+Aa-
    Zalo

    Chuyện lạ cụ ông ở Hà Nội tự nhận có nhiều con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Dương Văn Chuốt (sinh năm 1949) vẫn đi lại phăm phăm, giọng nói sang sảng và vẫn sẵn sàng “lấy vợ”.

    Đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Dương Văn Chuốt (sinh năm 1949) vẫn đi lại phăm phăm, giọng nói sang sảng, xuất khẩu thành thơ, dùng Internet nhoay nhoáy, và vẫn sẵn sàng “lấy vợ” nếu như... gặp được người phù hợp (?!). Chuyện khó tin nhưng có thật này xảy ra ở ngay Hà Nội chứ chẳng phải đâu xa...

    Mưu sinh trăm nghề, tiền không đếm mà phải cân

    Chuyện đồn thổi xung quanh người đàn ông kỳ lạ này đã râm ran từ lâu, song vẫn nhiều người bán tin bán nghi, cho rằng đó là chuyện phiếm trên mạng xã hội. Một ngày, lần theo địa chỉ của ông, tôi tìm về thôn Thắng Chí, xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội). Quả đúng như lời đồn, từ khi chạm chân vào đất Sóc Sơn, hỏi địa chỉ nhà ông Chuốt nhiều vợ, tôi được người dân tận tình chỉ đường như chính ông là họ hàng thân quen của họ. Nhắc đến ông, người thôn Thắng Chí ai cũng cười cười...

    Và rồi, ông Chuốt như lời đồn cũng đứng trước mặt tôi. Nom ông nhỏ bé, loắt choắt, làn da rám nắng, ăn vận đơn giản với chiếc túi vải trên vai như cậu giao liên ngày xưa. Mồm miệng ông liến thoắng đủ thứ chuyện, trên thông thiên văn dưới tường chính sách. Vừa trò chuyện ông vừa bấm điện thoại, iPad choanh choách và khoe mình sử dụng 10 điện thoại với 20 cái sim.

    Hỏi ông làm gì mà dùng lắm điện thoại thế, ông bảo: “Nghề gì tôi cũng làm, miễn là ra tiền. Thế cô đang làm nghề báo có ổn định không? Có thích kiếm tiền không để tôi vẽ việc ra cho mà làm?”. Rồi ông cho tôi xem những tấm hình trong iPad, khi thì ông đang tiếp đối tác trong vai trò giám đốc công ty bất động sản, lúc đang sản xuất cơ khí, khi thì đang trò chuyện ở trường quay truyền hình...

    Đang ngồi tiếp tôi tại nhà riêng – căn nhà cao tầng rộng rãi chất đầy sữa hộp và loa đài (ông bảo ông buôn cả thiết bị âm thanh và phân phối sữa) – thì lại có người đến nộp hồ sơ nhờ ông dạy lái xe. Tôi cứ tròn mắt nhìn ông, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thế mà ông lại bảo: “Nhưng nghề chính của tôi vẫn là làm ruộng và làm cơ khí. Một mình tôi làm 6 sào ruộng cơ đấy. Lúa của tôi bao giờ cũng đẹp nhất thôn”.

    Ông Chuốt tiếp PV tạp chí ĐS&PL tại nhà riêng.

    Miệng nói chân chạy, ông đứng lên dắt tôi đi xem xưởng cơ khí bên cạnh nhà. Nhìn đống ngổn ngang máy móc không rõ hình thù, tôi hỏi ông sản xuất cái gì, ông bảo cái gì tôi cũng sản xuất được. Đây là cái động cơ xe máy cũ tôi chế lại thành cái máy bơm nước, còn đây là cái quạt tôi lại chế thành cái máy đánh trứng... ”. Chả ai dạy tôi cả, tôi cứ mày mò tôi làm, cứ cái gì ra tiền là tôi làm” – ông Chuốt tự hào nói.

    “Bác làm nhiều nghề thế thì tiền để đâu cho hết? Người ta đồn bác giàu có lắm” – tôi hỏi. Và ông Chuốt hồ hởi trả lời: “Tôi chưa bao giờ biết mình có bao nhiêu tiền, cứ có tiền tôi lại ném vào tủ, tôi cũng chẳng đếm kỹ, có thời điểm tôi còn đem cân xem được bao nhiêu cân. Nhưng mà tôi cũng chả tiêu gì đến tiền, vợ con ai xin thì tôi cho. Ai khó khăn tôi lại giúp đỡ. Đợt rồi Covid-19, tôi cũng ủng hộ và đi vận động ủng hộ được nhiều thùng mì, cân gạo cho bà con, rồi tôi ủng hộ trường mầm non...”.

    Đoạn, ông chỉ tay vào góc tủ hỏi tôi: “Cô có biết cái gì kia không?” – “Flycam, bác chơi cả món ấy à mà có tận 2 cái?” – tôi bắt đầu ngạc nhiên về độ high-tech của lão nông U80 này. Ông bảo, tôi chơi chứ, nhưng không phải giải trí mà để giúp người khác tìm công lý đấy. Theo lời kể của ông Chuốt thì thời gian qua cứ có ai gặp khó khăn với chính quyền là ông tình nguyện trợ giúp pháp lý, làm đơn khiếu nại hộ. Ai tranh chấp ông lại đứng ra hoà giải, làm quan toà bất đắc dĩ. Và ông cho flycam bay lượn để thu thập chứng cứ như một nhà báo, một điều tra viên thực thụ...

    Cũng chính vì cái sở thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” kiểu trên mà cách đây gần 10 năm, trong khi hoà giải tranh chấp cho hai người trong thôn, ông đã bị ném cả mìn tự chế vào nhà, rất may không có thiệt hại gì đáng kể.

    10 lần làm đám cưới?

    Căn nhà khang trang của ông Chuốt.


    Khi được hỏi về chuyện 10 vợ, 27 con, ông Chuốt cho biết: “Tin đó cũ rồi, tôi lấy cô thứ 11 rồi ấy chứ”. Vừa nói ông vừa giở iPad cho tôi xem hình ảnh một cô gái trẻ xinh đẹp rồi hỏi: “Có đẹp không? Sinh năm 1998 đấy, đang học đại học ở Hà Nội”.

    Và dường như đọc được ánh mắt nghi ngờ của tôi, cụ ông U80 không ngần ngại mở cho tôi xem những dòng email được cho là của 9X gửi cho ông. Trong đó có những đoạn lâm ly mùi mẫn: “Bác Chuốt ạ, giờ bác trả lời cho cháu xem tình cảm bác dành cho cháu là chân thật hay là chỉ qua đường? Nếu là chân thật thì để cháu về trình bày với bố mẹ cháu. Chắc là bố mẹ cháu sẽ cấm thôi. Thì bác và cháu đi đâu sống vài năm, có con quay về họ sẽ phải chấp nhận...”.

    Tôi hỏi: “Tại sao cô ấy trẻ như vậy mà lại đồng ý lấy bác? Cô ấy yêu bác vì điều gì? Có khi nào bác nghĩ phụ nữ chỉ lợi dụng tiền bạc của mình không?”. Ông Chuốt bảo: “Ngần này tuổi rồi, ai chân thành hay không tôi còn không biết hay sao? Chân thành với tôi thì tôi cũng chẳng tiếc gì. Mà tôi cũng chưa bao giờ lấy phụ nữ giàu có vì phụ nữ giàu sẽ không biết quý trọng tình cảm, tôi toàn lấy người nghèo rồi giúp họ có tiền, có nhà”.

    Nói về lý do có nhiều vợ thì ông Chuốt chia sẻ, gia đình ông xuất thân nông dân, từ bố mẹ cho đến 7 chị em ai cũng chỉ một vợ một chồng, không hiểu sao lại nảy nòi ra ông. Năm 1967 ông 18 tuổi có cưới bà vợ đầu là bà Dương Thị Cẩn cùng quê, khi ấy bà Cẩn 17 tuổi. Chưa đủ tuổi nên hai người chỉ làm đám cưới chứ không đăng ký kết hôn. Cưới xong đẻ sòn sòn 5 đứa, ông cũng quên luôn cái việc cho bà tờ giấy chứng nhận là vợ chồng.

    Đến năm 1980, ông Chuốt đi làm thiết kế về máy móc ở làng khác thì gặp bà thứ hai. Bà này sinh năm 1960, lúc đó mới 20 tuổi, trẻ đẹp, chưa chồng nhưng thấy ông Chuốt vui vẻ, dễ thương, hợp nhau nên đã sống với nhau như vợ chồng. Ông Chuốt xây nhà cho bà hai tại quê của bà này, thỉnh thoảng ông ghé qua chơi và ở lại.

    Bà cả có biết chuyện nhưng không phản ứng mạnh. Thậm chí, lúc bà hai đẻ đứa đầu tiên, bà cả còn đi chăm sóc ở bệnh viện tại Hà Nội. Sau đó, bà hai có thêm 1 con nữa.

    Năm 1982, trong thời gian ông Chuốt đi làm ở Quảng Ninh có gặp một bà khác. Trong quá trình truyền nghề cơ khí, thì ông bà bén duyên nhau, rồi quyết định ở với nhau, sinh 2 người con. Đến nay, bà này vẫn ở Quảng Ninh.

    Bà hai, bà ba, rồi lần lượt có tới 11 bà. Trong đó có tới 3 bà ở cùng thôn, đều có nhà cửa đàng hoàng. Người nào không có thì được ông xây cho.

    Tám bà còn lại ở xa, có 1 bà ở tỉnh Tây Ninh, hai người ở với nhau khi ông vào Tây Ninh làm việc khoảng năm 1989, đã có 4 người con đều trong Tây Ninh. Ông Chuốt vẫn thường đi đi, về về.

    Trong cùng thời gian ấy, ông về TP.HCM thì gặp một bà khác và cũng kịp có 2 người con với bà này.

    Ngoài ra, ông còn lấy 1 phụ nữ Việt sang Lào sống một thời gian rồi về nước. Một người sống ở Campuchia về nước cũng sinh được 2 người con.

    Cho đến nay theo thống kê của ông Dương Văn Chuốt thì ông có tất cả 11 “vợ”, 27 người con (trong đó có một con nuôi). Hiện bà vợ cả vẫn sống cùng thôn, bà có cái nhà riêng và đang bán vàng mã. Các con của bà này sống quây quần quanh đó, có người làm khai thác cát, còn lại kinh doanh nhỏ lẻ. Ông hiện đang sống cùng nhà với bà thứ 6 là người Tây Ninh.

    - Đó là người phụ nữ bác yêu nhất phải không? – tôi hỏi.

    - Không, tôi coi họ như nhau, chả yêu ai hơn ai. - Nhưng câu trả lời càng làm tôi bất ngờ.

    - Vậy trong 11 vợ đó, ai là người yêu bác nhất?

    Tôi không biết, mà tôi cũng chả quan trọng.

    - Làm sao bác biết tất cả các con là của mình? Đứa nào nghi ngờ thì tôi thử ADN.

    Mỗi đứa 5 triệu hết.

    - Các bà vợ của bác có khi nào ghen nhau không?

    Không, có thời điểm vài bà sống cùng nhà với nhau ấy chứ (vừa nói ông vừa mở iPad cho tôi xem ảnh bà cả và bà thứ sáu ngủ chung giường).

    - Bác có trách nhiệm với tất cả các con không?

    Có chứ, đứa nào xin tôi cho, tôi vẽ việc cho chúng làm, tôi chỉ cho chứ chưa ăn của chúng một cái kẹo nào.

    - Tôi hỏi tế nhị chút: Bác đã 71 tuổi rồi, thế “món ấy” thế nào? Bác định cứ lấy vợ đến bao giờ?

    “Món ấy” tôi bình thường, vẫn như hồi trẻ. Tôi cũng không phải cứ thích lấy vợ mà là số nó phải thế, còn có phụ nữ phù hợp và yêu thương tôi thì tôi vẫn lấy.

    Nói rồi, ông lấy xe máy chở tôi sang nhà bà cả. Đây là người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt hiền lành khắc khổ. Hai ông bà vẫn trao đổi với nhau bình thường, tình cảm như vợ chồng.

    Tôi hỏi: “Bác Chuốt nói là bác ấy có 11 vợ, chuyện này có thật không?”. Bà Dương Thị Cẩn chỉ nói: “Kệ ông ấy, tính ông ấy thế”. Tôi lại hỏi: “Bác không ghen sao?”. Bà Cẩn cười buồn: “Già rồi, ghen gì nữa hả cô?”. Nói rồi, người phụ nữ nhìn tôi hồ nghi: “Lát cô theo ông ấy về cả bên nhà à?”. Tôi vội đáp: “Dạ không, cháu là nhà báo, làm việc xong cháu về”.

    Suốt chặng đường chở tôi về, ông Chuốt gặp ai cũng dừng lại hồ hởi, tay bắt mặt mừng. Còn họ, những người nông dân ngoại thành Hà Nội thì nhìn theo bóng ông và tôi đi khuất rồi mới bụm miệng cười...

    Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Sóc Sơn - cho hay, ông Dương Văn Chuốt đã từng kết hôn với bà Dương Thị Cẩn nhưng sau đó đã ly hôn hay chưa thì ông không nắm được.

    Còn chuyện ông Chuốt có nhiều vợ nhiều con thì phần lớn là tin đồn và do ông Chuốt nói chứ chưa có ai chứng kiến.

    Xác nhận thông tin này, ông Tạ Văn Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí - cũng khẳng định, ông Dương Văn Chuốt từng kết hôn với bà Dương Thị Cẩn nhưng đã ly hôn. Chuyện ông Chuốt có 11 vợ 27 con thì đều do ông ấy nói chứ xã không khẳng định.


    Trước sự việc này, chuyên gia tâm lý - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo (Trung tâm Kỹ năng sống Rồng Việt) không khỏi lo lắng: "Sự việc một người chung sống với nhiều người như vợ chồng và sinh con ngoài giá thú (theo lời tự kể của nhân vật), ngoài việc vi phạm quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình còn để lại những hệ luỵ xấu cho xã hội.

    Đầu tiên là cho chính những người phụ nữ được coi là "vợ" của nhân vật và các con. Họ sẽ mất niềm tin vào tình cảm chung thuỷ, gắn kết của gia đình và có thể bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ lệch lạc đó. Lối sống của nhân vật cũng gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, khiến người dân mất niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật".


    Bảo Yến

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (122)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-la-cu-ong-o-ha-noi-tu-nhan-co-nhieu-con-a332948.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan