vừa qua. Theo đó, giai đoạn thử nghiệm đầu tiên sẽ có sự tham gia của khoảng 26 người. Kết quả ban đầu dự kiến sẽ có vào khoảng tháng 6/2022.
Robin Cohen, giám đốc thương mại của Emergex, cho biết: "Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý phê duyệt đưa vào thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine với mục đích duy nhất là tạo ra phản ứng tế bào T".
Các vaccine ngừa COVID-19 hiện tại chủ yếu tạo ra phản ứng kháng thể suy yếu theo thời gian, có nghĩa là mọi người cần sẽ cần tiêm thêm liều vaccine tăng cường để duy trì sự bảo vệ chống lại virus. Tuy nhiên, vaccine của Emergex hoạt động theo cách khác, thông qua loại bỏ các tế bào bị nhiễm bệnh một cách nhanh chóng. Ông Cohen giải thích điều này có nghĩa là vaccine của Emergex có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu hơn, có thể lên tới hàng thập kỷ, và cũng có thể chống lại các đột biến virus tốt hơn.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tuần trước cho thấy một số người bị virus xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, tế bào T của hệ thống miễn dịch đã loại bỏ các tế bào nhiễm virus ở giai đoạn sớm nhất. Các nhà khoa học cho biết phát hiện này có thể mở đường cho một thế hệ vaccine mới nhắm kích thích phản ứng của tế bào T, tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài hơn nhiều.
Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Imperial College London, cho biết ông nghi ngờ rằng vắc xin tế bào T "có thể tự thực hiện công việc của mình" nhưng nói thêm rằng vaccine có thể đóng vai trò bổ sung, theo phương pháp kết hợp với các loại vaccine khác như một liều vaccine tăng cường.
Ông chỉ ra các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA như của Pfizer/BioNTech hoạt động rất hiệu quả vì chúng tạo ra phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ. Trong đó, vaccine của Pfizer cũng đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại COVID-19 cao hơn so với vaccine AstraZeneca, loại vaccine tạo ra phản ứng tế bào T mạnh hơn.
Ông Altmann lưu ý rằng ý tưởng về vaccine tế bào T không phải là mới. Trước đây, Giáo sư Sarah Gilbert đến từ Đại học Oxford, người đã phát triển vaccine AstraZeneca, đã nghiên cứu vaccine tế bào T để điều trị bệnh cúm trong hơn một thập kỷ.
Trong khi đó, ông Cohen cho biết phần khó khăn của nghiên cứu là tìm ra cơ chế đưa vaccine Emergex đến hệ thống miễn dịch. Theo đó, Giáo sứ Rademacher và nhóm của ông đã giải quyết các hạt vàng nhỏ được phủ trong peptit (các bit của protein) được thiết kế để tạo ra phản ứng của tế bào T trong cơ thể.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học thống nhất sử dụng vaccine dưới dạng miếng dán trên da có kích thước bằng đầu ngón tay cái với các đầu kim siêu nhỏ. Vaccine dạng miếng dán có thể được bảo quản trong 3 tháng ở nhiệt độ phòng, không giống như các loại vaccine khác cần được bảo quản trong ngăn đá hoặc tủ lạnh.
Thử nghiệm sẽ được tiến hành bởi Giáo sư Blaise Genton từ trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ. Giáo sư Genton đã dành lời ngợi khen và gọi vaccine dạng miếng dán là "cách tiếp cận khoa học thú vị".
Theo ông Cohen, vaccine của Emergex có thể sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2025, theo đúng thời gian của quy trình sản xuất vaccine. Ông giải thích trong năm 2020, vaccine ngừa COVID-19 đã được phát triển trong vòng vài tháng khi quy trình quản lý được đẩy nhanh nhưng hiện nay, tình trạng khẩn cấp đã qua.
Minh Hạnh (Theo Guardian)