(ĐSPL)- Đó là ý kiến được Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ra trong phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14/8) về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi.
Công chức, viên chức cũng phải đi NVQS
Theo ông Thanh, quy định hiện nay chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên. Những người đang làm công chức, viên chức còn lại không được miễn.
Tuy nhiên, thực tế theo ông Thanh, đi nghĩa vụ quân sự có tới 90\% là con em nông dân, còn các cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong đội ngũ chính trị, xã hội gần như không tuyển. “Tới đây chúng ta sẽ phải xem lại vấn đề này để đảm bảo sự công bằng. Và từ năm 2015 trở đi chúng ta sẽ tập trung gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự” – ông Thanh nhấn mạnh.
Nâng thời hạn phục vụ tại ngũ lên 24 tháng
Nội dung mới đáng chú ý trong Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) là nâng thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ lên 24 tháng; đối với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân vẫn là 24 tháng như quy định hiện hành.
Nhiều ý kiến tán thành Nâng thời hạn phục vụ tại ngũ lên 24 tháng để nâng cao chất lượng huấn luyện. |
Giải thích về sự thay đổi này, dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, báo VOV cho biết, hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.
Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao như: cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, công tác dân vận..., đã ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Vì vậy, thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Ngoài ra, do hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng), nên hằng năm phải tổ chức tuyển quân, giải quyết xuất ngũ hai đợt đã chi phối, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của Quân đội, các địa phương, đơn vị, gây tốn kém về vật chất và thời gian.
Đa số các ý kiến cũng tán thành việc nâng mức thời hạn phục vụ tại ngũ lên 24 tháng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ là 18 tháng như Luật hiện hành và giảm thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên môn kỹ thuật từ 24 tháng xuống 18 tháng để đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong khi đó cũng có ý kiến đề nghị giảm thời hạn phục vụ tại ngũ đều xuống 12 tháng.
Thường trực Ủy ban thấy rằng, đây là nội dung rất quan trọng của Luật NVQS, cần có đánh giá tác động khách quan, khoa học và toàn diện hơn các mặt thuận lợi, tích cực và khó khăn, hạn chế của mỗi phương án để có sự lựa chọn phù hợp hơn.
Thu hẹp đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự
Về đối tượng tạm hoãn gọi công dân nhập ngũ thời bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ.
Cụ thể như thông tin trên báo Zing cho biết, trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội có nêu: “Một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ, công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chưa nhiều (chỉ chiếm 4,94\%) và có xu hướng giảm; con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông (trên 80\%) và có xu hướng tăng; tỷ lệ con em là người dân tộc còn thấp (khoảng 14\%).
Trong điều kiện số công dân nhập ngũ hàng năm chỉ chiếm 0,12\% tổng dân số và 5,87\% tổng số công dân nam trong độ tuổi 18-25 nhưng vẫn có địa phương cho phép điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để bù cho đủ chỉ tiêu được giao…
Tỷ lệ công dân có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 0,64\% tổng số thanh niên nhập ngũ hàng năm trong khi tổng số sinh viên trung bình trong các năm gần đây luôn ở khoảng trên 1,5 triệu người (chiếm 50\% tổng số công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự”.
Do đó, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Việc thu hẹp diện được tạm hoãn này là để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đối với công dân đang học chương trình đào tạo đại học được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ.
Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi xuất ngũ được các nhà trường tiếp nhận lại.
Từ quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn là hợp lý để bảo đảm công bằng xã hội, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu các ý kiến để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật giáo dục.
Đồng thời, tại phiên họp sáng nay, đa số ý kiến trong ủy ban Quốc phòng và an ninh cũng đề nghị nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ (hiện nay là từ 18 tuổi đến 25 tuổi) để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, khắc phục tình trạng như thời gian qua gọi nhập ngũ chủ yếu chỉ tập trung vào con em nông dân, tỷ lệ gọi số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.