Cỏ Pili là gì?
Báo Dân trí dẫn thông tin từ tờ ESS/Argic cho biết, cỏ Pili (tên khoa học Heteropogon contortus), còn có tên gọi là cỏ giáo đen, là một loại cỏ bụi nhiệt đới được phân bố rộng tại nhiều khu vực trên thế giới, từ Nam Phi, Nam Á, Bắc Úc, phía nam khu vực Bắc Mỹ đến cả quần đảo Hawaii (Mỹ)…
Cỏ Pili khi phát triển có thể cao đến 1,5m. Loại cỏ này thích nghi tốt với nhiều điều kiện điều kiện khí hậu khác nhau, từ khô đến ẩm ướt.
Cỏ Pili thường mọc hoang, nhưng đôi khi, loại cỏ này cũng được con người trồng để làm cảnh quan hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Những bụi cỏ Pili cũng có tác dụng giữ đất chống xói mòn tốt. Người Hawaii bản địa còn sử dụng cỏ Pili để làm mái lợp nhà.
Tên gọi Pili có nghĩa là "dính chặt" hoặc "bám vào" trong tiếng của người Hawaii bản địa, nhằm ám chỉ về cách thức phát tán hạt giống của loại cỏ này trong tự nhiên.
Hạt giống cỏ Pili sẽ được phát tán nhờ gió hoặc nhờ các loài động vật. Hạt giống của Pili có kiểu dáng khá đặc biệt, bao gồm một đầu nhọn và một phần thân dài.
Sự thật cỏ Pili biết "vặn vẹo, nhảy múa"
Báo Dân Việt dẫn thông tin từ Trung tâm Dữ liệu thực vật Việt Nam cho biết, theo các nhà khoa học, giống như hầu hết các loài cỏ, hạt của cỏ Pili được phát tán nhờ gió. Tuy nhiên, điều hấp dẫn ở loài cỏ này là cách mà hạt giống của nó bám vào đất để chúng có thể bắt đầu phát triển.
Chính sự xuất hiện của những cơn mưa, nước đọng trên hạt giống khô, khiến cho đầu nhọn của hạt giống bắt đầu một vũ điệu vặn vẹo. Chuyển động xoắn này sẽ khoan hạt xuống đất để sẵn sàng nảy mầm.
Như vậy, khi gặp nước, các hạt cỏ khô (trông như sợi tóc màu nâu đen) sẽ chuyển động xoắn, vặn vẹo để có thể cắm hạt xuống đất.
Do đó, chỉ cần bạn tưới nước, ngâm nước hạt cỏ này là có thể nhìn thấy vũ điệu của cỏ Pili. Đây là một hành vi thích ứng của cỏ Pili chứ không cần "phép màu" nào.
Chính cách phát tán và khả năng "thức tỉnh" đặc biệt của hạt giống đã giúp cỏ Pili có thể thích nghi và phát triển tốt trong nhiều điều kiện sống khác nhau, kể cả những điều kiện sống khắc nghiệt.
Thủy Tiên (T/h)