Mưu sinh nhọc nhằn giữa mùa dịch
Những ngày qua, người dân thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 17 về giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết hoặc đi mua thực phẩm, thuốc men.
Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người lao động phải làm việc ngoài đường, đối mặt với bao nguy hiểm, trong đó có những công nhân vệ sinh môi trường. Ngoài nỗi lo môi trường độc hại, ô nhiễm, hiểm nguy khi làm đêm thì giờ đây, họ nặng trĩu trong lòng nỗi bất an nguy cơ lây nhiễm bệnh.
18h là khoảng thời gian thành phố lên đèn, mọi người đi lại nhộn nhịp. Nếu như trước kia, ai cũng vội vàng, hối hả ghé qua chợ mua đồ chuẩn bị cho bữa tối thì giờ đây, đường phố vắng tanh, lác đác bóng người qua lại, chỉ còn những chú công an đang làm nhiệm vụ. Mọi người đi đường đều phải thông báo lịch trình di chuyển, lý do ra ngoài tại chốt kiểm soát dịch bệnh.
Bà Đỗ Thị Thu (58 tuổi, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Tôi làm ca chiều từ 14h đến 22h. Khu vực làm việc tại các phường Xuân La, phường Xuân Đỉnh. Kể không hết những nhọc nhằn cô ạ, lúc chiều thì trời nắng chói chang, thời tiết oi ả, còn khi đêm xuống thì nỗi lo gặp thành phần xấu ập tới. Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, chúng tôi còn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao”.
“Ngoài mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo găng tay, tôi luôn chuẩn bị thêm: Nước muối, dung dịch rửa tay, cồn sát khuẩn, nước uống. Khi bắt tay vào công việc và lúc nghỉ giải lao, tôi đều rửa tay rồi sát khuẩn lại bằng cồn, súc miệng bằng nước muối. Ngoài ra, tôi tránh tiếp xúc với người lạ, đảm bảo đứng xa 2m”, bà Đỗ Thu cho biết.
Còn chị Nguyễn Hương (46 tuổi, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) chia sẻ: “Làm nghề này rất vất vả, độc hại, phải tiếp xúc với nhiều người. Trong thời gian dịch bệnh phức tạp thì mức độ lây nhiễm càng cao. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, chúng tôi đành chấp nhận. Khi về nhà, tôi khử khuẩn cơ thể cẩn thận. Tôi chỉ lo sợ mình mang virus độc hại về cho gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe chồng con. Tôi thường mang hai khẩu trang: Khẩu trang vải ở trong, khẩu trang y tế ở ngoài. Cứ 2 ngày, sẽ giặt khẩu trang vải để đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Việc đầu tiên khi về nhà là rửa tay chân ngoài sân, sát khuẩn bằng cồn, khò miệng bằng nước muối".
Chị Nguyễn Hương cũng cho biết hiện tại, cuộc sống của chị rất khó khăn. Trước kia, khi chưa giãn cách xã hội, hai vợ chồng mở một cửa hàng ăn sáng nhỏ để trang trải sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, đã hơn một tháng nay, cửa hàng đóng cửa, mọi chi tiêu đều đổ dồn lên đôi vai gầy. Gia đình 6 người chỉ biết trông cậy vào đồng lương ít ỏi của chị. Chị Nguyễn Hương lo lắng nếu bản thân mắc bệnh hay kiệt sức thì cha già và các con không biết sẽ sống thế nào?
“Còn việc là còn miếng cơm…”
Với bao bộn bề lo toan nhưng họ - những công nhân vệ sinh vẫn miệt mài lao động để giúp đường phố luôn sạch đẹp. Họ cũng chỉ biết bảo vệ bảo thân bằng các biện pháp đơn giản.
Tuy cuộc sống vất vả nhưng họ luôn nở nụ cười lạc quan. “Còn việc là còn miếng cơm rồi, ngoài kia có bao nhiêu người mất việc, thất nghiệp, bị cắt giảm lương rất nhiều. Tôi còn đi làm là còn có tiền trang trải cuộc sống cho gia đình. Thời điểm khó khăn này, cố gắng tằn tiện, chắt bóp chi tiêu thì cũng tạm đủ ăn”, chị Nguyễn Hương cho biết.
Còn chị Trần Thơm (40 tuổi, phường Xuân Tảo) thấm nhanh những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt, bất an chia sẻ: “Thu nhập của tôi là 6 triệu đồng/tháng, nhà có 4 người nên phải chắt bóp chi tiêu cô ạ! Tôi chỉ mong ngành nghề của mình không bị cắt giảm trong mùa dịch. Nghề này đối mặt với bao hiểm nguy, môi trường làm việc độc hại, nếu cắt giảm lương thì tội nghiệp cho phận nghèo chúng tôi”.
Bà Đỗ Thị Thu cũng chung nỗi niềm bất an trong lòng. Do thành phố mới giãn cách gần 2 tuần, đến cuối tháng mới nhận lương nên bà chưa biết chế độ có bị ảnh hưởng không. Bà Thu mong muốn công ty vệ sinh môi trường sẽ quan tâm đến đời sống của công nhân, có các biện pháp hỗ trợ kịp thời trong tình hình dịch bệnh COVID -19 phức tạp để công nhân vệ sinh môi trường yên tâm làm việc.
Những công nhân môi trường làm ca tối thường về rất muộn, có hôm họ làm việc đến 1-2h đêm nên luôn lo lắng trước tình trạng cướp bóc. Vừa qua, khi nghe tin một chị lao công ở phường Đại Mỗ bị kẻ xấu cướp đi chiếc xe máy, họ vô cùng sợ hãi, thấp thỏm không yên. Ngay sau đó, chị lao công được trao tặng chiếc xe mới, họ lại cảm thấy yên tâm bởi xã hội vẫn dành sự quan tâm đối với ngành nghề vất vả này, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.
Ứng Hà Chi