(ĐSPL) – Câu chuyện một cô dâu Việt hóa điên sau khi sống cảnh ngục tù nhà chồng ở Đài Loan là điển hình trong những câu chuyện đau lòng về các cô dâu Việt lấy chồng ngoại.
Hóa điên vì bị nhà chồng đối xử như nô lệ
Hoa, 24 tuổi, sinh ra ở Cần Thơ. Nhà đông anh em, gia cảnh nghèo khó nên Hoa sớm nghỉ học để đi làm thuê, giúp đỡ gia đình. Mong muốn đổi đời, thông qua mai mối, Hoa theo người chồng Đài Loan tới của khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, vượt biên trái phép sang Trung Quốc, rồi đi tàu đến Đài Loan (Trung Quốc).
Suốt một năm ròng làm dâu xứ người, cô phải hầu hạ gia đình nhà chồng như nô lệ. Ngoài ra, Hoa còn làm thêm ở một xưởng may. Tiền bạc làm ra đều bị gia đình chồng giữ hết, nếu không đưa cô sẽ bị bỏ đói.
Hoa có với chồng một con trai, nhưng vừa sinh xong được 15 ngày, thân xác còn đau đớn vì vết thương sau sinh chưa lành, chồng cô đã liên tục đòi quan hệ để thỏa mãn nhục dục. Công việc hàng ngày mệt lả, tối đến, chồng cô còn dựng vợ dậy giữa đêm để tra tấn về thể xác.
Sau khoảng thời gian dài bị khủng hoảng trầm trọng, Hoa hóa điên. “Cuối tháng 5 năm nay, gia đình chồng đưa tôi đến biên giới Trung Quốc rồi đón xe cho tôi trở về quê nhà. Đứa con trai thì họ giữ lại. Tôi phải vào bệnh viện tâm thần điều trị cho đến nay”, Hoa lúc tỉnh táo nhớ lại.
Người phụ nữ cùng con gái 5 tuổi sống chui lủi hơn 1 năm trong nghĩa địa
Đầu năm 2014, truyền thông Đài Loan nóng lên câu chuyện một phụ nữ Việt đã ra đầu thú trước cảnh sát sau khi sống chui lủi trong nghĩa địa hơn một năm cùng đứa con gái 5 tuổi. Anh bạn trai nghèo khổ và ốm yếu của người phụ nữ này muốn giữ cả 2 mẹ con ở lại.
Một cô dâu Việt kể lại cuộc hôn nhân đầy sóng gió khiến mình bị tâm thần. Ảnh: VNE. |
Tuy nhiên, vì người mẹ lúc đó đang cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan và kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đứa trẻ không phải con của anh bạn trai nên người mẹ khốn khổ sau đó đã phải đưa con về Việt Nam trong tháng 5 vừa qua.
Bị nhà chồng ngược đãi đến nỗi tâm thần rồi đuổi về quê
Chị Mai (30 tuổi, ngụ thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) là con duy nhất trong một gia đình khó khăn. Chị tự trang trải cuộc sống bằng công việc cà phê, phụ giúp bố mẹ làm vườn trái cây. Cuối năm 2004, chị tình cờ gặp một người môi giới hôn nhân cho các cô gái lấy chồng ngoại quốc. Chị được giới thiệu một người đàn ông Đài Loan, là kỹ sư giàu có. Nhưng vì không sinh được con trai, chị bị gia đình nhà chồng ngược đãi đến nỗi bị tâm thần rồi đuổi 2 mẹ con về quê.
Nỗi ám ảnh về người chồng vẫn luôn đeo bám, mỗi khi lên cơn chị Mai la hét chửi bới bằng tiếng nước ngoài, đập phá hết đồ đạc trong nhà. Có lần chị còn bỏ thuốc chuột đầu độc chính cha mẹ ruột. Gia đình đành đưa chị vào trại tâm thần. Mẹ bệnh, không có giấy khai sinh, con gái chị Mai không được đến trường như bạn bè đồng trang lứa mà đi bán vé số dạo phụ giúp ông bà.
Theo Cơ quan Nội vụ Đài Loan (Trung Quốc), hiện có khoảng 41.000 người nước ngoài, chủ yếu là phụ nữ từ Đông Nam Á (trong đó có cả những phụ nữ người Việt Nam), đang cư trú bất hợp pháp ở hòn đảo này. Và cứ 10 học sinh tiểu học - trung học thì có 1 em có mẹ là người ngoại quốc. Mặc dù, luật nhập cư của Đài Loan đã phần nào được nới lỏng, nhưng về cơ bản vẫn không bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người nước ngoài kết hôn với công dân Đài Loan. Theo luật pháp của hòn đảo này, những người kết hôn với công dân Đài Loan chỉ được nhập quốc tịch sau khi sinh sống tại đây từ 4 năm trở lên. Trong thời gian ấy, nếu người chồng bản xứ chết hoặc ly dị, những người vợ ngoại quốc sẽ phải về nước. Trong trường hợp ly dị, Tòa án sẽ trao quyền giám hộ con cái cho người mẹ, nếu người mẹ chứng minh được khả năng về tài chính. Điều này rất khó xảy ra vì các bà mẹ này đến Đài Loan với hai bàn tay trắng, đều xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, khi sang làm dâu xứ người thì chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch, không được cấp giấy tờ tùy thân của Đài Loan nên hầu hết không có việc làm, chỉ ở nhà nuôi con, nội trợ và phục vụ công việc gia đình, giao tiếp xã hội gần như bị hạn chế. Ông Hùng - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Cô dâu và Lao động Việt Nam (chuyên giúp đỡ những lao động bị bóc lột sức lao động, lạm dụng, tiền công rẻ/nợ lương, hay những cô dâu Việt không may bị ngược đãi trên quê chồng) khẳng định, cả người lao động nhập cư lẫn nhiều phụ nữ lấy chồng Đài Loan đều bị lạm dụng nghiêm trọng. Công nhân thì thường ngập trong nợ nần, còn dâu nước ngoài thì bị chà đạp. Do không biết ngôn ngữ địa phương nên phần lớn họ không thể kêu cứu sự giúp đỡ của pháp luật. Những người bỏ trốn sẽ biến thành lao động nước ngoài bất hợp pháp, bị truy bắt, bị trục xuất về nước bất cứ khi nào. Ai vì hoàn cảnh kinh tế, nợ nần còn chồng chất ở Việt Nam mà chịu đựng “sa cơ lỡ bước” ở lại thì ê chề nhục nhã, nơm nớp lo sợ bị cưỡng bức. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người có dấu hiệu của bệnh tâm thần. “Các công nhân không có giấy tờ luôn thường trực những cơn ác mộng, sợ bị bắt và bị trục xuất. Với họ chỉ có sự không chắc chắn, lo lắng và thất vọng... Nhiều phụ nữ trẻ phải tìm đến bác sĩ tâm thần, nhưng bác sĩ đành phải để họ uống thuốc” - ông Hùng cho biết. |