+Aa-
    Zalo

    Chuyện nghề, chuyện đời của phóng viên thập niên 2000: Tôi gặp "ông trùm" A Lý - Phần 7

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lời “cảnh cáo” của Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung về việc sẽ khởi tố tôi với tội danh không tố giác tội phạm”nếu bài báo được đăng tải có vẻ như đã không trở thành hiện thực

    Sau khi bài báo về cuộc gặp giữa tôi và A Lý được đăng trên báo Thanh Niên, mọi việc vẫn “sóng yên bể lặng”. Lời “cảnh cáo” của Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung về việc sẽ khởi tố tôi với tội danh “không tố giác tội phạm” nếu bài báo được đăng tải có vẻ như đã không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mọi việc hóa ra không dừng ở đó.

    Báo chí năm 2002 đưa tin về vụ việc.

    Sét đánh ngang tai

    8 tháng sau vụ giết người xảy ra đêm 8/11/2001 tại vũ trường Metropolis, làng báo Việt Nam đang lún sâu vào việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra, bộ Công an đang tiến hành bắt giữ hàng loạt nhân vật, băng nhóm giang hồ trên cả nước, có liên quan đến Năm Cam. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, báo Thanh Niên và bản thân tôi đang tất bật săn tìm thông tin từ mọi phía, viết, đăng tải để phục vụ cho nhu cầu bạn đọc theo dõi vụ án lớn nhất nước đang diễn ra này.

    Một hôm, trong lúc đang ngồi uống cà phê trên đường Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM, tôi nhận được thông tin mấy thằng “đệ tử” trong làng báo (phóng viên trẻ thuộc các báo khác, vẫn thường theo tôi học nghề, xin thông tin chia sẻ để tránh bị tòa soạn phạt vì hụt tin trong mảng phụ trách) thông báo: “Anh Phú ơi, hình như anh bị Cơ quan Điều tra, Công an TP.HCM khởi tố đó!”.

    Đúng là tin thuộc loại “sét đánh ngang tai” chứ không phải chơi, tôi không “giật mình hoảng hốt” mới lạ!

    Vừa nghe điện thoại xong là đầu tôi “tự động phản ứng”, lập tức rà soát hết tất cả những hành vi, thái độ... cả trong công việc lẫn trong đời sống cá nhân trong thời gian gần đây, xem mình có “vi phạm” vô tình hoặc cố ý một điều gì khiến cho cơ quan chức năng “xuống tay” với mình nghiêm trọng vậy.

    Nguyễn Mạnh Trung và phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn (9/2003).

    Công nhận là từ lúc vụ án bắt giữ Năm Cam nổ ra, vì là cây bút chủ lực đeo đuổi, phanh phui vụ án tại phía Nam của báo Thanh Niên, tôi có lùng sục thông tin, viết bài liên tục về vụ án (ngày nào cũng có tin, bài, ngày nào cũng về nhà sau 12h đêm), qua đó “đụng chạm” không biết bao nhiêu người, trong đó có cả các quan chức đang đương thời thuộc các lực lượng chức năng có liên quan đến băng nhóm Mafia cộm cán này. Bên cạnh đó, để tìm hiểu thông tin về thế giới ngầm, tiến hành điều tra song song với công an đang phá án (để phòng khi cơ quan điều tra không cung cấp thông tin, mình vẫn có thông tin dưới dạng chưa chính thống để viết bài đăng tải, phục vụ bạn đọc), tôi cũng lăn xả vào giới xã hội đen, ghi nhận bất cứ thông tin nào có thể ghi nhận được làm tư liệu riêng... Thế nhưng, tôi có vi phạm pháp luật gì đâu?

    Là một phóng viên thuộc loại “có kinh nghiệm” hàng đầu trong giới phóng viên nội chính TP.HCM thời ấy (do hầu hết các phóng viên thuộc loại đàn anh trong giới đều đã lên chức hoặc bị thuyên chuyển sang viết lĩnh vực khác), tôi luôn biết mình chỉ được phép “dấn tới đâu là dừng” để không vượt quá giới hạn quyền lực nghề nghiệp, giới hạn của luật pháp... Thế thì mình bị “dính” ở chỗ nào, bởi trong đời sống thường ngày tôi cũng không hề có hành vi vi phạm pháp luật?

    Chắc là nhầm! Tôi vội gọi điện lại cho thằng “đệ tử” vừa báo tin xấu, hỏi lại cho cặn kẽ... Cậu phóng viên trẻ này cũng không biết gì hơn, chỉ là “nghe tụi nó nói”...

    Tụi nó là tụi nào? Tôi phi xe về tòa soạn báo Thanh Niên, chụp điện thoại bàn (cho đỡ tốn tiền, vì thời đó cước điện thoại di động khá cao so với lương của tôi), rà soát tất cả các nguồn tin, tìm cho ra cái thông tin quái quỷ, thuộc loại “nghe nói”, nhưng lại là “chấn động” với bản thân tôi.

    Là “dân trong nghề”, tôi lục ra “bản gốc” của thông tin mình quan tâm khá dễ dàng. Thì ra, đó là một bản tin vắn, nằm ở trang trong của báo Người Lao Động, ký tên PV, cho biết: Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đang tiến hành các thủ tục khởi tố phóng viên Hữu Phú (không nói của báo Thanh Niên) vì hành vi “không tố giác tội phạm” trong vụ án giết người ở vũ trường Metropolis. Nguồn của bản tin này từ Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM.

    Vậy là “chưa khởi tố”, vẫn còn “đang tiến hành các thủ tục”, tức là tôi còn thời gian chuẩn bị cho “trận đánh” này. Và dĩ nhiên, tôi sẽ không chịu bó tay...

    Dù có hơi trách móc một đồng nghiệp nào đó đã không báo trước cho tôi nội dung bản tin trước khi đăng tải, nhưng tôi cũng thầm cảm ơn người đồng nghiệp này vì tin đã đăng kịp thời, vô hình trung giúp tôi kịp chuẩn bị đối phó. Vụ án tưởng chừng như đã trôi qua lặng lẽ trong cuộc đời tác nghiệp báo chí của tôi, dư luận đã quên vụ này từ lâu... Giờ nó lại được khơi dậy dưới một hình thái mới, cụ thể hóa lời đe dọa của một trong những người nổi tiếng nhất trong giới Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM lúc bấy giờ: Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung.

    Và, thật cay đắng, khi động thái này cũng xác định nghi ngờ, gây đổ vỡ niềm tin trong tôi trước một người đại diện cho pháp luật mà tôi hằng ngưỡng mộ.

    Tôi đã đặt nghi vấn rất nhiều về nhân vật “quyền lực” này. Trong vụ án giết người tại vũ trường Metropolis, tôi cũng từng tự hỏi: “Tại sao cảnh sát điều tra TP.HCM với quân số đông như thế, trang bị như thế... mà lại không thể bắt được A Lý (A Lý kịp thời bỏ trốn 1 tiếng đồng hồ trước khi công an ập tới bắt nhóm Diệp Hiểu Vân). Trong khi đó, Hữu Phú chỉ có một mình, không được trang bị gì, lại tìm ra A Lý một cách dễ dàng, phỏng vấn suốt 2 ngày?”.

    Dù có một số người cho là tôi kiêu ngạo, nhưng tôi chưa bao giờ ngông cuồng tự nhận là mình giỏi điều tra bằng công an, nhất là Nguyễn Mạnh Trung nổi tiếng phá án nhanh, vì họ được đào tạo bài bản... Vậy thì, tại sao tôi có thể đi trước lực lượng công an một bước trong việc truy tìm A Lý? Tôi không tin vào ngẫu nhiên.

    Chưa hết, tại sao Nguyễn Mạnh Trung lại đe dọa và trả đũa tôi khi tôi quyết đăng bài cuộc gặp gỡ giữa tôi và A Lý?

    Vụ vũ trường Metropolis là cái bẫy Năm Cam giăng ra với A Lý.

    Đối đầu

    Kể từ sau vụ án, sau va chạm trực tiếp trong vụ A Lý, quan hệ giữa tôi và Nguyễn Mạnh Trung đã không còn thân tình như xưa, đôi bên đều cẩn trọng cao độ trong những lần tiếp xúc, nhưng vẫn buộc phải giữ quan hệ vì công việc.

