+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình xuyên thế kỷ: Cặp vợ chồng 90 tuổi nổi tiếng khắp năm châu nhờ 1 người Pháp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xuất hiện trong bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn, vợ chồng cụ Lợi -Sẻ trở thành những người nổi tiếng bất đắc dĩ. Chuyện tình của họ vượt lũy tre làng, ra tận trời Tây.

    Xuất hiện trong bộ ảnh trứ danh “Vietnam - Mosaic of Contrasts” của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn, vợ chồng cụ Lợi -Sẻ trở thành những người nổi tiếng bất đắc dĩ. Chuyện tình của họ vượt lũy tre làng, ra tận trời Tây.

    Mối tình được kể khắp thế giới

    Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam những ngày này nườm nượp các đoàn khách ngoại quốc. Họ ghé xứ sở rau trăm tuổi này không chỉ để trải nghiệm du lịch sinh thái, mà còn muốn gặp bằng được hai “thổ địa” – vợ chồng cụ ông Lê Sẻ (94 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Lợi (87 tuổi).

    Các du khách này cho biết, khi xem bộ ảnh đất nước con người Việt Nam của nhiếp ảnh gia Réhahn, họ rất ấn tượng với bức ảnh cụ ông râu tóc bạc phơ, cụ bà móm mém cùng lao động, trìu mến bên nhau. Vì thế họ quyết tâm sang Việt Nam để gặp bằng được hai con người trong bức ảnh ấn tượng đó.

    Khoảnh khắc nghỉ ngơi tình tứ, xúc động đã trở nên nổi tiếng toàn cầu của hai cụ già qua ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Rénahn.

    Theo chỉ dẫn của người dân, PV báo ĐS&PL nhanh chóng tìm được nhà của vợ chồng cụ Sẻ. Nhà của hai cụ nằm ngay trục đường vào làng, trước là con sông nhỏ, sau lưng là ruộng rau xanh mướt.

    Cụ Sẻ kể, 80 năm về trước, làng của cụ chìm trong mưa bom đạn giặc. Ba người anh đầu của cụ lần lượt nhập ngũ rồi hy sinh. Riêng cụ Sẻ ở lại làm “hậu phương” vì vóc dáng quá nhỏ bé. “Hồi đó, tui quá nhỏ con nên không tham gia bộ đội được. Tui ở nhà theo cha mẹ cuốc đất trồng rau. Ban đêm, chạy theo các đoàn du kích cố gắng liên lạc với cách mạng, tham gia nuôi bộ đội”, cụ Sẻ nhớ lại.

    Ở nhà tăng gia sản xuất cùng gia đình, cụ Sẻ đã gặp cụ Lợi - cô thôn nữ xinh đẹp (18 tuổi) ở làng bên ngày ngày gánh gạo nuôi quân. Thuở đó, cụ Lợi được bao nhiêu chàng trai theo đuổi, trong đó có cụ Sẻ. Dù thế, cụ vẫn chỉ thầm thương, trộm nhớ mà thôi.

    Cụ Lợi tủm tỉm cười tiếp lời chồng: “Ổng thương tui mà chẳng nói ra. Tui cũng mến ổng vì tính chân chất, hiền lành. Phải mất nhiều thời gian sau đó, hai chúng tôi mới trở thành vợ chồng”.

    Quãng thời gian dài mà cụ Lợi nhắc đến một phần vì chiến tranh cách trở, phần vì sự gièm pha của người đời. Cụ Sẻ thì nhỏ con, đen nhẻm còn cụ Lợi lại xinh đẹp nức tiếng. Thậm chí, có thời điểm, nhiều người còn trêu chọc đôi trẻ này là “thằng đen – con đẹp”. Nhưng, bao dị nghị cũng chẳng ngăn được tình cảm chân thành. Giữa bom đạn, họ vẫn đến với nhau cùng trồng rau nuôi quân, cùng vun đắp duyên tình.

    Rồi tình yêu lớn dần, năm 1949, hai cụ chính thức về chung một nhà. Cụ Lợi nhớ lại: “Cuộc sống khi xưa khó khăn lắm, cái đói, cái nghèo bủa vây có khoai lang, khoai sắn ăn là đỡ lắm rồi. Chiến tranh cứ liên miên, hai vợ chồng thương nhau rồi đến với nhau thôi. Gọi là đám cưới, nhưng chỉ tổ chức đơn giản giống một bữa cơm ấm cúng giữa hai gia đình, sau đó, ông ấy ngồi ghe sang đón tôi về”.

    Tưởng cứ thương nhau, yêu nhau là hạnh phúc sẽ đong đầy. Nhưng rồi, một ngày cụ Sẻ bị địch bắt khi đứa con trai đầu vừa chào đời chưa kịp nhìn mặt cha. Năm 1953, cụ Sẻ bị chúng đưa vào lao xá Hội An. Ở ngoài, cụ Lợi tần tảo nuôi con, đợi chồng.

    Các cao niên làng Trà Quế kể với PV một câu chuyện xúc động rằng, hồi đó làm gì có chuyện đi thăm nuôi. Vì nhớ thương chồng, chiều chiều cụ Lợi ra đứng bên bờ sông nhìn về lao xá Hội An thấy cảnh nước trôi, bèo nổi mà rơi nước mắt.

    “Ngày đó, xe đò chưa nhiều, rau màu trồng được tui cho vào quang gánh cứ thế đi bộ xa hàng chục cây số ra đến Đà Nẵng buôn bán. Rau Trà Quế có tiếng rồi nên cũng bán được. Nhờ thế mà chăm lo được cho con cái”, cụ Lợi chia sẻ.

    Hai năm sau đó, cụ Sẻ được trả tự do. Vợ chồng gặp nhau sau bao ngày xa cách mừng mừng, tủi tủi. Họ bắt đầu xây dựng lại cuộc sống. Ngày ngày, cụ Sẻ thả lưới ngoài sông, cụ Lợi thì chăm lo vườn rau trái. Trước mỗi phiên chợ, cụ ông lại chở cụ bà ra Đà Nẵng bán buôn. Rồi lần lượt 4 đứa con có trai, có gái ra đời, căn nhà của đôi vợ chồng nghèo thêm hạnh phúc vì tiếng cười đùa con trẻ.

    “Cứ tưởng vậy là hết chia xa, hết mỗi người một ngả. Ai ngờ, năm 1970, tui một lần nữa chết lặng khi hay tin chồng bị địch bắt lần 2. Ổng bị đọa đày đến mãi gần hòa bình mới được thả ra. Một mình tui lại một nách 5 đứa con. Biết bao tủi cực chỉ biết nuốt ngược vào trong chăm con, chờ chồng”, kể đến đây, mắt cụ Lợi nhòa đi.

    “Thần tưới - Thần nhặt” ở làng rau

    Trải qua 2 cuộc chiến tranh, bao giông gió cuộc đời, vợ chồng cụ Sẻ nay đã già. Người đầu bạc, kẻ móm mém, nhưng tình yêu của họ như vẫn còn vẹn nguyên. Ngày ngày, họ dẫn dìu nhau ra vườn trồng rau, chuyện trò.

    “Đúng là hai ông bà ấy yêu thương nhau lắm. Hồi xưa người ta đùa là “thằng đen – con đẹp” nay người dân gọi vui cụ ông là “Thần tưới”, cụ bà là “Thần nhặt”. Họ gắn bó với làng rau, yêu nhau cũng từ làng rau. Chúng tôi rất mến thương, cảm phục”, ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng thôn Trà Quế chia sẻ.

    Làng rau hôm chúng tôi đến trời nắng đẹp. Hai cụ vừa làm vườn, vừa chỉ dẫn cho những đoàn khách nước ngoài cách tưới rau, nhặt cỏ. Với đôi ba tiếng “bồi” học được, hai cụ vui vẻ, cười đùa với khách. Có đoàn khách còn nán lại, túm tụm dưới tán cây đòi các cụ kể chuyện tình vượt thời gian của mình.

    Đâu đó, trong buổi lao động, trong câu chuyện, người ta thấy được những tình cảm trìu mến họ dành cho nhau. Yêu thương của họ thật quá đỗi đơn giản. Đó là những cái cầm tay, là những ngày khi gà chưa gáy, mặt trời còn chưa lên, cụ ông đã cùng cụ bà thức giấc, lục đục cho công việc ngày mới. Nặng nhọc ông giành làm, còn bà nhặt nhạnh thứ nhẹ nhàng hơn.

    Hơn 70 năm yêu thương và gắn bó bên nhau, chưa bao giờ cụ Sẻ quên những cái nắm tay thật tình cảm, vẫn đều đặn ngày ngày chải tóc cho cụ bà, và rồi cùng nhau mỉm cười hạnh phúc. Hai vợ chồng cụ Sẻ cứ thế quanh quẩn trong mảnh ruộng ân tình.

    Và cũng trong một lần tình cờ như vậy, những cử chỉ yêu thương ấy đã lọt vào ống kính của một nhiếp ảnh gia người Pháp. Hai cụ bất đắc dĩ trở thành “người mẫu ảnh” đẹp nhất, thật nhất. Từ ống kính đấy, bức ảnh tình yêu của hai cụ đi khắp năm châu, toàn cầu trở thành biểu tượng của lạc quan, tình yêu bất diệt khiến ai ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ, xúc động.

    Còn một điều xúc động nữa, đó chính là người con trai đầu của hai cụ hiện bị bệnh, ông đã gần 70 tuổi nhưng trí tuệ chỉ như trẻ lên 5, còn 4 người con khác đều đã yên bề gia thất. Vì thế, ngày ngày, hai cụ vẫn cùng nhau chăm sóc con. Chưa kể, cụ Sẻ bị di chứng chiến tranh để lại, nên cứ trái gió trở trời vết thương lại đau nhức. Dù thế, trong suốt ngày dài theo chân hai cụ, chưa một lần chúng tôi nghe lời than phiền nào. Đổi lại, hai cụ luôn dành cho nhau những lời động viên, âu yếm.

    “Tui lao động nên khỏe mạnh lắm. Đừng lo! Còn đứa con bị bệnh cũng tội lắm! Giờ hai vợ chồng hạnh phúc vui cười xem như mang lại nụ cười cho nó”, cụ Sẻ nói.

    (Còn nữa)

    Một lãnh đạo UBND xã Cẩm Hà (TP. Hội An) cho biết, làng rau Trà Quế có tuổi đời hơn 500 năm. Trong đó, chuyện tình, chuyện đời của vợ chồng cụ Sẻ - Lợi là một phần của lịch sử làng rau. Mới đây, người làng cùng các cơ quan chính quyền và một đơn vị truyền thông đã đứng ra tổ chức đám cưới kim cương cho hai cụ.

    Nhâm Thân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-xuyen-the-ky-cap-vo-chong-90-tuoi-noi-tieng-khap-nam-chau-nho-1-nguoi-phap-a204722.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan