Nếu giữ nguyên tình tiết như trong truyện gốc, chắc hẳn tuổi thơ của biết bao đứa trẻ trên thế giới sẽ bị những bộ phim hoạt hình cổ tích của Disney "đầu độc".
Nàng tiên cá bị mụ phù thủy làm việc không ngờ
Trong đoạn kết của Nàng tiên cá, bộ phim từng góp phần giúp Disney hồi sinh, nàng tiên cá Ariel lấy lại được giọng nói của mình, mụ phù thủy biển Ursula bị giết chết còn Hải vương Triton biến con gái thành người thường, để cô có thể sống hạnh phúc mãi mãi bên hoàng tử - một người phàm.
Tuy nhiên, câu chuyện gốc của tác giả Hans Christian Andersen, ra mắt hồi năm 1837, lại không đẹp đẽ như vậy. Thay vì sử dụng ma thuật để lấy đi giọng nói của nàng tiên cá như trên phim, mụ phù thủy đã cắt lưỡi của cô.
Đôi chân mới khiến cô cảm thấy như ngàn mũi dao đâm mỗi khi bước đi và cay đắng hơn, hoàng tử đã đem lòng yêu một người con gái khác. Nếu nàng tiên cá giết chết hoàng tử, cô sẽ lấy lại được chiếc đuôi cá của mình. Nhưng cuối cùng, cô đã để chàng kết hôn với người khác, còn bản thân thì gieo mình xuống đại dương xanh, tan thành bọt biển - về bản chất chính là tự tử.
Chú bé người gỗ Pinocchio bị treo cổ
Pinocchio là một trong những bộ phim hoạt hình đầu tiên của Disney ra đời vào năm 1940. Tác phẩm kinh điển này dựa trên câu chuyện ngắn The Adventures of Pinocchio do Carlo Collodi viết vào khoảng năm 1981-1982. Cả hai phiên bản đều xoay quanh chú bé người gỗ được ban cho sự sống với chiếc mũi dài ra mỗi khi nói dối. Đồng thời, cậu nhóc đáng mến cũng được một chú dế dạy cho những bài học đạo đức ý nghĩa.
Nhìn chung, cả hoạt hình và truyện đều muốn khuyên bảo trẻ em phải nghe lời người lớn. Tuy nhiên, trong khi Pinocchio của Disney sớm nhận ra lỗi lầm và được thưởng, phiên bản trong câu chuyện gốc lại lì lợm tới cùng và phải nhận hậu quả. Trong cơn nóng giận, chú nhóc xấu tính đã giết chết người bạn dế của mình. Khi cậu bị cháy sau đó, linh hồn chú dế đã hiện về để khuyên lơn nhưng tiếp tục bị ngó lơ. Sau cùng, cậu bé người gỗ chịu hình phạt đau đớn thấu trời là bị treo cổ.
Esmeralda bị tra tấn và treo cổ
Khi chuyển thể cuốn tiểu thuyết Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo (viết năm 1831) thành phim, dù vẫn có những khoảnh khắc đen tối nhưng các nhà làm phim Disney đã cho ra đời một tác phẩm chấp nhận được với thiếu nhi.
Tại đó, nhân vật thằng gù Quasimodo rời bỏ nhà thờ, trở thành người hùng của nhân dân và nhân vật Esmerald rời đi cùng Thuyền trưởng Phoebus, với sự chúc phúc của Quasimodo.
Tuy nhiên, tác giả Victor Hugo không phải là người tình cảm đến vậy. Trong truyện gốc, Esmeralda bị đổ oan tội âm mưu giết người, bị tra tấn và treo cổ, còn nhân vật phản diện Frollo đứng cười hả hê.
Sau đó, Frollo đã bị Quasimodo trả thù bằng cách đẩy từ tầng cao của Nhà thờ Đức Bà xuống đất và chết. Cuối cùng Quasimodo, với tình yêu lớn lao dành cho Esmeralda, đã ngồi gục bên mộ nàng và ở đó cho đến chết.
Công chúa ngủ trong rừng bị xâm hại
Bộ phim hoạt hình ra mắt năm 1959 này đã thay đổi gần như hoàn toàn so với nguyên tác của Giambattista Basile cách đó gần 300 năm. Bản gốc của Sleeping Beauty đen tối tới mức ngay cả Maleficent (2014) cũng khó mà sánh bằng. Trong truyện, nàng công chúa "ham ngủ" thay vì gặp hoàng tử Philip điển trai thì đổi lại là một lão vua già.
Không phải bằng một nụ hôn của tình yêu đích thực, lão già kia đã cưỡng bức cô rồi bỏ đi. Talia sau đó mang thai và hạ sinh một cặp sinh đôi ngay trong lúc còn hôn mê. Một trong hai đứa trẻ vô tình mút ngón tay của cô từng bị kim đâm trúng, giúp nàng công chúa giúp tỉnh lại. Không biết có phải may mắn hay không, vị vua độc địa kia không hiểu sao lại quay trở lại và cưới Talia làm vợ.
Peter Pan là kẻ giết người
Bộ phim này cũng có khá nhiều khác biệt so với phiên bản truyện gốc, dù vẫn giữ những nét nguyên bản của câu chuyện, kể về một cậu bé nghèo khổ, những đứa trẻ biết bay và một kẻ độc ác với bộ râu xoăn tít.
Trong tác phẩm gốc của J.M. Barrie, Peter Pan được khắc họa là kẻ bất ổn về tâm lý, lúc theo phe này, lúc ngả về phe khác trong cuộc chiến chống lại bọn hải tặc, chỉ bởi vì cậu ta thích thế.
Ngoài ra, trong truyện gốc, Barrie còn viết rằng thi thoảng Pan sẽ tinh giảm số lượng Những cậu bé đi lạc (Lost Boys), nếu chúng quá đông hoặc quá già. Như thế Barrie ám chỉ rằng Pan đã giết chết các nạn nhân, dù cô tiên Tinkerbell không chấp nhận điều này.
Hai cô em của Lọ Lem cắt ngón chân để đi vừa giày
Có rất nhiều dị bản về Cinderella nhưng Disney lại lựa chọn chuyển thể từ phiên bản của anh em nhà Grimm vào năm 1812. Cốt truyện cũng kể về cô gái được bà tiên hóa phép cho bộ trang phục tuyệt đẹp để gặp hoàng tử. Thế nhưng, Lọ Lem lại để quên chiếc giày khi phép thuật hết linh nghiệm.
Hoàng tử khi ấy bèn ra lệnh sẽ cưới cô gái nào đi vừa chiếc giày. Vì muốn trở thành vợ hoàng tử, hai cô em gái của Lọ Lem thậm chí còn cắt đi ngón chân chỉ để mang vừa giày. Nhưng khi nhìn thấy máu và nghe những chú chim mách bảo, hoàng tử nhanh chóng nhận ra sự thật và vẫn cưới Lọ Lem. Về phần hai cô em gái, họ vừa mất đi ngón chân vừa bị những chú chim mổ mù mắt.
Hercules giết con đẻ của mình
Phiên bản điện ảnh khắc họa Hercules là một thanh niên mạnh mẽ, thường xuyên làm những việc thiện, đánh bại những kẻ xấu xa như Vua âm phủ Hades cùng tay sai. Kết thúc phim, Hercules kết duyên với một cô gái xinh đẹp, sau khi cứu nàng thoát khỏi thế giới bên kia.
Tuy nhiên, phiên bản truyện gốc lại kể rằng Hercules nổi tiếng là một kẻ lăng nhăng. Mẹ Hercules thì sinh ra chàng sau khi bị thần Zeus, vua của các vị thần, cưỡng hiếp. Ngoài ra, Hercules còn phát điên vì người mẹ kế Hera đầy ghen tuông, đã khiến chàng giết hai đứa con đẻ của mình và cuối cùng khiến chàng tự sát trên giàn thiêu.
Hoa Vũ (T/h)