    Hôm nay, không còn là mối quan hệ bình thường, cố giữ cho hữu hảo vì công việc nữa, mà là một cuộc đối đầu thực sự giữa tôi và Nguyễn Mạnh Trung, dù tôi không muốn. Hay nói cách khác: Đối đầu trực tiếp giữa báo Thanh Niên và Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM.

    Tôi không sợ đối đầu, bởi nếu sợ thì tôi đã không chọn làm phóng viên điều tra. Nhưng, ai sẽ đồng hành cùng tôi trong cuộc chiến dự báo là sẽ quyết liệt sắp tới?

    Một ngày sau, thông tin tôi sắp bị khởi tố trong vụ án mạng xảy ra tại vũ trường Metropolis đã lan ra khắp trong báo giới và BBT báo Thanh Niên bắt đầu quan tâm đến thông tin nóng này. Đầu tiên, tôi được Ban Thư ký tòa soạn và anh Đ.T.T - Phó Tổng biên tập gọi lên, yêu cầu viết bản tường trình vụ việc, qua đó chuẩn bị trước luôn lời khai với Cơ quan điều tra trong thời gian tới.

    “Phú ơi, em viết xong bản tường trình rồi đưa cho anh coi nghe, anh biên tập lại rồi em viết lại ký tên”. Anh Trưởng Ban thư ký tòa soạn dặn dò tôi một cách nhẹ nhàng, thân ái.

    Hồn nhiên, tôi viết một bản tường trình chân thực nhất, với những câu như: ”Được sự phân công, nhận lệnh điều động của tòa soạn...” và mô tả lại một cách chi tiết cuộc gặp giữa tôi và A Lý. Xong, tôi nộp bản tường trình rồi đi gặp anh N.C.T –luật gia, trưởng Ban Bạn đọc- để trao đổi, tìm ra cách đối phó tốt nhất cho vụ việc tôi đang sa lầy vào.

    Cuộc trao đổi giữa tôi và anh N.C.T chưa chấm dứt, tôi đã nhận lại Bản tường trình đã được biên tập do Ban Thư ký tòa soạn chuyển tới, trong đó phần tường thuật cuộc gặp giữa tôi và A Lý được giữ nguyên, câu “Được sự phân công, nhận lệnh điều động của tòa soạn...” đã bị gạch bỏ...

    Tôi không biết đây là sự vô tình hay cố ý, có rất nhiều lý do, lý lẽ có thể để suy diễn, lý giải cho đoạn văn bị biên tập này. Nhưng, với tôi, chỉ có một cách hiểu, và nó chính là sự tổn thương, dù ai có cho rằng tôi bị hoang tưởng, thần kinh đi chăng nữa.

    Thế ra, là tôi tự đi điều tra, tự đâm đầu vào nguy hiểm, tự viết bài, tự gửi và tòa soạn tự đăng... không ai bảo tôi làm điều đó cả? Như vậy, nếu có chuyện gì xảy ra, tôi cũng phải tự chịu trách nhiệm?

    Tôi đã quen với sự ruồng bỏ, ghẻ lạnh, nhưng lần này sự vô cảm đã đẩy tôi tới giới hạn của sức chịu đựng trong tôi!

    Không chấp nhận mình bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn, vô trách nhiệm như vậy (theo tôi tự suy diễn), tôi lập tức gọi điện thoại cho anh N.C.K – TBT báo (anh K. đang đi công tác ở nước ngoài)- báo cáo vượt cấp toàn bộ tình hình, vụ việc... Vừa nghe tôi nói xong, anh K.đã trả lời: “Để tao gọi về cho anh Đ.T.T”.

    Anh K. đã gọi ngay, bước xuống dưới nhà, tôi thấy anh Đ.T.T vẫn còn đang nghe điện thoại của anh K. Gặp tôi, anh T. ngoắc tôi lại nói: “Mi đi kiếm luật sư đi. Tòa soạn trả tiền”.

    (Còn nữa)

    * Độc giả đón đọc phần 9 trên tạp chí số Thứ 2 ra ngày 27/4.
    H.P

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (65)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nghe-chuyen-doi-cua-phong-vien-thap-nien-2000-toi-gap-ong-trum-a-ly---phan-7-a321017.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan