+Aa-
    Zalo

    Chuyện nghề, chuyện đời của phóng viên nội chính thập niên 2000: Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 5

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc quan trọng bây giờ là giải quyết một “nan đề”: Làm sao để bản ghi chép đó trở thành một tài liệu chính thức.....

    Cuộc trò chuyện với “ông trùm” A Lý kéo dài nhiều giờ, di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố để “bảo mật” đã giúp tôi hình dung ra bức tranh toàn cảnh của vụ nổ súng đêm 8/11/2001 ở Vũ trường Metropolis. Đằng sau vụ nổ súng đó là mối quan hệ phức tạp - vừa hợp tác vừa cạnh tranh, thôn tính lẫn nhau - giữa băng xã hội đen Trúc Liên Bang (Đài Loan) của A Lý và tổ chức tội phạm của “bố già Sài Thành” Năm Cam, mà đại diện là Hồ Việt Sử. Vì cả 2 máy ghi âm đã bị vợ A Lý thu giữ nên tôi đã ghi chép cẩn thận câu chuyện. Việc quan trọng bây giờ là giải quyết một “nan đề”: Làm sao để bản ghi chép đó trở thành một tài liệu chính thức, một chứng cứ để tôi chuyển hóa thành bài viết của mình. Nếu không làm được điều này, coi như công sức mạo hiểm để nắm lấy cơ hội gặp A Lý sẽ đổ sông đổ biển. Tôi chợt hình dung ra ánh mắt sắc lẹm của anh T. - Phó Tổng biên tập nhìn tôi trong buổi họp giao ban tòa soạn báo Thanh Niên hôm trước, khi báo Tuổi trẻ có được phóng sự và series ảnh độc quyền vụ nổ súng trong đêm. Ngay lập tức, tôi quyết định dùng kế khích tướng, đánh vào tâm lý “yêng hùng” của gã giang hồ xứ Đài…

    Thuyết khách

    Sau khi ghi chép lại cẩn thận tất cả mọi thứ, tôi đề nghị A Lý cho tôi chụp chung một tấm ảnh với cả nhóm để làm kỷ niệm, nếu không thì chụp với một mình A Lý thôi cũng được… Tất nhiên, A Lý đời nào chấp nhận lời đề nghị “điên rồ” đó.

    Không thể để bằng chứng của cuộc gặp gỡ này trôi tuột khỏi tay tôi một cách “vô lý” như vậy được (không được cách này thì mình làm cách khác), tôi thuyết phục A Lý: “Tư liệu anh cung cấp vẫn cứ thiếu thiếu một cái gì đó, theo tôi là chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh.

    Tuy nhiên, vì thời gian quá ngắn, quá gấp, tôi chưa thể hình dung cụ thể ra là nó thiếu cái gì, tôi cần phải có thời gian đọc lại, ngẫm nghĩ, ghi ra giấy lại những thứ còn thiếu, chắc chắn tôi sẽ cần phải hỏi thêm, anh có thể sắp xếp thêm một lần gặp nữa?” Thấy A Lý vẫn chần chừ chưa quyết, tôi tung đòn quyết định: “Anh có muốn bảo toàn số tiền đã đầu tư vào Việt Nam không?”. Mắt A Lý vụt sáng lên, nhìn tôi dò hỏi. Thế là xong, tôi đã “bắn trúng tim đen” của gã giang hồ máu mặt xứ Đài.

    Quán bar, nơi các thế lực giang hồ tranh giành "địa hạt" bảo kê.

    Trong hoàn cảnh hiện tại, không cần phải quá thông minh cũng có thể nhìn ra rằng A Lý đang lâm vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”: Bị truy sát bởi tất cả những thế lực mà y có liên quan trong vụ án. Đầu tiên, viện cớ trả thù, giang hồ Sài Gòn sẽ truy sát A Lý đến “cùng trời cuối đất”, nếu gặp được là giết ngay.

    Thứ hai, công an TP.HCM lúc đó do trung tướng Bùi Quốc Huy làm giám đốc, Nguyễn Mạnh Trung làm phó phòng cảnh sát điều tra kiêm phó thủ trưởng cơ quan điều tra cũng không “tha mạng” A Lý, đang truy bắt, vì y là nghi phạm số 1 trong vụ án giết người.

    Hai người lãnh đạo của công an và cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. HCM nói trên vài năm sau mới bị ra tòa vì có liên quan đến “bố già “ Năm Cam, nhưng lúc bấy giờ đã có nhiều dư luận không hay. Nếu, 2 thế lực đã nêu mà “tình cờ” có “mối quan hệ mật thiết” với nhau, A Lý chết chắc, không bao giờ được… ở tù, đưa ra tòa xét xử.

    Chưa hết, số tiền quá lớn Bang Trúc Liên đã tin tưởng ký thác cho A Lý quản lý đầu tư, nếu “một đi không trở lại”, A Lý mà mò về Đài Loan thì chắc gì đã tránh được sự trừng phạt tàn độc của băng nhóm tại quê nhà…

    Trong hoàn cảnh tứ bề thọ địch như vậy, A Lý cho dù có gan dạ tới đâu cũng phải rối trí, tìm kiếm một cứu cánh khả dĩ có thể giúp y thoát ra khỏi hoàn cảnh bi đát này. Chắc rằng, ước mơ “cháy bỏng” của A Lý lúc ấy là: “Ước gì”… Phải, ước gì vụ thanh toán chết người chưa xảy ra!

    Nhưng, “dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời, cũng đã muộn rồi”… vụ án đã xảy ra, không cách nào quay ngược thời gian! Bất cứ tia hy vọng nào trong lúc này cũng đáng để A Lý xem xét, bấu víu như một cái phao cứu sinh được thả xuống đúng lúc khi y đang đắm chìm vô vọng giữa biển khơi…

    Ngồi đăm chiêu thêm một lát nữa, A Lý hỏi tôi: “Mối quan hệ của anh ở Việt Nam lớn cỡ nào?”. Cá đã cắn câu, làm ra vẻ “bí hiểm”, tôi hỏi lại: “Tôi là nhà báo, cũng có tiếng ở TP.HCM, anh nghĩ tôi quan hệ tới cỡ nào?”. Không nói nhiều, A Lý vô đề luôn: “Tôi muốn anh giúp tôi!”…

    Biết thế, nhưng tôi vẫn tiếp tục làm ra vẻ “bí hiểm”, hứa sẽ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này trong 1 đêm, sáng hôm sau sẽ trả lời A Lý, trình bày phương án tốt nhất cho anh ta nghe.

    “Ok, ngày mai mình gặp lại nhau lúc 9 giờ sáng. Tôi sẽ cho người liên lạc lại với anh” - A Lý đồng ý. Cuộc hẹn lần 2 đã được thiết lập, và tôi có cơ hội tác nghiệp một lần nữa, “đấu trí” với tay giang hồ cộm cán này.

    Chuẩn bị vào "hang cọp" lần 2

    Người của A Lý thả tôi trước cổng siêu thị Miền Đông như tôi yêu cầu. Trước khi chia tay, tôi bắt tay gã “Gạc - đờ - co” của A Lý, vỗ vỗ vào lưng gã một cách thân tình để tranh thủ cảm tình, phòng khi hữu sự.

    Chiếc taxi vừa rời đi, tôi đang định kiếm xe ôm để trở về tòa soạn thì nghe tiếng kêu nho nhỏ phía sau lưng: “Anh Phú!” Tôi quay lại nhìn, thấy thằng “đệ tử trời đánh thánh vật” đang đứng đó, nhăn răng cười. Tôi nhe răng gầm gừ: “Nãy giờ mày ở đâu vậy?” “Dạ, xe em đang chạy thì hết xăng”. Thật, đúng là lý do… không thể phản bác

    Tôi có tất cả 3 máy ghi âm, 2 máy sử dụng tốt, 1 máy bị hư, tất cả đều sử dụng băng từ, khả năng ghi liên tục không quá 60 phút. Muốn ghi âm A Lý một cách bí mật, cần phải có một máy ghi âm nhỏ hơn cho dễ cất giấu, đồng thời dung lượng phải lớn để phòng khi máy được bật từ trước khi nhập cuộc trao đổi một thời gian, tránh bị phát hiện khi có thao tác gây nghi ngờ.

    Trên thị trường lúc bấy giờ đã có máy ghi âm kỹ thuật số của hãng Sony, với dung lượng ghi âm liên tục lên đến 72 giờ, nhưng giá nó đắt, đến hơn 4 triệu đồng/ máy, bằng hơn nửa tháng lương của tôi thời đó.

    Mắc cũng kệ, khi cần thì phải “nghiến răng lại”. Tôi về tòa soạn, lục trong tủ bàn làm việc, xem số tiền mà mình giấu vợ để tiêu riêng lên đến bao nhiêu: Chỉ có 2,9 triệu. Thêm số tiền tôi đang có trong túi, tổng cộng là 3,7 triệu đồng, vẫn còn thiếu 500 ngàn.

    Tôi hỏi Thành: “Mầy có 500 ngàn cho anh mượn?” Nó cười khổ, gãi đầu: “500 ngàn làm sao em có, đại ca?” Đối với mấy thằng sinh viên “cóc cắn” này, số tiền tôi hỏi mượn đúng là không nhỏ… Tôi chạy vội về nhà, xin vợ 500 ngàn, rồi chạy ngược ra đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), mua chiếc máy ghi âm hằng mơ ước.

    Xong việc thì trời đã tối, tôi với thằng nhóc về ăn mỗi đứa 1 tô phở to, nhiều thịt, ngay trước cửa nhà tôi, rồi kêu vợ cho nó 100 ngàn đổ xăng, dặn nó ngày mai tiếp tục theo tôi làm “công tác bảo vệ”.

    Trước khi đi ngủ, tôi mới nhớ ra rằng: Tòa soạn chẳng hề hỏi gì tôi khi tôi quay về cơ quan lấy tiền, cũng chẳng có cuộc điện thoại nào gọi cho công an yêu cầu hỗ trợ, dù tôi đã dặn trước và mất liên lạc suốt 6 tiếng đồng hồ. Đây là một sai sót nghiệp vụ nghiêm trọng cố ý, hay một “ký ức đã bị lãng quên”?

    Có thể, sự “quên lãng” là bình thường đối với những người làm công tác tòa soạn, không đáng quan tâm, vì bận quá nhiều việc. Nhưng, đối với những phóng viên đang trực tiếp tác chiến, bất cứ sự quan tâm nào, dù nhỏ, cũng có thể làm “ấm lòng chiến sĩ”, và ngược lại… Thôi kệ, mình vẫn còn sống là được!

    Tôi viết những dòng tâm sự này chỉ để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với những đồng nghiệp trẻ, những người đam mê nghề báo là chính…

    Là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi có “văn bản” hóa những câu chuyện đời thường trong nghề báo cho dễ đọc, tôi có sử dụng những thủ thuật trong viết lách để kể chuyện một cách hấp dẫn hơn… Nhưng đối với những nguy hiểm có thể gặp phải trong nghề thì không!

    Nghề làm báo là một trong 10 nghề nguy hiểm nhất thế giới, không phải chuyện đùa, nếu các bạn là phóng viên điều tra thì càng nên tin nó là thật. Nguy hiểm, có thể đến tức thì, hoặc cũng có thể đến sau đó nhiều tháng, nhiều năm, như tôi đã chứng minh trong loạt bài này.

    Dù có thể lược bỏ những đoạn viết rất dễ gây những tình huống “nhạy cảm” với đồng nghiệp, nhưng tôi quyết định đưa hết mọi diễn biến, mọi chuyện vào các trang viết theo góc nhìn của mình, cũng chỉ để các bạn nhận thức rõ ràng hơn các mặt trái, phải của nghề, nhằm có phương án chuẩn bị tốt nhất cho bản thân, nếu quyết định theo nghề báo, xem nó như là một công việc mà mình lựa chọn để thể hiện bản thân và mưu cầu sinh kế.

    Tôi viết những dòng tâm sự này chỉ để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với những đồng nghiệp trẻ, những người đam mê nghề báo là chính…

    Là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi có “văn bản” hóa những câu chuyện đời thường trong nghề báo cho dễ đọc, tôi có sử dụng những thủ thuật trong viết lách để kể chuyện một cách hấp dẫn hơn… Nhưng đối với những nguy hiểm có thể gặp phải trong nghề thì không!

    Nghề làm báo là một trong 10 nghề nguy hiểm nhất thế giới, không phải chuyện đùa, nếu các bạn là phóng viên điều tra thì càng nên tin nó là thật. Nguy hiểm, có thể đến tức thì, hoặc cũng có thể đến sau đó nhiều tháng, nhiều năm, như tôi đã chứng minh trong loạt bài này.

    Dù có thể lược bỏ những đoạn viết rất dễ gây những tình huống “nhạy cảm” với đồng nghiệp, nhưng tôi quyết định đưa hết mọi diễn biến, mọi chuyện vào các trang viết theo góc nhìn của mình, cũng chỉ để các bạn nhận thức rõ ràng hơn các mặt trái, phải của nghề, nhằm có phương án chuẩn bị tốt nhất cho bản thân, nếu quyết định theo nghề báo, xem nó như là một công việc mà mình lựa chọn để thể hiện bản thân và mưu cầu sinh kế.

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (59)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nghe-chuyen-doi-cua-phong-vien-noi-chinh-thap-nien-2000-toi-gap-ong-trum-a-ly---phan-5-a319368.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan