+Aa-
    Zalo

    Chuyện về người thầy soạn bài giảng về chủ quyền biển đảo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Là một giáo viên lịch sử, thầy Trần Văn Vàng luôn trăn trở làm sao để đưa lịch sử về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đến với học sinh tỉnh nhà.

    (ĐSPL) - Là một giáo viên lịch sử, thầy Trần Văn Vàng luôn trăn trở làm sao để đưa lịch sử về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đến với học sinh tỉnh nhà, nhất là thế hệ trẻ, để Trường Sa và Hoàng Sa sẽ sống mãi trong tim những học trò của ông.

    Chính điều đó đã thôi thúc thầy lặn lội sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn những bài giảng lịch sử sinh động về Hoàng Sa - Trường Sa cho học sinh của mình.

    Mất nhiều năm để... "đi tìm" Hoàng Sa, Trường Sa

    Chúng tôi tìm đến nhà thầy Trần Văn Vàng (Tổ trưởng tổ Lịch sử - địa lý - GDCD trường THCS Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), đúng lúc thầy Vàng đang sửa lại nội dung bài giảng trên máy tính để tiết học ngày mai trình chiếu cho học trò. Thầy Vàng cho biết, đã từ lâu thầy ấp ủ mong muốn sẽ có một tiết học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa để học trò của mình được hiểu về lịch sử hai quần đảo này của Tổ quốc. Nhưng vì điều kiện không cho phép, nên thầy không thể thực hiện được.

    Đến cuối năm học 2006-2007, thầy Vàng được lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu lịch sử địa phương từ lớp 6 đến lớp 9, để chuẩn bị đưa vào dạy năm học 2007-2008. "Theo chủ trương, lịch sử địa phương phải gắn liền với lịch sử dân tộc, trong sách giáo khoa lịch sử lớp 7 có bài về giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đó là thời điểm Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thành lập. Đội hùng binh này gắn liền với ngư dân vùng biển Quảng Ngãi. Đây chính là cơ hội để tôi đưa bài giảng về Trường Sa và Hoàng Sa đến với học trò của mình"- thầy Vàng cho biết.

    (bgiay)Chuyện chưa biết về người thầy biên soạn bài giảng

    Những bài giảng về chủ quyền biển đảo của thầy Vàng là nguồn tư liệu quý.

    Để có được bài giảng dùng giảng dạy trong 45 phút, thầy Vàng phải bỏ ra nhiều năm đi thực tế tìm hiểu tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa để biên soạn. Thầy Vàng kể: "Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 khi đất nước đang chia cắt, lúc đó tôi còn đi học và đã xuống đường để phản đối Trung Quốc, đến năm 1988 Trung Quốc lại đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đất nước thống nhất nhưng đang đối mặt với vô vàn khó khăn". Dù là người chứng kiến những mốc lịch sử bi hùng ấy, nhưng lịch sử không chỉ được viết bằng cảm xúc mà phải có dữ liệu chính xác. Thời điểm đó, các tài liệu chính thống về chủ quyền biển đảo được xuất bản khá ít ỏi, nhiều tài liệu nằm ngoài khả năng tiếp cận của một ông giáo làng.

    Sau khi lập chương trình cơ bản, từ huyện Mộ Đức, thầy Vàng đến Bảo tàng Tổng hợp, rồi đến ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhờ các nhân viên ở bộ phận nghiên cứu lịch sử Đảng địa phương giúp đỡ. Thầy tìm được Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Tập san Sử Địa cùng một số tài liệu mới về biển Đông đều khẳng định rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Một nội dung được xem là nòng cốt để hoàn tất tư liệu giảng dạy lịch sử về phần Hoàng Sa, đó là "Hải đội Hoàng Sa". Thế nhưng tư liệu có trong tay không nhiều; một vài chi tiết nói không rõ... Để hiểu thêm về vấn đề này, tranh thủ những ngày nghỉ, thầy chạy xe máy đến một số vùng quê biển Tịnh Kỳ ở Sơn Tịnh, rồi huyện Bình Sơn để gặp các truyền nhân phu binh năm xưa tìm hiểu.

    Mùa hè năm 2007, thầy Vàng ra huyện đảo Lý Sơn để "mục sở thị" những điều ghi trong sách vở. Đến đảo, thầy Vàng viếng mộ gió của các cai đội Phạm Quang ảnh, ghé âm linh tự - nơi thờ các hùng binh Hoàng Sa, đình An Vĩnh - nơi làm lễ tế đội Hoàng Sa trước khi xuất phát... Thu thập thêm tư liệu quý từ các tộc họ, trong số đó có tờ lệnh quý Hoàng Sa do gia tộc họ Đặng ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn truyền đời suốt 175 năm. Tờ lệnh là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa...

    Sau chuyến đi đảo Lý Sơn, thầy Vàng lại tiếp tục tìm tư liệu, nghe ở đâu có tư liệu mới là tìm đến hỏi thăm, xin phô tô đem về. Sau nhiều năm cất công sưu tầm, thầy Vàng hoàn thành tập tài liệu soạn giảng bằng bản chép tay, đem đánh máy, scan hình ảnh đến 63 trang giấy. Trong đó có bài "Nhân dân Quảng Ngãi với đảo Hoàng Sa" được soạn công phu, kèm tư liệu và hình ảnh minh họa.

    Tâm huyết với chủ quyền biển đảo

    Tháng 1/2008, tại trường THCS Đức Chánh, phòng Giáo dục huyện tổ chức cho giáo viên dạy Sử cùng ban Tuyên giáo Huyện ủy góp ý để thầy Vàng bổ sung, hiệu chỉnh. Đến tháng 11/2008, tài liệu bài giảng được thẩm định xong, phòng Giáo dục Mộ Đức tổ chức cho giáo viên Sử ở 15 trường THCS của huyện nghe thầy Vàng báo cáo về chương trình lịch sử địa phương. Cuối năm 2011, sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức biên soạn tài liệu địa phương các môn Văn, Sử, Địa để giảng dạy ở các trường phổ thông. Thầy Vàng lại được chọn tham gia biên soạn để dạy cho học sinh toàn tỉnh.

    Bài học gây được tiếng vang, bởi đó là bài học đầu tiên dạy cho học sinh về Hoàng Sa - Trường Sa ở Quảng Ngãi, một tỉnh gắn bó mật thiết với chủ quyền biển đảo. Thầy Vàng tiếp tục mày mò nghiên cứu công nghệ thông tin để thử nghiệm bài giảng điện tử, sưu tầm thêm hình ảnh về Hoàng Sa - Trường Sa để thêm sinh động. Cuối năm học 2007 - 2008, bài học chủ quyền kết hợp trình chiếu bằng những hình ảnh sống động, với sự giảng giải tận tình của thầy Vàng được học trò đón nhận một cách say mê.

    Nặng lòng với Hoàng Sa - Trường Sa, tiết học về chủ quyền biển đảo trở thành nỗi trăn trở thường trực trong ông. Vào những ngày nghỉ, ông vẫn dành thời gian tìm hiểu thêm tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi năm, ông đều ra đảo Lý Sơn tham dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, để hiểu hơn về Hùng binh hải đội Hoàng Sa và chụp ảnh, quay phim làm tư liệu sống động cho những bài giảng của mình. Đến nay, bài học đã được chỉnh lý, bổ sung ba lần. Lần gần đây nhất là năm 2013, ông đã đưa bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh vào bài học, để khẳng định cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

    "Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa để hoàn thiện bài học này. Qua việc làm này mình có được nhiều thứ lắm. Mình đã gửi được tấm lòng mình vào bài giảng, giúp đồng nghiệp có tư liệu giảng bài, và các em học sinh hiểu rõ hơn về quê hương, nhất là sự can trường của tiền nhân, của những hùng binh Hoàng Sa thuở ấy... ", thầy Vàng chia sẻ. Được biết, sắp tới sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ in thành sách bài giảng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam do thầy Vàng biên soạn, để đưa vào giảng dạy cho bậc THCS trong toàn tỉnh.

    Thầy Vàng hy vọng, bài giảng không chỉ "truyền lửa" tình yêu chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh Quảng Ngãi, mà sẽ trở thành bài học chung cho bậc THCS cả nước. Người thầy này còn mong rằng, không chỉ có môn lịch sử mà cả môn địa lý Việt Nam, cũng sẽ đưa phần địa lý hai quần đảo này vào giảng dạy. Để học sinh không chỉ hiểu rõ về lịch sử, mà cả vị trí địa lý, cũng như tiềm năng kinh tế của hai quần đảo thân yêu của Tổ quốc.

    Những cứ liệu mang giá trị lịch sử to lớn

    (bgiay)Chuyện chưa biết về người thầy biên soạn bài giảng

    Thầy soạn giáo án điện tử đổi mới cách dạy để tăng sự thích thú cho học sinh.

    Thầy Trịnh Minh Tường, Hiệu trưởng trường THCS Đức Chánh nhìn nhận, thầy Vàng là một người có tâm huyết với nghề giáo, luôn tìm tòi và nghiên cứu thêm tư liệu để giảng dạy cho học sinh. Thông qua bài giảng về biển đảo, thầy Vàng đã cung cấp những cứ liệu mang giá trị lịch sử to lớn, lập luận chặt chẽ, bằng chứng sống động khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Bài giảng không chỉ có giá trị giáo dục tình yêu lịch sử dân tộc cho học sinh mà còn là nguồn tài liệu quý đối với quê hương Quảng Ngãi anh hùng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-nguoi-thay-soan-bai-giang-ve-chu-quyen-bien-dao-a63239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan