(ĐSPL) – Việc loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hệ thống tài chính ngân hàng là chủ trương, giúp chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước phát huy hiệu quả cao hơn.
Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới, Việt Nam là một trong số 24 quốc gia có nhu cầu vàng lớn. Nhu cầu vàng của nền kinh tế gia tăng qua các năm đã tác động lên tính độc lập trong chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước.
Huy động vốn vàng nảy sinh khi ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài năm 2006. Các ngân hàng thương mại năng động nắm lấy cơ hội này để chuyển đổi vàng sang tiền đồng, đầu tư tiền tệ, kiếm được lãi suất cao. Lãi suất liên ngân hàng cũng đã có lúc lên đến 24\%/năm.
Hệ thống ngân hàng thương mại nắm giữ một lượng vàng lớn làm cho tính hiệu quả của chính sách tiền tệ giảm hiệu lực. Hiện có đến 22 ngân hàng thương mại đang được phép đầu tư kinh doanh vàng nên tiền huy động có thể được chuyển sang vàng miếng.
Trước tình trạng này, ngân hàng Nhà nước đã thực hiện những giải pháp để loại bỏ vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng như chấm dứt vàng tài khoản năm 2010 và tất toán trạng thái vàng huy động... Tuy nhiên, những chính sách này đã chưa giải quyết rốt ráo những bất ổn trong cầu vàng và giá vàng.
"Ngày nào hệ thống ngân hàng còn nắm giữ vàng thì những bất ổn luôn tiềm ẩn". |
Điển hình, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế gia tăng, có thời điểm, vàng trong nước cao hơn thế giới tới gần 5-7 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng thương mại đối mặt với rủi ro khi phải mua vàng giá cao để trả lại cho người gửi vàng với giá trị lên đến trên 2 tỉ USD.
Trong buổi công bố báo cáo thường niên “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014”, GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính, trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nỗ lực trong việc loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hệ thống tài chính ngân hàng là một chủ trương đúng, giúp chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước phát huy tính hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, theo GS Trần Ngọc Thơ, hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại vẫn chứa đựng những rủi ro này khi nhiều đơn vị vẫn thực hiện việc đầu tư kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ: "Ngày nào hệ thống ngân hàng còn nắm giữ vàng thì những bất ổn luôn tiềm ẩn".
GS Trần Ngọc Thơ khẳng định: “Vàng là tiền. Từ đó, toàn bộ các hoạt động liên quan đến sở hữu và kinh doanh vàng có ảnh hưởng đến cung tiền của nền kinh tế cần phải do nhà nước quản lý và điều hành theo chuẩn mực chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Phải mạnh dạn loại bỏ hoàn toàn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại để ngân hàng Nhà nước quản lý cung và cầu trong nền kinh tế, cũng như thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ”.