+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình xuyên thế kỷ: Cha mẹ ép cưới vẫn hạnh phúc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những tưởng cuộc sống hôn nhân do cha mẹ ép buộc, không tình yêu sẽ nhạt nhẽo lắm, thế nhưng chẳng ai ngờ năm tháng họ cùng nhau trải qua lại đẹp như một áng thơ.

    Vợ chồng ông Hòa - bà Ảnh đến với nhau qua sự mai mối của người anh họ. Những tưởng cuộc sống hôn nhân không tình yêu sẽ nhạt nhẽo lắm, thế nhưng chẳng ai ngờ năm tháng họ cùng nhau trải qua lại đẹp như một áng thơ. Hơn 50 năm đắp đổi sống qua ngày bằng gánh xôi sáng, ấy thế mà cảnh bần hàn chẳng làm vơi đi những ánh mắt trìu mến hay sự quan tâm họ dành cho nhau.

    Ba mẹ ép nên... cưới thôi!

    Sinh ra ở thời chiến, ông Lê Thanh Hòa (81 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) cũng như bao nhiêu thanh niên trong làng, tự nguyện lên đường nhập ngũ. Cầm cây súng trên tay là quyết tâm cháy bỏng, dù có hy sinh tính mạng cũng giữ bằng được hòa bình cho dân tộc. Chiến tranh loạn lạc khiến ông chưa từng nghĩ sẽ có được một tình yêu lứa đôi, một gia đình hạnh phúc. Bởi, ông luôn nghĩ nay sống mai chết, không biết trước được điều gì.

    Ông Hòa bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, khi vừa đủ tuổi là tôi tình nguyện đi lính, chiến đấu chống giặc cứu nước. Đã là người lính thì chỉ biết chiến đấu thôi, chẳng có thời gian để nghĩ đến việc khác. Bởi bom đạn nó tránh mình chứ sao mình tránh nó được. Lúc đó, bản thân tôi không dám nghĩ đến chuyện tình yêu đôi lứa. Cuộc sống ngày đó đã khó khăn lại còn chiến tranh khốc liệt nữa”.

    Hai vợ chồng hạnh phúc trong căn nhà nhỏ chật hẹp.

    Thế nhưng tình yêu cũng tìm đến với ông như một phép màu. Ông không nhớ rõ đó là năm bao nhiêu và trong trận chiến nào nữa. Chỉ nhớ rằng khi trận chiến kết thúc, ông may mắn là một trong số ít người còn sống sót trở về với gia đình. Khi đó, ông đã 29 tuổi. Gia đình, dòng họ mong muốn ông lập gia đình, sinh con. Thế rồi, một người chú của gia đình, cũng là chỗ thân thiết với cha của bà Trần Thị Ảnh đã mai mối cho hai ông bà.

    “Ngày ấy, 29 tuổi mà chưa lập gia đình thì được coi như ế. Hơn nữa, lúc đó tôi chỉ cầm súng chiến đấu là giỏi, mấy việc khác thì kém lắm. Đặc biệt, tôi “nhát gái” vô cùng, chẳng biết tán tỉnh thế nào. Gia đình biết tính tôi vậy nên bảo ông chú tìm người rồi mai mối cho tôi”, ông Hòa vui vẻ kể.

    Thời gian từ mai mối đến đám hỏi, đám cưới diễn ra vẻn vẹn chưa đầy một tuần. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông Hòa với bà Ảnh chính là ngày diễn ra đám hỏi.

    Bà Ảnh kể: “Tôi lấy ông ấy khi vừa tròn 19 tuổi. Lần đầu tiên gặp nhà tôi bây giờ, tôi chẳng có cảm xúc gì dù ông ấy khi đó cũng được xếp vào hàng “trai đẹp” của làng. Vì ba mẹ bắt lấy chồng nên tôi phải lấy thôi, chứ thực ra chúng tôi chưa có tình cảm gì. Đến gặp mặt còn chưa có. Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó mà. Nhưng dần dần, tôi nhận ra ông là một người rất cần cù, chịu khó làm ăn, đúng cái chất của một người lính cụ Hồ. Cứ như vậy, sống chung với nhau, tôi thương ông ấy rồi yêu chồng lúc nào không hay”.

    Sống bên nhau bằng cái duyên trời định, sự đồng điệu ở tâm hồn đã kéo hai con người bị “ép cưới” lại gần nhau rồi yêu nhau. Hạnh phúc nhân lên khi 4 người con lần lượt ra đời. Nhưng bởi sống ở thời bom rơi đạn nổ nên ai cũng trong tâm thế sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc và ông Hòa cũng vậy. Bỏ lại sau lưng 4 đứa con nhỏ và người vợ hiền, ông Hòa tiếp tục nhập ngũ.

    “Khi ông ở trong chiến khu, có lần nhớ ông quá, tôi lặn lội đường sá khó khăn để vào thăm. Khi tới nơi, vừa gặp mặt, ông đã đuổi tôi về. Không biết chuyện gì xảy ra, tủi thân, tôi khóc ầm lên. Ông giải thích vì sợ tôi gặp nguy hiểm, nếu chẳng may giặc đánh bất ngờ, tôi trúng đạn, các con ở nhà phải sống thế nào. Nghe vậy tôi càng thấy thương ông nhiều hơn”, bà Ảnh chia sẻ.

    “Làm bà ấy giận thì ai nấu cơm cho tôi ăn...”

    Đến bây giờ, ông Hòa 81 tuổi, bà Ảnh cũng đã trên 70. Hơn 50 năm qua vợ chồng ông bà vẫn sống trong căn nhà gỗ lụp xụp được cất từ hồi đất nước mới giải phóng. Căn nhà đến nay vẫn chưa được sửa chữa lần nào, cứ mưa lớn là ngập trong biển nước.

    Theo lời ông Hòa, trước đây, gia đình ông có kinh tế khá ổn định. Ông đạp xích lô, bà đi bán xôi. Buôn bán cũng khấm khá nên có tiền cất được cái nhà gỗ trên đất ba mẹ để lại. Mấy năm trước, bà Ảnh đổ bệnh rất nặng, lại mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy tim. Số tiền dành dụm bao nhiêu năm đã đổ hết vào việc thuốc thang cho bà Ảnh mà vẫn không đủ. Ông Hòa phải vay thêm ở bên ngoài để lo cho vợ. Từ thời điểm đó, bà Ảnh không còn đủ sức khỏe để đi bán xôi mỗi ngày. Ông Hòa sức khỏe cũng yếu dần nên không chạy xích lô mà đi bán xôi thay bà.

    Ông Hòa bên gánh xôi đã hơn 40 năm tuổi của gia đình.

    Mỗi lúc vợ khuyên can, không muốn ông vất vả, ông lại hiền hòa nói: “Bà vất vả nhiều vì ba con tôi rồi. Bà nghỉ đi để tôi làm cho”.

    Dù tuổi cao sức yếu nhưng mỗi ngày ông Hòa bắt đầu công việc của mình từ 20h tối. Tự tay ông vo nếp nấu xôi đến tận 2h sáng mới được chợp mắt, 4h sáng lại lục đục dậy nấu đồ ăn kèm với xôi. 5h sáng, ông chuẩn bị đi bán.

    Góc đường Hai Bà Trưng – Mạc Thị Bưởi (quận 1, TP.HCM) đã ghi dấu gánh xôi của ông bà Hòa hơn 40 năm nay. Bán cả buổi sáng, ông chỉ lời chưa đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, ông còn phải chi ra 70.000 đồng cho tiền xe ôm chở gánh xôi đi mỗi sáng, thành ra số tiền còn lại chẳng là bao.

    Ông Hòa nói: “Tôi có 10 người con, nhưng bị tai nạn mất 2 đứa rồi. 8 đứa còn lại đứa nào cũng nghèo khổ, lại còn phải lo cho con, hai vợ chồng tôi không nỡ xin tiền tụi nó mà tự thân làm kiếm tiền nuôi sống bản thân. May mắn là trời cho tôi sức khỏe. Vì nhà còn một chiếc xe máy cũ nên sáng ra thằng con thứ 9 chở tôi ra chỗ bán. Còn xôi và các thứ linh tinh thì tôi thuê xe ôm chở”.

    Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng điều đáng quý là cả ông và bà chưa bao giờ mất đi sự lạc quan. Họ hạnh phúc không chỉ vì được ở bên cạnh nhau mà còn cùng nhau vượt qua bao gian khổ. Bệnh tật khiến sức khỏe bà không còn được như xưa nhưng bà vẫn cố giúp ông những việc nhỏ nhặt như nhặt hành, cắt lạp xưởng. Những đêm ông nấu xôi khuya, bà thức canh thay ông để ông ngủ lấy sức.

    Hơn 50 năm đã trôi qua, ông vẫn luôn bên bà. Dù đã đánh đổi cả gia tài để chạy chữa cho bà, dù phải làm lụng vất vả, ông vẫn không than trách. Ông yêu bà, thương bà đơn giản vì đã sinh cho ông 10 người con và tần tảo lo cho gia đình không một lời than vãn. Và hơn hết, ông biết bà cũng rất thương ông.

    “Cưới nhau về chưa một lần tôi đánh bà. Bực quá thì tôi đi chỗ khác, bà nói gì thì nói thôi. Chứ dại gì mà đánh, bà giận ai nấu cơm cho tôi ăn”, ông Hòa cười nói.

    (Còn nữa...)

    Dù đã 81 tuổi nhưng bàn tay của ông Hòa khi làm xôi bán cho khách vẫn rất nhanh nhẹn, khéo léo. Ông hay cười, nói chuyện hài hước nên ai cũng thương và mến ông. Nhiều khách hàng còn gọi ông là “Bố”.

    Dung Nhi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-xuyen-the-ky-cha-me-ep-cuoi-van-hanh-phuc-a206300.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan