(ĐSPL) – Sinh ra ở hai đầu của Tổ quốc, cùng là những người khuyết tật nhưng có cùng ước mơ và hoài bão nên họ đã vượt qua mọi rào cản để xây lên mái ấm…
Hai con người, một số phận
Đó là câu chuyện cảm động về tình yêu, về nghị lực sống của vợ chồng anh Chau Xiêng Sô Phiếp (30 tuổi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) và chị Lành Thị Thế (30 tuổi, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Về đến Châu Lăng, nhắc đến cái tên Sô Phiếp là ai cũng biết cậu học trò nhỏ thó có tật ở chân thường ngồi xe lăn đến trường giờ trở thành thầy dạy tin học, rồi thợ sửa máy vi tính.
Chau Xiêng Sô Phiếp vốn người dân tộc Khmer, là con trai thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Khi được 17 tháng tuổi, bất ngờ anh bị cảm nặng dẫn tới bại liệt thân dưới, hai chân teo dần đi rồi mất hẳn cảm giác. Mặc dù được cha mẹ đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi đành chấp nhận phó mặc cho số phận. Thương anh, bố mẹ dù khó khăn đến mấy cũng cho anh được đi học để bằng bạn bằng bè.
Những ngày đầu, Sô Phiếp đi đâu cũng bị các bạn trêu đùa là quái vật vì anh phải đi bằng “bốn chân”. Nhưng với sự động viên của mẹ, anh luôn cố gắng phấn đấu làm mọi việc như một người bình thường. Những nỗ lực đó được đáp lại bằng việc Sô Phiếp luôn là học sinh khá của lớp và dần được bạn bè, thầy cô quý mến. Không còn ai trêu đùa nữa mà thường xuyên giúp đỡ anh trong học tập và cuộc sống.
Gia đình hạnh phúc của anh Sô Phiếp và chị Thế. |
Học xong THPT, anh lật đật lên Cần Thơ học thêm công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp anh vào làm cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng lương chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng/tháng. Thế rồi, dịp may hiếm có, qua giới thiệu của Sở LĐ – TB và XH Cần Thơ, anh vào làm việc tại Trung tâm Dạy nghề Nhân đạo T&T(trụ sở Hà Nội). Và chính tại trung tâm này, anh đã gặp được nửa kia của đời mình - chị Lành Thị Thế.
Chung số phận với anh Sô Phiếp, cũng sinh ra trong gia đình đông anh em, chỉ riêng chị Thế là bị teo cơ tay trái bẩm sinh nên chịu thiệt thòi. Dù vậy, để ngoài tai sự trêu trọc của bạn bè, chị sống thu mình và cố gắng học để bằng mọi người, để vươn mình ra xã hội.
Mặc cảm gánh nặng cho gia đình khi thi trượt đại học, chị cùng người thân ra thành phố đi nấu ăn cho dân xây dựng. Trong một lần đưa bạn vào bệnh viện E, chị tình cờ gặp thầy Phạm Văn Tiến - Chủ tịch Hội đồng Trung Tâm dạy nghề nhân đạo T&T, thầy đã giúp chị vào làm việc tại trung tâm, cùng phòng với anh Sô Phiếp và mối tình của hai người bắt đầu từ đó.
Chuyện tình từ men rượu và cái kết cổ tích
Làm chung phòng với nhau đã lâu, nhưng cũng không ai thổ lộ gì. Bất ngờ một hôm, trong lúc chị đang ngồi làm sổ sách thì anh Sô Phiếp say rượu ở đâu lao cả xe vào phòng, nằm đổ xuống và khóc uất hận cuộc đời, vậy là cả đêm chị Thế thức trắng chăm sóc anh.
Sau lần đó, mọi người trong trung tâm ai cũng vun vén cho anh chị nhưng anh Sô Phiếp lại lo chị Thế sẽ khổ nếu yêu anh.
“Thấy Thế thương mình, mình trân trọng lắm vì ít có người có gái nào chăm sóc mình tận tình như thế. Nhưng mình sợ Thế khổ rồi gia đình Thế nữa”, Sô Phiếp tâm sự.
Nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, tình cảm của họ cứ lớn dần đến một ngày anh quyết định tỏ tình với chị và được đồng ý.
Đến năm 2010, trung tâm giải thể, anh chị ra ngoài kiếm việc làm thuê. Cũng Tết năm đó, chị quyết định đưa anh Sô Phiếp về thăm nhà nhưng gặp sự phản đối của gia đình. Tuy nhiên, với tình yêu và lòng chân thành cả hai dành cho nhau, gia đình chị Thế cũng đồng ý. Một năm sau, đám cưới diễn ra với sự chúc phúc của những người thân hai bên và cả những người bạn trong trung tâm T&T.
Năm 2013, có thêm cậu con trai nên vợ chồng anh chị quyết định về Châu Lăng, Tri Tôn định cư.
Hàng ngày, anh Sô Phiếp vẫn cần mẫn trên chiếc xe lăn đi làm dịch vụ tin học, còn chị Thế ở nhà may thuê kiếm tiềm trang trải cuộc sống.
Cuộc sống của gia đình nhỏ này chưa khi nào hết vất vả khó khăn nhưng vẫn luôn hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười.
“Đã có những lúc nghĩ tủi thân nhưng nhìn thấy chồng và con lại không nghĩ gì nữa, hạnh phúc của mình do mình quyết định. Ước mơ của tôi là có một gia đình hạnh phúc và hiện giờ tôi đang có nó rồi”, chị Thế cười tươi chia sẻ.
PHẠM VÂN