+Aa-
    Zalo

    Chuyện lạ về việc "bịt mắt" giám thị coi thi ở đại học Ngoại thương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nếu như ở ĐH KD&CN HN kiểm tra ngặt nghèo khâu đầu vào phòng thi bao nhiêu thì ở trường đại học Ngoại thương lại buông lỏng bấy nhiêu.

    (ĐSPL) - Nếu như ở ĐH KD&CN HN kiểm tra ngặt nghèo khâu đầu vào phòng thi bao nhiêu thì ở trường đại học Ngoại thương lại buông lỏng bấy nhiêu. Cán bộ coi thi nơi đây thậm chí còn chẳng thèm liếc qua thẻ sinh viên, hay mặt người thi, trước khi tôi vào phòng. Họa hoằn lắm, họ cố tình cầm thẻ lên ngó nghiêng lấy lệ rồi cho qua. Nên tại đây, trong quá trình nhập vai tôi dễ dàng "qua mặt" giám thị, thi thuê trót lọt hàng loạt ca mỗi tháng.

    Những pha thoát hiểm ngoạn mục

    Sáng 23/10, như đã hẹn, tôi dậy từ rất sớm bởi vì ca thi thuê ở đại học Ngoại thương diễn ra từ 6h45. Người thuê tôi đi thi là Trần Ánh H., lớp Anh, khoa QTKD, MSV:10010xxx. Môn thi tôi được giao phó là tiếng Anh chuyên ngành 3. H. là một "khách hàng" quen thuộc và tiềm năng, vì đã thuê tôi thi cả 2 môn tiếng Anh chuyên ngành trước như: Thư tín thương mại và Dịch hợp đồng.

    (bgiay)Điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi th

    PV báo Đời sống và Pháp luật mai phục dân thi thuê trong trường đại học Ngoại thương.

    H. khá hào phóng, mức giá chị chủ động đưa ra là 1.000.000 đồng/môn. Mỗi môn bao gồm 2 bài thi, giữa kỳ và hết kỳ. Đây là lần thứ ba tôi "làm việc" với chị về chuyện thi thuê. Vào khoảng 6h15' ngày 23/10, chị H. chờ sẵn ở đầu ngõ cạnh đại học Thương mại, nơi tôi thuê trọ để đưa tôi đến trường. Trong 2 lần thi trước, tôi đều dùng thẻ sinh viên giả: ảnh của tôi, toàn bộ thông tin là của chị. Nhưng thời gian gần đây, chiếc thẻ đó bị thất lạc nên tôi khá lo lắng hỏi: "Chị ơi em lo lắm, liệu có bị phát hiện ra không?". H. trấn an: "Cô không kiểm tra thẻ đâu vì là giữa kỳ. Em yên tâm". Ngoài ra, chị còn cho tôi biết, chị chưa đi học buổi nào, đã bỏ lỡ vài buổi điểm danh, cho nên có thể không được thi cuối kỳ. Và còn yêu cầu tôi thi xong lên gặp cô giáo, trình bày lý do "vì bận đi làm, nên không đảm bảo đi học đầy đủ, mong cô giáo tạo điều kiện cho em được thi cuối kỳ".

    Đúng giờ, tôi bước vào phòng thi E101, quang cảnh chẳng khác một buổi học bình thường. Trong phòng có khoảng 60 -70 bạn sinh viên ngồi chật kín các bàn. Mọi người đang "tám" chuyện rôm rả. Lặng lẽ kiếm một chỗ ngồi gần bàn cuối để đỡ bị chú ý, nhưng mọi sự cảnh giác của tôi thành thừa, vì chẳng ai thèm ngó tới.

    Khi vào phòng, cô giáo coi thi chỉ yêu cầu mọi người trật tự để chuẩn bị phát đề và làm bài thi. Ngoài ra không có bất kỳ hành động nào để kiểm tra danh tính của sinh viên. Hôm đó, tất cả sinh viên đều chung một đề, lại ngồi cạnh nhau, giáo viên bỏ mặc cho sinh viên trao đổi bài sôi nổi, thậm chí chép bài của nhau như chỗ không người.

    Đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm và 1 câu tự luận làm trong vòng 60 phút về kiến thức quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh. Khách quan mà nói, đây là một môn học khó nhất trong các học phần tiếng Anh của đại học Ngoại thương. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên đã "thủ" sẵn tài liệu trong ngăn bàn. Để chắc chắn, tôi liền mượn tài liệu của các bạn để chép. Mọi người vui vẻ cho mượn. Còn về bài tự luận, có một bạn chụp hình vào iphone và đưa hình ảnh đó cho tôi chép.

    Sau 60 phút, tôi nộp bài xong trong tâm trạng phấn khích và lên gặp cô giáo trình bày về việc vắng mặt nhiều lần như chị H. đã dặn. Cô giáo nói với tôi nhẹ nhàng: "Đáng nhẽ em nên nói với cô từ trước, cô rất thoải mái và tạo điều kiện cho các em nhưng lần sau em nên rút kinh nghiệm". Lúc đó, tôi tỏ vẻ hối lỗi và xin lỗi cô, nhưng trong lòng thầm hiểu, cô đã đồng ý cho tôi thi cuối kỳ.

    Rời phòng thi, ra phía cổng trường, "khách hàng tiềm năng" tên H. chờ đón sẵn tôi ở đó. Tôi tường thuật lại mọi diễn biến và khẳng định đã làm tròn vai được giao, đồng thời đề nghị nhận 500.000 đồng tiền thù lao trong ngày hôm nay. Chị H. vui vẻ đưa cho tôi. Nhận tiền, tôi rời trường và đi về trong tâm trạng khá khó tả.

    Trước đó, tôi từng thực hiện nhiều ca thi trong trường Ngoại thương, nhưng cảm thấy 3 ca thi gần đây là chuyên nghiệp nhất, đảm bảo 3 yếu tố: Nhanh - gọn - chính xác. Người đầu tiên là sinh viên Trần Thị H., người dùng facebook... trao đổi, nhờ tôi thi thuê môn TACS6. H. là người khá thẳng thắn, ngay khi tôi trả lời sẽ thi được môn này, H. nói luôn, sẽ trả 350 nghìn đồng. Và khi hoàn thiện bài thi, H. nhìn điểm qua ảnh chụp và rút tiền đưa ngay cho tôi trước cửa phòng thi.

    Ca tiếp theo là sinh viên Nguyễn Thị T., mã số SV: 1109xxx. Cũng qua trao đổi, T. nhờ tôi thi môn Anh 2 tại phòng thi A601 (đại học Ngoại thương). Giá T. đưa ra là 300 nghìn đồng và thanh toán ngay khi tôi bước ra khỏi phòng thi. Tương tự là sinh viên L., muốn tôi thi hộ là TACS7, giờ thi vào 13h-15h, ngày 19/4. L. đưa ra mức giá thuê là 400 nghìn đồng và thanh toán ngay cửa phòng sau khi tôi bước ra.

    Điều đặc biệt, tôi nhận ra tại đại học Ngoại thương trong suốt những ngày thi thuê là trường có 2 khu phòng máy tính được đặt tại nhà A và nhà H. Giám thị nhà A là những người làm công việc rất cẩn trọng, luôn đối chiếu ảnh trên thẻ sinh viên và mặt thí sinh rất kỹ lưỡng, để lọt qua "hàng rào" này, sinh viên bắt buộc phải làm thẻ giả. Riêng khu thi tại nhà G, giám thị có vẻ lỏng lẻo hơn, có lần, vì không kịp làm thẻ giả, tôi chỉ cần nhớ thông tin người thuê, rồi liến thoắng vài thông tin là có thể vượt qua "hàng rào" vào phòng thi.

    (bgiay)Điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi th

    Người thi thuê dễ dàng qua cửa vào phòng thi mặc dù đến muộn.

    Lộ diện "siêu cò" bí ẩn trong đại học Ngoại thương

    Việc tôi thường xuyên nhận được các ca thi thuê trong đại Ngoại thương đến rất tình cờ. Trong một lần đăng thông tin về bản thân trên group Học hộ - Thi thuê, facebook trước đây là N.N, gần đây được đổi thành N.N.P, dùng số điện thoại 01688xxx, liên hệ với tôi. N.N.P hoạt động trong lĩnh vực này khá kín đáo, tôi cố dò hỏi xem tên thật của facebook này là gì nhưng chưa tìm được câu trả lời. Thông qua nhiều mắt xích khác trong hệ thống của N.N.P, tôi được biết, với mỗi người, "siêu cò" này lại giới thiệu một tên, nên hầu như thông tin thật mờ ảo.

    Thậm chí, ảnh về nhân vật huyền bí này trên facebook trong các nhóm Học hộ - Thi thuê cũng không phải là ảnh chân dung thật. Vì tôi là người duy nhất được gặp trực tiếp nên phát hiện ra. Trong lần tiếp cận duy nhất, tôi gọi người này là Ng.. Ng. có quan điểm khá rõ ràng: "Làm công việc này càng kín đáo càng tốt". Thấy tôi cùng cảnh ngộ, Ng. chia sẻ khá cởi mở về bản thân. Qua những câu chuyện tôi được biết, Ng. bước vào "nghề" thi hộ muộn hơn tôi chừng 5 - 6 tháng, nên có ít kinh nghiệm hơn, không biết nhiều chỗ làm thẻ sinh viên giả và đặc biệt là quy chế thi trong nhiều trường đại học, song Ng. rất nhiệt tình, hay quảng cáo trên facebook kiểu spam "mưa dầm thấm lâu", nên chẳng mấy chốc người thuê lũ lượt tìm đến với Ng..

    Có nhiều hôm, Ng. tham lam nhận cả 2 ca thi cùng giờ, cùng ngày. Không thể xoay xở, bỏ thì mất uy tín, Ng. lần mò trên các nhóm, tìm người nào có uy tín để "si si" cùng mình. Sau nhiều lần như vậy, mối quan hệ của Ng. dần được mở rộng. Cô nhanh chóng xây dựng được cho mình một đội ngũ thi thuê, học hộ đông đảo, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Cũng từ đó, Ng. nhanh chóng trở thành một "siêu cò" trong giới học hộ, thi thuê. Đặc biệt là hoạt động rộng rãi trong trường đại học Ngoại thương.

    Cuộc giao dịch "làm ăn" giữa tôi và Ng. lần đầu tiên bị thất bại vì thẻ sinh viên giả bị phát hiện trong lúc thi nhưng chúng tôi không bị xử lý. Sau đó, Ng. có gọi tôi đi thi một số lần khác. Lần đầu tiên là vào ngày 20/10, ca thi diễn ra vào15h15'- 16h15' tại phòng G403. Tôi đảm nhiệm thi thuê cho Lê Thị X., MSV: 10010xxx, sinh ngày 26/12/xxxx. Môn thi tiếng Anh cơ sở 6 và tôi được Ng. trả 300 nghìn đồng. Tôi nhớ rõ, Ng. không đưa thẻ sinh viên cho tôi, nhưng hôm đó trường đại học Ngoại thương tổ chức thi trên máy tính nên hầu như không kiểm tra thẻ. Để vào phòng thi, chỉ cần đeo dây thẻ của trường là được. Tôi hoàn thành bài thi thuê hôm đó, đạt 8 điểm.

    Sau đó không lâu, tôi tiếp tục thi một lần nữa cho bạn Lê Thị X. trên, cũng thông qua Ng.. Môn tiếng Anh cơ sở 7, ngày 26/10. Tôi đạt 855/1000 điểm, được trả với mức giá 300 nghìn đồng. Thấy tôi "làm việc hiệu quả", thời gian sau, Ng. tiếp tục thuê tôi đi thi môn Thư tín thương mại (sinh viên thường gọi là tiếng Anh chuyên ngành 1) cho bạn Hà Kiều M., tại phòng thi G401, giờ thi vào 7h30- 8h30, ngày 24/10, với mức thù lao 400 nghìn đồng. Sau buổi thi, M. gặp tôi để đưa số tiền như đã thỏa thuận.

    Không chỉ hoạt động "cò mồi" trong trường Ngoại thương, nhiều lần sau đó, Ng. gọi tôi đi học hộ ở trường Ngân hàng và thi ở một số trường, nhưng do bận việc nên tôi không nhập vai. Một lần rảnh rỗi gần đây, tôi cũng giúp Ng. có được một ca thi vào ngày 24/10, thời gian thi từ 12h30 đến 13h30 cho một bạn tên Đoàn Thị L., MSV: 1154xxx, khoa Kinh tế, trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp. "Thù lao" Ng. trả cho tôi là 400 nghìn đồng và L. chủ động gặp tôi thanh toán sau khi thi.

    Đại học Ngoại thương là một trong những trường kiểm tra đầu vào thuộc loại dễ dãi nhất trong các kỳ thi của sinh viên. Đúng ra, trước khi vào phòng, thí sinh phải xuất trình thẻ sinh viên, hay bất kỳ giấy tờ tùy thân để cán bộ coi thi kiểm tra, nhưng tại đây thì chưa một lần chúng tôi bị yêu cầu làm thủ tục đó. Có hôm đi thi thuê, bị quên thẻ giả, lấy dây của bao đựng thẻ khoác lên cổ, vẫn được cho qua bình thường. 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-la-ve-viec-bit-mat-giam-thi-coi-thi-o-dai-hoc-ngoai-thuong-a73938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.

    Dịch vụ học hộ - thi hộ nở rộ

    Dịch vụ học hộ - thi hộ nở rộ

    (ĐS&PL) - Có thể thấy hiện nay, dịch vụ học hộ - thi hộ đang nở rộ. Đã có không ít tình huống dở khóc dở cười khi sử dụng dịch vụ này…