+Aa-
    Zalo

    Cọc trước 20% giá khởi điểm mới được đấu giá đất

    (ĐS&PL) - Theo quy định mới, cá nhân, hộ gia đình hoặc doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của thửa đất, khu đất đó.

    Theo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được Chính phủ ban hành hôm 3/4, doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải có khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án khi đấu giá thành công.

    coc truoc 20 gia khoi diem moi duoc dau gia dat
    Cọc trước 20% giá khởi điểm mới được đấu giá đất. Ảnh: Vietnamnet

    Khi tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của khu đất, thửa đất; nếu đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện tương tự như doanh nghiệp.

    Từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá đất, khoản tiền đặt trước và lãi (nếu có) của doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá sẽ được chuyển thành tiền cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính.

    Khi người trúng đấu giá đất không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại cọc. Nếu nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả tiền chênh lệch.

    Cũng theo nghị định, trong 120 ngày từ khi có quyết định công nhận kết quả, người trúng đấu giá đất không nộp hoặc nộp không đủ tiền thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất.

    Nếu người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì trong 5 ngày, cơ quan tài nguyên môi trường sẽ trình cấp giấy chứng nhận hoặc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao trên thực địa.

    Trao đổi với báo Tuổi trẻ, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc quy định cứng phải "cọc" trước khoản tiền bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là phù hợp.

    Ông Lâm phân tích, mức cọc 5-20%, thậm chí chỉ từ 3-5% là quá thấp, dẫn đến tình trạng bỏ cọc đấu giá đất tăng cao ở một số địa phương, như đấu giá ở Thủ Thiêm trước đây của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Bởi lẽ số tiền cọc tính ra rất nhỏ so với mục đích thổi giá thị trường.

    "Khi nâng mức tiền "cọc" cao lên sẽ khiến các doanh nghiệp phải xem xét kỹ khi tham gia đấu giá đất, không dám hủy thầu sau khi trúng do giá trị thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn”, ông Lâm nhấn mạnh.

    Một cán bộ công tác trong ngành tài nguyên - môi trường cũng chỉ rõ những thay đổi về điều kiện để tham gia đấu giá đất không lớn so với thực tế triển khai thủ tục pháp lý.

    Tuy nhiên, với việc quy định "cọc" cứng 20% sẽ khiến các tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá đất, trước khi quyết định mức trả giá cần xem xét kỹ hiệu quả kinh tế và kế hoạch nộp tiền trúng đấu giá để tránh việc bị mất khoản tiền đặt trước.

    Theo VnExpres, đây là lần đầu Chính phủ quy định chi tiết điều khoản về điều kiện đấu giá và chế tài với người hủy kết quả trúng đấu giá đất. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/5/2023.

    Việc đấu giá đất hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản. Luật Đất đai 2013 quy định, đấu giá đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

    Trước đó, trong dự thảo hồi tháng 4/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất người hủy kết quả trúng đấu giá đất không có lý do chính đáng, sẽ bị phạt 50% giá trị đất đã trúng. Người tự ý bỏ cọc và từ chối đấu giá đất phải bồi thường cho Nhà nước thêm khoản tiền bằng tiền đặt trước; bị cấm đấu giá đất 5 năm. Tuy nhiên, các đề xuất này không được đưa vào nghị định mới ban hành.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/coc-truoc-20-gia-khoi-diem-moi-duoc-dau-gia-dat-a571235.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan